Tại cuộc họp báo quý III của Bộ Giao thông Vận tải chiều 27/9, Thứ trưởng Đông khẳng định Kiểm toán Nhà nước đã kết luận đúng các sai sót của dự án Cát Linh - Hà Đông, với các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Giai đoạn thiết kế dự án kéo dài qua 5 năm, nhiều hạng mục điều chỉnh khiến cho tổng vốn dự án tăng. Năm 2015, chủ đầu tư phải tạm duyệt dự toán để thực hiện một số hạng mục xây lắp và để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu Trung Quốc, thúc đẩy tiến độ. Quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức nên lập dự toán chưa đầy đủ, khiến quá trình thực hiện còn sai sót, tồn tại như Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Trả lời về kết luận của Kiểm toán Nhà nước dự án có chi phí vận hành lớn gây lỗ song các bên chưa có giải pháp, Thứ trưởng Đông khẳng định đường sắt đô thị có chi phí đầu tư gấp 3-4 lần đường bộ, là dự án giao thông công cộng nên sẽ bị lỗ như xe buýt. Hiệu quả về tài chính của dự án đường sắt đô thị không thể cao, song đóng góp kinh tế cho cả thành phố, quốc gia.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Về trách nhiệm xử lý cán bộ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay đang rà soát vì các cơ quan tham gia dự án rất nhiều, ban đầu chủ đầu tư là Cục Đường sắt, sau đó chuyển về Bộ Giao thông Vận tải. "Đây là bài học đắt giá cho ngành giao thông. Chúng tôi đang rà soát theo kết luận của kiểm toán, sẽ thực hiện nghiêm túc, phần nào chưa đúng sẽ điều chỉnh. Phần nào vượt quá thẩm quyền của Bộ sẽ báo cáo cơ quan cao hơn", ông Đông nói.
Lý giải dự án chưa thể khai thác, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết khối lượng xây lắp của dự án còn 1% do chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan và hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu chưa xong. Các thiết bị đã lắp đặt chưa được Tổng thầu cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống. Dự án cũng chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả đoàn tàu chạy thử.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải không thể đưa ra chính xác ngày dự án đi vào khai thác thương mại vì "sợ nói mấy lần rồi, nhưng không đúng tiến độ mọi người lại bảo nói mà không làm". Tổng thầu Trung Quốc thì đề nghị cho dự án khai thác thương mại từ bây giờ, nhưng Bộ không đồng ý bởi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. "Bộ đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án", ông Đông nói.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Theo kết quả kiểm toán dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư, không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác. Phương án tài chính ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.
Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trong quyết định vào tháng 5/2017 gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại 250 triệu USD là chưa đúng quy định, bổ sung chi phí xây lắp tăng 21 triệu USD do thay đổi biện pháp đầu tư khi chưa có tính toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý. Cơ quan kiểm toán cũng yêu cầu Bộ kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Tàu Cát Linh - Hà Đông đã được chạy thử.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trước ngày 30/9 phải báo cáo về tiến độ chạy thử và vận hành; chủ động xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền), không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.