Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội (ảnh: QH) |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, từ ngày 27/4 đến nay diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,52%, khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Một số ngành đã suy giảm từ năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn. Nhiều doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường.
Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng của chúng ta, đó là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách, nơi chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.
Trong điều kiện khó khăn đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, cho DN và người sử dụng lao động, như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí, hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động.
“Đến nay, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cả nước đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng. Riêng việc thực hiện Nghị quyết 42, gói 62.000 tỷ triển khai trong điều kiện chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp gáp, nhưng cả nước đã hỗ trợ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người thụ thưởng, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ đồng”, ông Dung thông tin và cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết Nghị quyết và đề xuất các chủ trương, chính sách tiếp theo.
Riêng đợt dịch lần thứ tư, theo ông Dung, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ tham mưu xây dựng để kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng. Đến nay, sau 15 ngày cho thấy, việc ban hành chính sách hỗ trợ là đúng, trúng đối tượng, thông thoáng về thủ tục hồ sơ. Các quy định đã giảm 1/2 thủ tục, 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42, các đối tượng đã tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn nhiều.
“Chúng ta có những chính sách, thậm chí có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ trên cơ sở dữ liệu chúng ta đã có”, Bộ trưởng dẫn chứng và nhấn mạnh qua 15 ngày triển khai đã có kết quả tích cực.
Cụ thể, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao. Đến nay, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1, 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại 5.922 DN đã được hưởng chính sách, 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. Ngân hàng nhà nước đã triển khai tái cấp vốn. Qua 1 tuần triển khai, đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ trong 13.577 lao động. Con số này gấp 10 lần so với số thực hiện trong gói 62.000 tỷ đồng.
“Nhìn tổng quát cho thấy các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn”, ông Dung đánh giá.
Cũng tại Phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo thêm về việc triển khai Nghị quyết 135 Quốc hội khóa XIV về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng như đề xuất một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn thách thức của dịch bệnh.