Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát dưới 4% là rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với cùng kỳ của các năm 2018 - 2021. Tuy nhiên, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn do các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm

Thực hiện nhiệm vụ được phân công đối với các thành viên Chính phủ, trên tinh thần tiếp thu các ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận của các đại biểu tại tổ cũng như tại hội trường, đối với Báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ thêm một số vấn đề Quốc hội quan tâm.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, theo Bộ trưởng, đến hết tháng 5/2022, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về cung cầu năng lượng, lương thực, cán cân thanh toán ngân sách nhà nước được bảo đảm, hàng hóa, năng lượng cũng không bị thiếu hụt, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình lạm phát của tháng 5 và 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát. Cụ thể, CPI tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung của 5 tháng tăng 2,25%, tương đương với cùng kỳ của các năm 2018 - 2021. Tuy nhiên, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn do các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài của nền kinh tế. Đó là giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng do xung đột Nga - Ukraine.

Ở trong nước, lạm phát đến từ 4 yếu tố. Thứ nhất là giá xăng, dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao. Thứ hai là sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ. Thứ ba là tăng học phí năm học 2022 - 2023. Thứ tư là giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng, gây áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép tăng giá bán đầu ra. Qua theo dõi, CPI tháng 5/2022 đã tăng 2,48% so với cuối năm 2021, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch và đây là mức tăng cao phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng trong thời gian tới.

“Về vấn đề này, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát; đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chuyên đề