Việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP bộc lộ một số bất cập. Ảnh: NC st |
Theo chia sẻ của đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đang gặp vô vàn khó khăn về tài chính. Bệnh viện hiện có khoản tiền thực hiện các dịch vụ y tế đã được triển khai từ năm 2019 trị giá 59 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán từ Quỹ BHYT. Nhiều vật tư, dịch vụ kỹ thuật (DVKT) đã thực hiện cho người bệnh BHYT theo đúng yêu cầu chuyên môn, hợp lệ, không lạm dụng, nhưng vượt tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nên bị “treo” thanh toán.
“Bệnh viện được giao tự chủ hoàn toàn về tài chính (đầu tư phát triển và mua sắm thường xuyên), 95% bệnh nhân là người đóng BHYT, nếu không được thanh toán sẽ gây nhiều khó khăn cho Bệnh viện”, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Theo đại diện một sở y tế ở khu vực phía Nam, tình trạng “treo” thanh toán BHYT khá phổ biến ở các bệnh viện trên địa bàn và kéo dài trong nhiều năm qua. Có những bệnh viện quy mô rất nhỏ, nhưng nợ đọng lên tới 15 - 20 tỷ đồng, có thể kéo dài tới 2 - 3 năm. Dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước, BHXH xây dựng giá trần năm nay. Nếu chi vượt trần thì BHXH sẽ thanh, kiểm tra, nếu nhanh thì năm sau mới được thanh quyết toán. Nếu bệnh viện không được thanh toán thì không có nguồn để chi trả cho nhà thầu, từ đó dẫn đến nợ đọng.
Chính vì lo bị nợ đọng, chiếm dụng vốn, một trong số ít doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu thuốc chống đông trong phẫu thuật tim mạch chia sẻ, phải chấp nhận đứng ngoài cuộc, không dám lên kế hoạch nhập khẩu, dù đơn hàng gia tăng so với những năm trước.
Mặt khác, một số bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy… còn lo ngại về chi phí bị “treo” từ việc thực hiện DVKT của các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hay các máy liên doanh - liên kết được gia hạn hợp đồng liên doanh - liên kết sau ngày 1/1/2018…
Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân diễn ra cuối tuần qua với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế cần thống nhất với BHXH Việt Nam về việc thanh toán giá DVKT gây tê, gây mê để sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Đây cũng chính là một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong cơ chế thanh toán BHYT. Cụ thể, Thông tư số 39/2018/TT-BYT về giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT quy định, giá phẫu thuật đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê. Tuy nhiên, phía BHXH đã tách riêng chi phí gây mê trong các DVKT để áp dụng mức giá gây tê (thấp hơn chi phí gây mê thực tế), hoặc không chấp thuận thanh toán một số dịch vụ đã được bệnh viện sử dụng phương pháp gây tê, tiền mê hoặc mê tĩnh mạch.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh, thành phố, 320 cơ sở KCB) hiện nay là 1.601 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam, là hiện vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù, số lượt người đến KCB giảm do dịch Covid-19 dẫn đến việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP bộc lộ một số bất cập. Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí KCB BHYT sau giám định cao hơn rất nhiều so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán (có cơ sở KCB chênh đến 15 - 20%).
Để tháo gỡ vướng mắc, ông Đào Việt Anh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đã tổ chức 8 đoàn đi thực tiễn tới các địa phương và dự kiến sẽ hoàn thành giải quyết cơ bản toàn bộ khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở y tế đề nghị trong quý IV/2023.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo BHXH Việt Nam hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới khẩn trương phối hợp với các cơ sở KCB rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và tồn đọng trong thanh, quyết toán, giải quyết các khoản nợ liên quan chi phí KCB BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang đề xuất đưa nội dung thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021 vào Dự thảo Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT của Chính phủ. Trong đó, không áp dụng tổng mức thanh toán quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Đối với vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các bệnh viện công, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT của các DVKT thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo quy định của Luật Đấu thầu; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.