Mố cầu Đuống nhiều lần bị lún sụt. |
Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét cân đối nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để cải tạo cầu Đuống (Hà Nội) nhằm gỡ nút thắt trên tuyến vận tải thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì.
Cầu Đuống được thiết kế chung cho đường bộ, đường sắt nên Bộ Giao thông đề xuất 2 phương án. Phương án một là xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) với tĩnh không cầu đảm bảo thông thuyền. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.
Phương án hai là cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không đường thủy nội địa, dự kiến đảm bảo tĩnh không 9,5 m, các nhịp còn lại giữ nguyên như hiện tại. Tổng mức đầu tư cầu đường sắt này dự kiến khoảng 360 tỷ đồng.
Cả hai phương án đều xây dựng thêm cầu đường bộ mới, cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m với tổng đầu tư cầu đường bộ khoảng 850 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông, tuyến hành lang đường thủy số 1 của đồng bằng Bắc Bộ dài 250 km bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho tàu đến 800 tấn đi lại. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, hàng rời như vật liệu xây dựng, phân bón... từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ và lân cận.
Tuy nhiên, cầu Đuống có tĩnh không chỉ đạt 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống.
Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bên cạnh việc xây dựng cầu Đuống mới phù hợp với quy mô đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi trong tương lai, UBND TP. Hà Nội cũng cần xây dựng đồng thời cầu đường bộ tách riêng khỏi đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông.
Cầu Đuống là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cầu này được người Pháp xây vào cuối thế kỷ 19 và được thông xe vào năm 1902. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Đặc biệt trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại.
Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau chiến tranh, cầu được xây lại ở đúng vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2 và 4. Cầu chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.