Quy hoạch cảng Đình Vũ gồm 10 bến, trong đó Vinalines Đình Vũ đầu tư bến 8, 9, 10. Ảnh: Chí Cường |
Vinalines được lợi gì?
Cho đến thời điểm này, thông tin có thể tìm kiếm trên Internet liên quan đến nhà đầu tư được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lựa chọn để tiến hành đàm phán mua 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ (thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) là rất hãn hữu.
Kết quả tìm kiếm qua Google cho thấy, Công ty cổ phần Việt Xuân Mới (Việt Xuân Mới) có trụ sở chính tại 154 - Triệu Việt Vương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được thành lập năm 2014 do ông Trần Xuân Hiếu làm Tổng giám đốc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp non trẻ được thành lập năm 2014, có ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cát trên một số tuyến sông này lại khá quen thuộc với các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Việt Xuân Mới chính là một trong những nhà đầu tư đăng ký sớm nhất vào Dự án BOT nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh. Doanh nghiệp này cũng đang là thành viên trong liên danh 3 nhà đầu tư đề xuất Dự án Đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 3.181 tỷ đồng, vừa được Bộ GTVT phê duyệt.
Theo phương án thoái vốn đầu tư tại cảng Đình Vũ mà Vinalines vừa trình bộ chủ quản phê duyệt, phương thức thoái vốn được lựa chọn là bán thỏa thuận trực tiếp với Việt Xuân Mới. Cụ thể, tổng số cổ phần mà Vinalines dự kiến chào bán là 10,2 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng với giá chuyển nhượng là giá thỏa thuận giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá thẩm định do tổ chức có chức năng định giá xác định.
Tính toán của Vinalines cho thấy, nếu việc chuyển nhượng thành công, tổng công ty này sẽ thu được tối thiểu 102 tỷ đồng để phục vụ công tác tái cơ cấu tài chính, giúp giảm nghĩa vụ nợ tại các tổ chức tín dụng.
“Với xu thế dịch chuyển khai thác cảng từ khu vực Chùa Vẽ xuống bán đảo Đình Vũ và dự báo lượng hàng thông qua khu vực Đình Vũ tăng mạnh trong tương lai, giá trị vốn đầu tư của Vinalines tại cảng Vinalines Đình Vũ chắc chắn sẽ cao hơn giá trị sổ sách hiện tại, nhất là khi cảng biển này hoàn tất công tác đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động từ cuối năm 2017”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines phân tích.
Trong khi đó, việc bán cổ phần nắm giữ của Vinalines tại cảng Vinalines Đình Vũ còn đáp ứng chủ trương xã hội hóa lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sâu vào hoạt động điều hành, nhằm khai thác tối đa năng lực, điều kiện tự nhiên của cảng biển được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh này.
Chờ “đèn xanh” từ Chính phủ
Cần phải nói thêm rằng, Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ nằm trong danh sách 9 doanh nghiệp có vốn góp của Vinalines, trong đó có 8 cảng biển (gồm cả Cảng Đình Vũ) vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước là cảng Khuyến Lương, Đà Nẵng, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ, Cái Lân.
Được biết, toàn bộ phần vốn góp của Vinalines tại Công ty cổ phần cảng Nghệ Tĩnh tương đương 51% vốn điều lệ hiện đang nằm trong tầm ngắm của một doanh nghiệp tư nhân khác là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Tuy nhiên, để thương vụ M&A Cảng Vinalines Đình Vũ thành công, các bên phải sớm giải quyết một điều kiện tiên quyết nữa liên quan đến phương thức đấu giá.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, đối với các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCom thì việc bán thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với nhà đầu tư trong trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công chỉ được triển khai nếu có sự chấp thuận của Chính phủ. Đây cũng là lý do khiến phương án thoái vốn tại cảng Đình Vũ dù được Vinalines hoàn tất, nhưng việc “nhấn nút” khởi động sẽ bắt đầu sau khi có văn bản cho phép của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GTVT cho nhà đầu tư xác định.
Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng được thành lập năm 2011 trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao từ Vinashin để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp tại cụm công nghiệp Đình Vũ.
Tính đến thời điểm 31/12/2015, các cổ đông đã góp đủ số vốn cam kết cho Công ty, trong đó Vinalines góp 51% vốn điều lệ (tương đương 10,2 triệu cổ phần); Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành góp 24,27% vốn điều lệ (tương đương 4,8539 triệu cổ phần). Hai cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Lộc Việt mỗi bên sở hữu 10% vốn điều lệ; phần vốn còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Cảng Vinalines Đình Vũ nằm ở vị trí đắc địa về giao thông thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ được đầu tư theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ xây dựng 2 bến cho tàu trọng tải 20.000 DWT cùng hệ thống kho chứa hàng, công nghệ làm hàng container với tổng số vốn khoảng 1.309 tỷ đồng. Nếu đầu tư đủ 3 bến, công suất của cảng đạt khoảng 5,5 triệu tấn/năm vào năm 2020 trong khi tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại nhóm cảng Đình Vũ lên tới 31 triệu tấn/năm.
“Tính toán của đơn vị tư vấn, tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR) của Dự án ở mức rất cao (13,18%) và có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu trong 14 năm 7,5 tháng”, một chuyên gia tài chính đánh giá.