Bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư lĩnh vực dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Bản Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 22/9/2021 đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đề xuất một số nội dung nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí (ảnh: Internet)
Bản Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 22/9/2021 đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đề xuất một số nội dung nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí (ảnh: Internet)

Theo Tờ trình số 9601/TTr-BCT của Bộ Công Thương trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ đã tổng kết thi hành Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 cho thấy Luật Dầu khí hiện hành có nhiều vướng mắc, bất cập.

Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp như: Chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại. Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ).

Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (công ty 100% vốn của PVN) phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có quy định chưa đồng bộ với Luật Dầu khí về các bước phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Bên cạnh đó, một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan.

“Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí mới để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 là hết sức cần thiết”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo đó, tại Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 22/9/2021, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước cũng như loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Đơn cử như về hợp đồng dầu khí, các các điều khoản liên quan đến hợp đồng dầu khí đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung (có tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia...) bảo đảm linh hoạt, hấp dẫn hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu, nhà đầu tư tham gia, đồng thời giải quyết một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động dầu khí.

Cụ thể, thời gian hợp đồng dầu khí được kéo dài thêm 5 năm so với quy định hiện hành và thống nhất thời hạn hợp đồng đối với việc khai dầu và khai thác khí. Theo đó, thời hạn của hợp đồng dầu khí là 30 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 35 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí), trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí 5 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 10 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí); thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm (Điều 31 Dự Luật).

Bổ sung quy định việc đề xuất đầu tư bổ sung tận thăm dò dầu khí nhằm duy trì, gia tăng sản lượng, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí của nhà thầu giai đoạn cuối đời mỏ và ưu tiên ký kết hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký kết kết thúc (Điều 31 Dự Luật).

Bổ sung quy định về diện tích đối với một hợp đồng dầu khí có thể gồm nhiều lô dầu khí phù hợp với tình hình thực tế tại Điều 32 Dự Luật.

Bổ sung quy định mức thu hồi chi phí đối với các hợp đồng dầu khí áp dụng cho đối tượng lô, mỏ đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí và đối tượng đặc biệt khác (lô, mỏ cận biên tại điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí, khai thác tận thu dầu khí, dầu khí phi truyền thống) ở Điều 33 Dự Luật...

Chuyên đề