Với chế tài mới tại Điều 222 của Bộ luật, các chuyên gia cho rằng, đã có “biệt dược” trị những vi phạm trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, là “khắc tinh” đối với tình trạng “nhờn luật”.
Lâu nay, trong đấu thầu, tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”; hay dùng các thủ đoạn tinh vi cài cắm tiêu chí trong HSMT để hạn chế sự tham gia của nhà thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu ruột; hoặc dùng thủ đoạn tinh vi để lách quy định, biến dự án không thuộc diện được phép chỉ định thầu thành dự án được chỉ định thầu; thậm chí, dùng thủ đoạn tinh vi để biến các dự án không thuộc diện điều chỉnh của Điều 26 Luật Đấu thầu thành các dự án được áp dụng trường hợp đặc biệt với lý do “cấp bách”,… là những vấn đề được dư luận chú ý, hết sức quan tâm.
Nhiều dự án lớn thuộc diện “nghìn tỷ” đã được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra và bêu danh vì những sai phạm trong công tác đấu thầu. Trong đó có những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” vì chỉ định thầu cho nhà thầu không đủ năng lực, vi phạm quy định về đấu thầu, làm thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.
Với chế tài ở mức độ hành chính như hiện nay, sức răn đe chưa đủ mạnh đối với các sai phạm trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đâu đó có những lo ngại về tình trạng “nhờn luật”.
Tuy nhiên, khi Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, liên quan đến tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ các mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).
Bình luận về những chế tài mới này, một chuyên gia đấu thầu cho rằng: Quy định mới tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự 2015 là chế tài đủ mạnh đối với “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các quy định về xử lý hành vi tiêu cực đã có trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn lâu nay mới chỉ là các chế tài theo quy định về hành chính. Việc Bộ luật Hình sự đưa ra quy định tại Điều 222 nêu trên chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Cụ thể là tại Khoản 1 Điều 90 của Luật Đấu thầu có quy định rằng: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Vẫn theo vị chuyên gia nêu trên, quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 đã tạo được một chế tài công bằng, cả phía cơ quan nhà nước và cả phía doanh nghiệp, nhà thầu, mà không thiên lệch, nương nhẹ cho bất kỳ đối tượng nào. Bởi theo Khoản 1 Điều 222 thì “người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây…”, nghĩa là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào có hành vi vi phạm đều là đối tượng điều chỉnh của điều này. Vị chuyên gia trên cũng khẳng định, Điều 222 này kết hợp với Điều 89 và Điều 90 của Luật Đấu thầu đã tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật từ hành chính đến hình sự quy định về cùng một vấn đề. Và nội dung quy định đã rất rõ nên khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành là áp dụng được ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn.