Bi hài đầu tư chứng khoán: Khi bảng giá… vô dụng!

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư tán loạn hỏi nhau: "VN-Index đã hồi phục chưa hay vẫn đang giảm?"; "Bây giờ chỉ số đã về bao nhiêu điểm rồi?". Một cảnh tượng có lẽ chưa từng xảy ra vào thời gian trước.

Tình trạng "tắc đường" của cổ phiếu trên sàn HSX dường như đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi ngay từ đầu phiên sáng nay, thị trường mới chỉ giao dịch ít phút mà nhà đầu tư đã rơi vào cảnh "bịt mắt dò đường".

Trong lúc thị trường lao dốc, trớ trêu thay nhà đầu tư lại không thể xác định được mức giá thực của cổ phiếu đang được giao dịch, giá trị lệnh đặt mua, đặt bán. Thậm chí, chỉ số cũng không hề "nhảy" mà đứng yên tại chỗ.

Khi VN-Index giảm gần 13 điểm thì bất ngờ chỉ số... đứng yên không nhúc nhích

Khi VN-Index giảm gần 13 điểm thì bất ngờ chỉ số... đứng yên không nhúc nhích

VN-Index và VN30-Index ở thời điểm tạm đóng cửa phiên sáng

VN-Index và VN30-Index ở thời điểm tạm đóng cửa phiên sáng

Nhiều nhà đầu tư tán loạn hỏi nhau: "VN-Index đã hồi phục chưa hay vẫn đang giảm?"; "Bây giờ chỉ số đã về bao nhiêu điểm rồi?". Thực trạng này có lẽ là chưa từng xảy ra trên thị trường trước đây, khi mà bảng điện của các công ty chứng khoán trở nên… vô dụng!

Do đó, để thực hiện được lệnh, một số nhà đầu tư đã liều lĩnh đặt lệnh MP trong khi không hề nắm được tình trạng thị trường chung đang giảm tiếp hay đã hồi phục.

Điều may mắn là ngay sau khi về vùng 1.155 thì chỉ số chính của sàn HSX đã nhanh chóng trở lại vùng tham chiếu nhờ lực cầu vào thị trường gia tăng mạnh mẽ. Tạm kết phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index sụt nhẹ 2,57 điểm tương ứng 2,57% còn 1.165,95 điểm còn VN30-Index cũng đánh mất 3,59 điểm tương ứng 0,31% còn 1.170,7 điểm.

Trên sàn HNX, chỉ số này tăng 0,34 điểm tương ứng 0,13% lên 256,12 điểm và UPCoM-Index tăng 0,2 điểm tương ứng 0,26% lên 78,16 điểm.

Thị trường vẫn đang được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VPS, đến hết phiên giao dịch buổi sáng ngày 5/3, dự tính khối lượng khớp trên HSX đã vượt 43% khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên.

Như vậy, trong trường hợp hệ thống của HSX được vận hành một cách trơn tru thì dòng tiền của nhà đầu tư sẽ trở nên mạnh dạn hơn và chắc chắn chỉ số sẽ đạt được trạng thái tích cực hơn so với hiện tại.

Sáng nay, cổ phiếu dầu khí hút dòng tiền và tăng rất mạnh ngay từ đầu phiên bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung.

Theo đó, trong nhóm này GAS tăng 2,97%; BSR tăng 7,43%; PVS tăng 2,03%; PVD tăng 3,1%; PVT tăng 2,51%; PET tăng 4,32%; PXL tăng 7,96%; POS tăng 6,82%; PVB tăng 3% và PXS tăng trần.

Tại nhóm năng lượng, một số mã cũng tăng giá tích cực. Đáng chú ý, POW tăng trần lên 13.450 đồng, khớp lệnh gần 37 triệu đơn vị; TMP, HND, PGD cũng đang tăng.

POW cũng là mã hoạt động tích cực nhất trong rổ VN30 bên cạnh GAS. Một số mã còn lại đạt được trạng thái tăng là STB, MSN, VPB, TCH, TCB, MBB, PLX, VJC, tuy nhiên không tác động nhiều đến thị trường do phần lớn cổ phiếu trong rổ này đang giảm.

Ngược lại, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ lại tăng trần như DTA, STK, TMT, TNT, UDC, DWG, HAP, CMV, NVT, PGC, CPH, PTC, RDP, VAF… Hầu hết các mã này đều dư mua trần và không hề còn dư bán.

Theo nhận định của chuyên gia Chứng khoán MB (MBS), về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường kể từ cuối tháng 1 vẫn không thay đổi, thị trường vẫn dao động trong một vùng giao dịch rộng từ 1.150 điểm đến 1.185 điểm.

Kịch bản vượt ngưỡng lịch sử 1.200 điểm tuy sẽ khó khăn hơn nhưng nếu duy trì được vùng tích lũy như hiện tại cũng là tín hiệu tốt cho thị trường lúc này.

Chuyên đề