Đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM |
Trước đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, 21/22 cảng hàng không - sân bay do ACV quản lý (trừ sân bay Vân Đồn - PV) đang thu phí dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các xe ô tô đưa/đón trả khách (không sử dụng dịch vụ giữ xe, chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Trong giai đoạn từ 1/10/2012 - 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỷ đồng. Riêng các năm 2014 - 2015, chỉ có 7 cảng hàng không thu phí nhượng quyền dịch vụ phí hàng không, với số thu là 102 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa ban hành quy định về thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phí hàng không dẫn đến ACV tự tổ chức thu phí và việc triển khai thiếu tính thống nhất, cảng thu phí, cảng không thu và tỷ lệ thu khác nhau.
Khi ACV chưa cổ phần hóa, việc thu phí này được cho là mang lại lợi ích cho ACV và nhà nước, nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.
Với nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích làm đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, báo cáo Thủ tướng của Bộ Tài chính nêu rõ từ năm 2018 Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của Luật Đất đai, tuy nhiên đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến trả lời.
Bộ Tài chính cho rằng, theo Điều 156 Luật Đất đai năm 2013, đất phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được Nhà nước giao đất cho Cảng vụ hàng không. Việc Cảng vụ hàng không để ACV sử dụng diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga, cảng hàng không có thu tiền là có mục đích kinh doanh nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định là có hành vi vi phạm trong sử dụng tài sản nhà nước.
“Sẽ xem xét, xử lý theo quy định tại Nghị định 192/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước” - Bộ Tài chính cho hay.
Đối nghĩa vụ tài chính của ACV, Bộ Tài chính khẳng định: Trường hợp đất công cộng không có mục đích kinh doanh thì ACV được giao đất mà không phải nộp tiền sử dụng. Tuy nhiên, phần giá trị tài sản trên đất (đường dẫn vào sân bay) do ACV đầu tư và có thu tiền - khi đó là có mục đích kinh doanh nên phải nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
“ACV phải nộp tiền thuê đất theo quy định của chính sách thu tiền thuê đất và số tiền tương đương số tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất phải nộp, tương ứng từng thời kỳ đối với diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga, cảng hàng không trong khoảng thời gian từ khi ACV bắt đầu thực hiện việc thu phí của các phương tiện ra/vào khu vực cảng hàng không” - văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính cũng đề cập đến việc xử lý kinh tế với số tiền ACV đã thu sai trong giai đoạn 2012-2017. Theo đó, liên Bộ Tài chính - GTVT thống nhất không xử lý kinh tế do ACV đã hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính và đã nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định.