Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ khó, quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ đặt ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong thời gian tới lớn hơn, đòi hỏi Bộ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đánh giá là Bộ tiên phong trong đổi mới, cải cách, sáng tạo, cầu thị và lan tỏa ra các các đơn vị trong Ngành. Ảnh: Trương Gia
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đánh giá là Bộ tiên phong trong đổi mới, cải cách, sáng tạo, cầu thị và lan tỏa ra các các đơn vị trong Ngành. Ảnh: Trương Gia

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ diễn ra chiều 21/7/2023.

Nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc lớn

Theo Báo cáo tại Hội nghị, khối lượng công việc của Bộ, của Ngành Kế hoạch và Đầu tư rất lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp, nhưng Bộ đã nỗ lực hoàn thành và được đánh giá cao, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ tin tưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, Bộ KH&ĐT đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Bộ KH&ĐT được lãnh đạo các cấp đánh giá là Bộ được giao nhiều đề án khó và quan trọng. Trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong đó, về công tác xây dựng thể chế, những tháng đầu năm Bộ đã tham mưu và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, đặc biệt mới đây là Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã; Nghị quyết về xây dựng cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá vừa đảm bảo chất lượng và tiến độ, nghiên cứu công phu, tạo nên xung lực cho Thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bộ cũng đã làm tốt công tác kế hoạch; xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và đánh giá tình hình năm 2023.

Các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch... do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao.

Bộ là đầu mối của nhiều tổ công tác, cụ thể là Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết những khó khăn của pháp luật về thu hút đầu tư; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; Thường trực Hội đồng điều phối các vùng với yêu cầu hiệu quả và khối lượng công việc lớn.

Đối với các quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Hiện nay, quy hoạch vùng đang được hoàn thiện và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia ý kiến. Về quy hoạch các ngành, hiện nay có 11/38 quy hoạch đã được phê duyệt, 17/38 quy hoạch đang được hoàn thiện để trình phê duyệt và 10/38 quy hoạch đang được xin ý kiến. Đối với quy hoạch tỉnh, hiện đã hoàn thành 43/63 quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện để phê duyệt; 20/63 quy hoạch đang được lập và hoàn thành.

Để đảm bảo các quy hoạch đều hoàn thành trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng; rà soát, đồng bộ quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành; là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

Về các mô hình kinh tế mới, Bộ đã tham mưu xây dựng Đề án về thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bên cạnh đó là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước.

Bộ trưởng đề nghị các ý kiến tại Hội nghị tập trung trả lời cho được 3 câu hỏi: Khó khăn thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp là gì? Phản ứng chính sách nào thích ứng với tình hình thế giới? Đâu là động lực đột phá cho tăng trưởng hiện nay và chính sách nào thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Ảnh: Trương Gia

Bộ trưởng đề nghị các ý kiến tại Hội nghị tập trung trả lời cho được 3 câu hỏi: Khó khăn thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp là gì? Phản ứng chính sách nào thích ứng với tình hình thế giới? Đâu là động lực đột phá cho tăng trưởng hiện nay và chính sách nào thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Ảnh: Trương Gia

Không ngừng đổi mới, thực hiện nhiệm vụ nặng nề, phức tạp hơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình thế giới và trong nước nửa cuối năm còn nhiều khó khăn và dự kiến còn kéo dài. Trong bối cảnh như vậy, công việc của Bộ KH&ĐT và của Ngành càng khó khăn hơn, phải nỗ lực cao hơn nữa, bám sát thực tiễn, dự báo, phân tích, phản ứng chính sách mau lẹ, tham mưu đề xuất với các cấp chính sách đúng, trúng và kịp thời.

Bộ KH&ĐT xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cuối năm, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, không ngừng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thứ ba, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để tham mưu điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát hiệu quả.

Thứ tư, chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tập trung tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.

Thứ sáu, tăng cường nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư khi gia nhập và hoạt động trên thị trường theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thứ bảy, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tám, tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung: việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025”; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ chín, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm...

Chuyên đề