Ảnh minh họa: Internet |
Hiểu theo thông lệ quốc tế
Kinh tế phi chính thức đã được nhiều tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới khảo sát từ nhiều năm trước. Kết quả cho thấy, mức độ thâm nhập của khu vực kinh tế này là khoảng 13% đến 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với các nền kinh tế khác nhau. Với Việt Nam, số liệu thống kê từ các tổ chức quốc tế cho thấy, kinh tế phi chính thức tương đương khoảng 17% GDP.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cơ quan này đã hoàn tất Dự thảo Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (Đề án) và đã gửi đến các bộ, ngành có liên quan để lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng.
Là người chỉ đạo thực hiện Đề án, bà Hương cho biết, kinh tế chưa được quan sát cần được hiểu một cách đầy đủ, toàn diện và theo các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, các nội dung trong Đề án đều được nghiên cứu trình bày từ các tra cứu, dẫn xuất các tài liệu và tiêu chuẩn được Liên hợp quốc áp dụng tính toán cho các nước khác.
“Quan điểm thực hiện Đề án là chỉ thống kê những thứ có thể thống kê được và không chịu áp lực của bất kỳ ai. Trong quá trình thực hiện, luôn cần có sự trao đổi, phối hợp của các bên có liên quan để bổ sung và sửa đổi các nội dung cần thiết. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, việc phối hợp về thông tin giữa các bộ, ngành sẽ được thực hiện tốt hơn để đưa ra kết quả thống kê tốt nhất, phản ánh chân thực nhất nền kinh tế”, vị Phó Tổng cục trưởng khẳng định.
Cần tiếp cận thận trọng và linh hoạt
Từ góc độ của cơ quan nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thống kê thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế phi chính thức đã tồn tại khách quan và có xu hướng gia tăng quy mô tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, với chủ trương cắt giảm biên chế, sáp nhập nhiều đầu mối của cơ quan nhà nước, nhiều lao động trong khu vực chính thức có thể chuyển sang khu vực phi chính thức. “Đây là chuyển động đang diễn ra trong nền kinh tế, từ đó, làm gia tăng số hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức, nên tạo điều kiện để họ bước vào khu vực chính thức”, ông Đoàn nói.
Theo đó, kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận với sự tồn tại khách quan trong mọi giai đoạn phát triển của mọi nền kinh tế để bình tĩnh quan sát và nghiên cứu. Từ đó, làm rõ các nội hàm của kinh tế phi chính thức như điều kiện phát sinh, lĩnh vực hoạt động, trách nhiệm của Nhà nước để có định hướng tập trung nguồn lực phù hợp và hiệu quả, bởi lẽ, nếu hiểu chưa đúng về các nội hàm này có thể dẫn đến các cách tiếp cận và tác động không tốt.
Mặt khác, nghiên cứu về kinh tế phi chính thức cũng chính là nhằm mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng bền vững cho cả nền kinh tế. “Hết sức cân nhắc và thận trọng khi tính đến việc dùng các kết quả nghiên cứu về kinh tế phi chính thức làm căn cứ đưa ra các chính sách điều hành, bởi lẽ, dùng những thứ chưa quản lý được làm căn cứ để điều chỉnh những thứ có thật có thể dẫn đến rủi ro”, ông Tuấn nói.
Vị Phó Chủ tịch NFSC cũng khuyến nghị, nên nhìn nhận vấn đề này một cách linh hoạt và tích cực bởi kinh tế phi chính thức vẫn có tác động tốt cho xã hội. “Đáng chú ý, cần thường xuyên cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khu vực phi chính thức chuyển vào khu vực chính thức; còn khi chưa đưa được vào khu vực chính thức thì nên thận trọng trong các quan sát, đánh giá và định hướng chính sách”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận về vấn đề này, TS.Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - nhấn mạnh, cần phân biệt rõ những hoạt động có thể thống kê và những hoạt động không thể thống kê, đồng thời, xem xét hoạt động nào có thể chính thức hóa được thì tạo điều kiện để chuyển sang khu vực chính thức. “Mặt khác, cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức để góp phần giảm tiêu cực và tận dụng nguồn lực của nền kinh tế hiệu quả hơn”, vị chuyên gia nêu quan điểm.