Bội thu lớn, cần nới lỏng tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cao hơn dự toán đến 26,4%, một mức vượt thu hiếm có trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, hoạt động của sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần tính các giải pháp nới lỏng tài khóa qua các chính sách giảm thuế, phí mạnh tay hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng thu NSNN tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu NSNN năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán, tăng 29,7%...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng chi NSNN tháng 12/2022 ước đạt 203,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

TS.Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng: "Số tiền thu vượt dự toán đủ để làm thêm 8 tuyến metro cho Hà Nội và TP.HCM, hoặc thừa để xây toàn bộ sân bay Long Thành hoặc đủ để làm đường sắt tốc độ cao đoạn từ TP.HCM đi Nha Trang".

Kết quả đáng kinh ngạc trong thu NSNN thể hiện ở tất cả các khoản thu, lĩnh vực thu. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh đều vượt dự toán. Thành tích thu NSNN năm 2022 càng đặc biệt ấn tượng khi hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí… đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233.500 tỷ đồng.

Có ý kiến cho rằng, kết quả thu NSNN năm 2022 vượt xa dự toán một phần do dự toán thu đầu năm chỉ 1.411,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cả số thu đã thực hiện năm 2021 là 1.568,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Ánh, nguyên nhân căn bản dẫn đến kết quả thu NSNN năm 2022 là sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ấn tượng, với tốc độ lên tới 8%, đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi và niềm tin kinh doanh tăng mạnh trở lại (doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên trên 200.000 doanh nghiệp, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021)…

“Thực tế trên cho thấy, điều quan trọng nhất trong chính sách tài khóa nói chung và thu NSNN nói riêng năm 2023 là cần phối hợp đồng bộ hơn nữa với chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4,5%. Mục tiêu thu NSNN 1.620,7 nghìn tỷ đồng như dự toán năm 2023 hoàn toàn có thể đạt và vượt, song điều hành thu NSNN nên chủ động và linh hoạt hơn nữa theo hướng nới lỏng trong chính sách thu NSNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, từ gia tăng chi phí các yếu tố đầu vào”, ông Ánh nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tình hình thế giới, trong nước sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023, trong khi NSNN đang dồi dào, do đó nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

“Các doanh nghiệp mong mỏi các chính sách hỗ trợ thực thi hiệu quả và nhanh chóng hơn. Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lực nêu vấn đề.

Về các giải pháp tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ Trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giãn hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản. Bộ Tài chính cũng sẽ giảm thuế đất. Đồng thời, duy trì mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Từ đó, dư địa trong việc điều hành giá cả hàng hoá sẽ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ cố gắng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, giảm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Qua đó, đảm bảo tiến độ của các dự án đầu tư công, cũng như các dự án trong việc phục hồi kinh tế.

Chuyên đề