Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 7 tồn tại tạo khoảng cách giữa chính sách và thực thi Nghị quyết 35

(BĐT) - Báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp khai mạc sáng nay (17/5) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ trưởng Dũng, Nghị quyết số 35 được ban hành tháng 5/2016, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Sau một năm thực hiện Nghị quyết, với sự nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng năm 2016 đã có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; hơn 2.600 dự án đầu tư nước ngoài mới, với gần 16 tỷ USD vốn đăng ký, tăng hơn 23% về số dự án so với cùng kỳ. Theo đánh giá của WB năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh… “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi”, Bộ trưởng cho biết và nêu rõ 7 tồn tại lớn.

Về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra việc chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng…dẫn đến vướng mắc trong thực thi. Thực tế thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Đơn cử như trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện do 3 Bộ (Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng quản lý theo 3 nghị định khác nhau; giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong một Bộ cùng xử lý mà không thống nhất đầu mối. Quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hoá xuất nhập khẩu (mã HS) chưa đủ rõ ràng; thủ tục cấp chứng nhận trong phòng cháy chữa cháy, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên…theo phản ánh còn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp

Về tiếp cận đất đai, thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép nêu trên vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp. Doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV vẫn khó khăn để có mặt bằng sản xuất. Việc thu hồi đất, tính giá đất, tính giá đền bù còn phức tạp, chưa sát với thực tế thị trường; thông tin quy hoạch không rõ ràng dẫn đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh cũng có tồn tại. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, hiện việc triển khai đấu thầu qua mạng nhằm công khai minh bạch các dự án mua sắm công, tạo cơ hội tham gia của doanh nghiệp chưa đảm bảo lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa còn lỏng lẻo; hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép sản xuất trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Trong khi đó, tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm, làm thu hẹp thị trường và cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công của khu vực tư nhân.

Về tiếp cận tín dụng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng phản ánh của doanh nghiệp cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng nêu thực tế chỉ có 40% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký tài sản theo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm để có cơ sở mang đi thế chấp vay vốn. Hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tồn tại rất nhiều vướng mắc; DNNVV hầu như không tiếp cận được vốn qua kênh này.

Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Đặc biệt, về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là: chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Bộ trưởng cho biết, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore). Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây, thời gian kéo dài từ 7-10 ngày. Ngoài ra, các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, thanh toán chậm và thủ tục phiền hà đối với các dự án và dịch vụ công do doanh nghiệp cung cấp chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng lớn đến chi phí và rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp về nội dung giữa các ngành (công an, môi trường, xây dựng, thuế…), các cấp sở, quận/huyện; còn tồn tại sự thiếu phối hợp giữa ngành thanh tra và ngành kiểm toán, chưa có sự kế thừa các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan. Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, năng lực nội tại và ý chí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp; thể hiện rõ ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Đây là rào cản lớn nhất hạn chế khả năng tham gia cụm, chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu.

Trên cơ sở các tồn tại nêu trên trong việc thực hiện Nghị quyết số 35, nhấn mạnh nhiệm vụ mà Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khoá 12 vừa kết thúc đề ra là “chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng đề xuất hàng loạt giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2017-2018. Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35.

Chuyên đề