Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ đánh giá tác động và báo cáo về việc giảm thuế đối với xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để giảm giá xăng dầu, phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngày 2/6, tại phiên thảo luận của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu, giải trình về các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chống lạm phát, bởi giá cả nhiều nguyên liệu đầu vào trên thế giới đang tăng nhanh. Ngoài giải pháp tập trung vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tái cơ cấu, tăng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, tạo ra được sản phẩm, nâng cao được thu nhập của người dân và doanh nghiệp.

Trước một số ý kiến cho rằng cần phải giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu. "Để giảm giá xăng dầu hiệu quả phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thực tế, tỷ lệ thuế trong giá xăng ở nhiều nước khoảng 45%, còn của Việt Nam chỉ chiếm 29 - 30%. Vừa qua, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Khi giảm thuế thì phải cắt giảm các khoản chi, vốn đã có dự toán được phê duyệt", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết sẽ cân nhắc để đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ về việc giảm thuế đối với xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý, khi giảm thuế phải tính đến những ảnh hưởng khác như việc buôn lậu xăng dầu, vì hiện giá của Việt Nam chênh lệch 11.000 đồng/lít so với giá ở Lào, chênh 3.000 đồng/lít so với giá ở Campuchia…

"Nếu giá thấp thì xăng dầu sẽ chảy lậu ra các nước xung quanh, còn ta lại khó khăn vì thực hiện giảm thuế. Bên cạnh đó, phải tập trung thúc đẩy nguồn cung, nâng công suất hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét.

Chuyên đề