Bỏ việc ngân hàng thành lập startup 2 tỷ USD

Là người sáng lập startup giao đồ ăn hàng đầu tại Anh, Will Shu hiện vẫn tự mình đi giao hàng hai tuần một lần...
Will Shu - Người đồng sáng lập Deliveroo - Ảnh: Business Insider.
Will Shu - Người đồng sáng lập Deliveroo - Ảnh: Business Insider.

Ra đời năm 2013, startup giao đồ ăn trực tuyến Deliveroo nổi lên là một trong những startup công nghệ của Anh thành công nhất ở nước ngoài. Hiện Deliveroo có mặt tại hơn 200 thành phố khắp châu Âu, Trung Đông, châu Á và Australia.

Deliveroo được thành lập bởi Will Shu - một cựu nhân viên ngân hàng và Greg Orlowski – từng là kỹ sư phần mềm. 

Bỏ việc ngân hàng học kinh doanh

Sinh ra tại Mỹ, Shu nảy ra ý tưởng thành lập Deliveroo khi đang làm việc tại ngân hàng Morgan Stanley ở London, Anh. Khi đó, mỗi khi cần gọi đồ ăn trưa hoặc tối về nhà hoặc văn phòng, ông nhận thấy "hệ thống" gọi món bao gồm những menu đồ ăn rắc rối và lộn xộn của các nhà hàng. Và điều quan trọng là không có cách nào để biết được món ăn ngon hay dở, nhà hàng giao nhanh hay chậm. Khi đó, ông băn khoăn tại sao vấn đề đơn giản này lại chưa được giải quyết.

Sau đó, Shu quyết định bỏ việc tại ngân hàng và về Mỹ theo học trường kinh doanh, tìm hiểu cách mở doanh nghiệp.

"Tôi trở về Mỹ để học kinh doanh bởi tôi đã làm việc 9 năm trong ngành tài chính và khi đó lại muốn làm một thứ hoàn toàn khác. Tôi đã dành 2 năm để học và suy nghĩ về startup của mình", Shu cho biết.

Sau khi tốt nghiệp, năm 2013, Shu cùng Greg Orlowski cho ra mắt ứng dụng Deliveroo.

"Khi đó, giá smartphone và máy tính bảng đã trở nên rẻ hơn, vì vậy tôi quyết định thành lập Deliveroo để giải quyết những vấn đề mà mình nhận ra trước đó", Shu nói.

"Tôi là người giao hàng Deliveroo đầu tiên và đã tự mình làm công việc này mỗi ngày trong cả một năm", Shu, 38 tuổi, nói với CNNMoney.

"Hiện tại tôi vẫn đi giao hàng hai tuần một lần. Tôi cần phải thực sự hiểu các nhà hàng, khách hàng và người giao hàng nghĩ gì và muốn gì. Tôi đã làm qua tất cả công việc trong công ty và cho rằng điều này rất đáng giá", Shu giải thích.

Được định giá 2 tỷ USD sau 5 năm

Không giống một số công ty dịch vụ thực phẩm trực tuyến khác, Deliveroo có đội ngũ giao hàng riêng bằng xe đạp hoặc xe máy, giao đồ ăn từ các nhà hàng địa phương tới tận tay khách hàng. 

Mô hình của Deliveroo tương tự như UberEats - đối thủ cũng có mặt ở hầu hết thị trường của Deliveroo. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt của startup này là ngoài việc hợp tác với các nhà hàng địa phương, Deliveroo còn giúp những đầu bếp tham vọng có không gian bếp riêng để chế biến món ăn và bán trên Deliveroo.

Deliveroo hiện có khoảng 35.000 người giao hàng và nhiều người trong số này làm việc khoảng 12 giờ liên tục mỗi tuần. Những người này có thể là sinh viên, nhân viên chăm sóc người già và nhiều nghề khác và giao hàng khi rảnh rỗi.

Tại châu Âu, startup "kỳ lân" - được định giá trên 1 tỷ USD - tương đối hiếm, tuy nhiên, Deliveroo đã được định giá hơn 2 tỷ USD chỉ sau 5 năm hoạt động. Đây hiện là một trong những startup được định giá lớn nhất tại Anh, sau khi nhận được tổng cộng 865 triệu USD vốn đầu tư.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều startup, Deliveroo có khởi điểm gặp nhiều khó khăn và hiện vẫn kiên trì với mô hình và tìm cách kiếm lợi nhuận. 

Vài năm gần đây, dù doanh thu liên tục tăng (khoảng 611% từ năm 2015 tới năm 2016), khoản lỗ của công ty cũng không hề nhỏ, chủ yếu do kế hoạch mở rộng thị trường ra 12 quốc gia. Theo Cục Quản lý Doanh nghiệp của Anh, Deliveroo lỗ khoảng 162 triệu USD trong năm 2016. Công ty hiện chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2017.

Dù vậy, Shu cho biết công ty sẽ tiếp tục tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm kế hoạch tiến chân vào thị trường Mỹ và xây dựng mô hình nhà bếp dành cho các đầu bếp có tên Editions.

"Ý tưởng này cho phép chúng tôi có nguồn cung tốt nhất cho khách hàng", Shu nói. "Chúng tôi thực sự quan tâm tới đồ ăn và đó là tất cả những gì chúng tôi đang làm. Đây là yếu tố cốt lõi của Deliveroo, từ đó chúng tôi nảy ra những ý tưởng tiên phong như thế này", Shu nói về Editions.

Nói về tin đồn chào bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2019, Shu cho biết: "Tôi sẽ suy nghĩ về việc này trong vài năm tới, nhưng đây không phải là điều tôi quá quan tâm vào thời điểm này".

"Chúng tôi sẽ phát triển Editions, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và làm rất nhiều thứ khác. Chúng tôi cũng đang cân nhắc về việc mở rộng sang các thị trường mới", Shu tiết lộ.

Chuyên đề