Chỉ sau vài năm, hàng chục nghìn căn hộ du lịch condotel ra đời cùng những cam kết lãi suất cao ngất ngưởng.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Sở Xây dựng các địa phương, Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2019.
Theo đó, tổng hợp từ 22 Sở Xây dựng, trong quý III có 167 dự án phát triển nhà ở với 134.668 căn hộ được cấp phép và đang triển khai xây dựng.
Riêng đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng cho biết, có 10 dự án với 3.184 căn hộ du lịch và 720 biệt thự du lịch được cấp phép và đang triển khai xây dựng. Số lượng nhà ở hoàn thành trong quý là 22.004 căn.
Về lượng giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tổng hợp từ 15/22 Sở Xây dựng có báo cáo số liệu, trong quý III có 48.260 giao dịch bất động sản thành công.
Trong đó, tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển (Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Kiên Giang...) có 28.674 giao dịch bất động sản thành công (tăng 58,3% so với quý trước).
Số lượng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) giao dịch thành công trong quý là 2.515 giao dịch (tăng 79,9% so với quý trước).
Bộ Xây dựng cũng có báo cáo cụ thể về số lượng các dự án bất động sản, bao gồm số lượng nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do Bộ Xây dựng đã thẩm định.
Theo đó, trong quý III có 19 dự án được Cục quản lý hoạt động xây dựng thẩm định với số lượng căn hộ cụ thể như sau: Nhà ở: 15.090 căn; Căn hộ du lịch: 198 căn; Biệt thự du lịch: 0 căn; Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn.
Cũng trong quý này, có 37 dự án được Cục Giám định Nhà nước và Chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ cụ thể như sau: Nhà ở: 15.784 căn; Căn hộ du lịch: 1.945 căn; Biệt thự du lịch: 0 căn; Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 107 căn.
Bộ Xây dựng cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản quý II/2019 là 478.648 tỷ đồng (tăng 3,6% so với trước).
Về cấu dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản không có sự thay đổi lớn, trong đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng cho vay đối với hầu hết các hạng mục đều tăng, chỉ riêng dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng giảm so với quý trước.
Nhiều ngày qua, căn hộ du lịch condotel là chủ đề được bàn tán sôi nổi khắp các diễn đàn sau thông báo "vỡ trận" về cam kết lãi suất của dự án Cocobay Đà Nẵng.
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam năm 2019 vừa diễn ra, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản trong năm qua tiếp tục có bước phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục, trong đó có vấn đề condotel.
“Đối với condotel không phải là vấn đề mới nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề về giá, về cam kết lợi nhuận”, ông Hùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnRea) cho rằng, bản chất condotel không có gì sai.
Thậm chí theo vị này, hình thức, hoạt động, cách huy động vốn của condotel là tốt trên thị trường bất động sản. “Condotel không có tội tình gì, hình thức hoạt động, huy động vốn không sai nhưng cái không may của Cocobay, một vụ trục trặc của condotel vừa qua là do chọn vị trí cũng như định giá lãi cao quá”, ông Nam nhận định.
Ông Nam nói thêm, nếu đầu tư bất động sản condotel mang lại lợi nhuận 8 - 12%/năm mà thực sự không có rủi ro nào thì còn ai gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi suất 7% nữa?.
Chủ tịch VnRea cho rằng, việc các doanh nghiệp “chạy đua” lãi suất cao vừa qua chính là cách lôi kéo khách hàng, đánh vào lòng tham và sự kém hiểu biết.