Grab đang hoạt động tại 178 thành phố ở Đông Nam Á - Ảnh: Bloomberg. |
Hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn thân cận cho biết startup gọi xe Grab của Singapore đang tiến tới chốt thương vụ thâu tóm chi nhánh của Uber Technologies tại khu vực này và có thể sẽ ký kết trong tuần này hoặc tuần sau.
Theo các điều khoản của hợp đồng dự kiến, Grab sẽ mua lại chi nhánh hoạt động của Uber tại một số thị trường Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ có cổ phần tại startup này, nguồn tin trên cho biết.
Cấu trúc này tương tự như thương vụ Uber đã thực hiện Didi Chuxing tại Trung Quốc vào năm 2016, khi startup Mỹ bán chi nhánh kinh doanh tại nước này để đổi lấy cổ phần của Didi Chuxing. Theo một trong hai nguồn tin, cổ phần của Uber tại Grab theo thương vụ này sẽ là khoảng 20%.
Theo một nguồn tin khác của Bloomberg, Grab đã tiến hành thảo luận riêng rẽ với các nhà đầu tư hiện tại, bao gồm SoftBank Group và một số nhà đầu tư mới để yêu cầu thêm vốn. Theo CB Insights, Grab hiện được định giá 6 tỷ USD. Các thảo luận này vẫn có thể không đi đến kết luận hoặc điều khoản và thời gian có thể thay đổi.
Hiện tại cả Grab và Uber đều từ chối bình luận về những thông tin trên.
Đối với người đồng sáng lập, CEO Anthony Tan của Grab, thương vụ này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc cạnh tranh khốc liệt giành quyền thống trị thị trường gọi xe đang tăng trưởng nhanh chóng tại Đông Nam Á. Cả Uber và Grab đều đang "đấu" nhau nhằm chiếm lĩnh thị phần nhiều nhất có thể tại các thành phố khắp Đông Nam Á - khu vực có 620 triệu dân.
Trong khi đó, tân CEO của Uber Dara Khosrowshahi đang đẩy mạnh tiến trình chuẩn bị cho việc niêm cổ phiếu vào năm sau. Việc rút ra khỏi các thị trường như Đông Nam Á có thể giúp tăng lợi nhuận bởi từ khi ra đời 9 năm trước, startup này đã "đốt" khoảng 10,7 tỷ USD và vẫn chưa có lãi.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, trong chuyến thăm 2 ngày tới châu Á vào cuối tháng trước, ông Dara Khosrowshahi cho biết startup này vẫn sẽ đầu tư mạnh vào khu vực Đông Nam Á, bất chấp dự báo tiếp tục thua lỗ bởi cuộc chiến cạnh tranh tốn kém với các đối thủ như Grab. Cũng trong chuyến đi, ông Khosrowshahi đã phát đi tín hiệu rằng Uber sẽ tích cực đầu tư vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Ấn Độ.
Tháng 1/2018, tập đoàn viễn thông SoftBank của Nhật trở thành cổ đông lớn nhất của Uber. Đây là động thái khiến giới truyền thông suy đoán rằng SoftBank sẽ sáp nhập các startup gọi xe mà hãng này đang có cổ phần để tránh cạnh tranh với nhau. Hiện SoftBank cũng có cổ phần tại Didi của Trung Quốc và Ola - startup đang cạnh tranh với Uber để chiếm lĩnh thị phần ở Ấn Độ.
Hồi tháng 1, ông Rajeev Misra - một giám đốc của SoftBank gia nhập hội đồng quản trị của Uber, trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times nói rằng Uber sẽ tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.
"Tôi tin rằng Grab có thể vận hành tốt bởi họ hiểu thị trường hơn", Zafar Momin - Phó giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói. "Trong khi đó, Uber đang lặp lại mô hình họ có ở những nơi khác trên thế giới mà ít thích nghi với khu vực này".
Grab, ứng dụng đã có hơn 81 triệu lượt tải xuống, hiện hoạt động tại 178 thành phố ở Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.