Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX |
Quy định nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền. Đầu tiên là tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Hành vi chạy chức, chạy quyền cũng được thể hiện ở việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản; sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Người chạy chức, chạy quyền còn có thể lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Hành vi chạy chức, chạy quyền khác được chỉ ra là dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...
Quy định cũng nêu 8 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, bao gồm: Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.
Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn thể hiện ở việc trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ...
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay sẽ bị kỷ luật theo quy định hiện hành; các trường hợp khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức thì bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn lần lượt là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định, đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, quy định nêu cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan không được bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương...
Nghiêm cấm thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
Quy định cũng nghiêm cấm việc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Đối với nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ, quy định nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ.