Bộ Kế hoạch và Đầu tư và những lần “lấy đá ghè chân mình”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng” - từ quan điểm ấy, ngay khi trở thành Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Bùi Quang Vinh đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg - một chỉ thị gây “choáng váng” cho không ít người tại thời điểm đó, khi mà phải siết chặt đầu tư công sau một thời gian vung tay quá trán. Và chính Bộ KH&ĐT cũng đã “lấy đá ghè chân mình”, từ bỏ quyền lực lớn từ sau chỉ thị này.
Sau khi Chỉ thị 1792/CT-TTg được ban hành, đến năm 2014, nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng của năm 2011. Ảnh: Lê Tiên
Sau khi Chỉ thị 1792/CT-TTg được ban hành, đến năm 2014, nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng của năm 2011. Ảnh: Lê Tiên

Nguy cơ vỡ nợ nếu không có Chỉ thị 1792

Tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vào tháng 8/2011, giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn thử thách nhất, ông Bùi Quang Vinh đã cùng các đồng sự ngày đêm miệt mài, xây dựng nhiều chính sách, cơ chế mới, tham mưu cho Chính phủ để góp phần đưa nền kinh tế phát triển ổn định.

Trong đó, Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ như một lời “tuyên chiến” với tình trạng manh mún, dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, căn bệnh trầm kha của đầu tư công.

Chỉ thị 1792/CT-TTg khiến các địa phương gần như bị “choáng váng”, vì chưa bao giờ có quy định chặt như vậy. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại.

Trước khi có Chỉ thị 1792/CT-TTg, các cấp, các ngành quyết định phê duyệt và cho triển khai quá nhiều dự án mà không tính đến khả năng cân đối của ngân sách; thậm chí địa phương quyết định phê duyệt và cho triển khai các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (NSTW), trái phiếu chính phủ (TPCP) mà không biết nguồn vốn có cân đối được hay không. Tình hình này diễn ra trong nhiều năm dẫn đến tình trạng bố trí vốn dàn trải, thời gian thi công kéo dài, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. 1 năm có đến 20 nghìn công trình mới phát sinh nhưng trong đó chỉ đủ tiền cho 5 nghìn công trình. Nhiều con đường làm xong không ai đi, chợ làm xong không ai họp.

Chỉ thị 1792 tăng cường các biện pháp quản lý trong việc phê duyệt đầu tư và bố trí vốn đầu tư để bảo đảm bố trí vốn tập trung, giảm thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Các cấp có thẩm quyền chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn, làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm.

Chỉ thị cũng quy định việc bố trí vốn từ NSNN và vốn TPCP phải được lập theo kế hoạch đầu tư 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được phân khai ra kế hoạch đầu tư từng năm.

Trong kế hoạch đầu tư năm 2012 và 2013, việc thực hiện Chỉ thị 1792 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình phân bổ vốn đã có chuyển biến tích cực theo hướng tập trung; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, hạn chế tối đa các dự án khởi công mới; chỉ khởi công mới các dự án thật sự cần thiết và khi bảo đảm có đủ nguồn vốn để các dự án khởi công mới có thể hoàn thành đúng thời gian quy định. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khống chế, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm nhanh. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến năm 2014 nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng của năm 2011.

Chỉ thị 1792 sau đó được luật hóa tại Luật Đầu tư công năm 2014. Luật quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng cắt khúc hàng năm. Quy trình đầu tư công trở nên minh bạch hơn, hạn chế cơ chế xin - cho, chạy dự án, dù quyền lực của Bộ KH&ĐT bị giảm đi ít nhiều.

Sau này nhiều ý kiến đánh giá rằng, Chỉ thị 1792 là một đột phá rất lớn. Nếu như không có Chỉ thị 1792, không có Luật Đầu tư công thì nước ta rất có thể sẽ vỡ nợ.

Thế nhưng khi xây dựng Chỉ thị 1792 và Luật Đầu tư công 2014, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gặp rất nhiều sức ép. Theo cách nói của ông, việc này đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều thứ quyền hạn. "Có vụ trưởng nói: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH&ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng", ông Bùi Quang Vinh nói tại Quốc hội khi thảo luận về Luật Đầu tư công.

Cũng đầy tâm huyết, đổi mới và vượt qua rất nhiều thách thức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cùng các đồng sự đã sửa đổi Luật Đầu tư 2014 theo hướng “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như trước. Những gì cấm, những gì cần điều kiện thì cho vào Luật, người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Cách làm này cũng đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ vì minh bạch như vậy sẽ không còn “xin - cho”, không còn đất cho tham nhũng.

Từ bỏ lợi ích riêng vì đất nước

Sau này, Bộ KH&ĐT còn “lấy đá ghè chân mình” nhiều lần nữa. Kế nhiệm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã lãnh đạo Bộ duy trì và giữ vững vai trò là cơ quan tiên phong, đổi mới trong cải cách thể chế.

Tinh thần của Bộ là đẩy mạnh phân cấp, luật sau phân cấp mạnh mẽ, cởi mở hơn luật trước, dù nhiều thủ tục cắt bỏ là “lấy đá ghè chân mình”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ đã quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan. Bộ đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án PPP, bãi bỏ quy hoạch sân golf...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trở ngại lớn của người tham gia cải cách đó là quyền lợi, vì việc cải cách chắc chắn luôn ảnh hưởng tới lợi ích của một bộ phận nào đó. Thực tế hiện nay, có không ít cán bộ công chức lầm tưởng giữa chức trách của mình được giao với quyền lực của mình, do đó người làm cải cách phải vượt qua được những trở ngại từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản đối, thậm chí cả lợi ích của chính mình.

Tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT đầu năm 2019, nói về đề xuất bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền chủ động nhiều hơn cho bộ, ngành, địa phương khi xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, khi đó là Phó Thủ tướng, đã đánh giá đây là hành động dũng cảm, dám “lấy đá ghè chân mình”, từ bỏ quyền lợi của Bộ vì lợi ích chung.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tinh thần hi sinh lợi ích phải được tiếp tục và coi như kim chỉ nam trong công cuộc cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Năng lực cạnh tranh quốc gia có được nâng lên hay không, môi trường kinh doanh có được cải thiện hay không là tùy thuộc vào sự dũng cảm “ghè chân mình” của các bộ trưởng.

Chuyên đề