Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Sáng 24/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thể hiện nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Không đồng tình với việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ 14 đến 16 tuổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ở độ tuổi này, tâm sinh lý các em đang có sự thay đổi rất mạnh: thích thể hiện mình, tò mò, thiếu hiểu biết về xã hội, pháp luật…

Bên cạnh đó, môi trường gia đình, nhà trường, xã hội cũng có tác động không nhỏ dẫn đến hành vi ứng xử của trẻ em.

Vì vậy, khi xử lý hành vi vi phạm của trẻ em cần mang tính giáo dục nhiều hơn và chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đối tượng cố tình phạm tội và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, đối với lứa tuổi vị thành niên, chính sách pháp luật đã có những quy định rất riêng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bình thường của các em.

Các đối tượng chưa trưởng thành khi thực hiện hành vi gây hại cho xã hội đa phần không có nhận thức đầy đủ về mặt pháp luật.

Vì vậy, cần xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các em, để có những biện pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội giúp cho các em phát triển lành mạnh, giảm thiểu hành vi phạm tội chứ không nên dùng các biện pháp trừng trị mạnh tay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, nhân đạo là phải căn cứ trên đạo lý chứ không chỉ dựa vào cảm tính.

Nếu chỉ áp dụng hình thức đơn thuần sẽ không đủ sức răn đe, việc xử lý hình sự đối với trẻ em trong độ tuổi vị thành niên là rất cần thiết để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Theo ông Nhưỡng, tất cả các quy định của pháp luật đều có chức năng rất quan trọng là dự báo mang tính chất phòng ngừa; biện pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng trên là cần áp dụng hình thức xử phạt thông qua trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em cần cân nhắc kỹ để đưa ra mức độ xử lý phù hợp nhằm đảm bảo tính răn đe, vừa tạo cơ hội cho các em trở thành người tốt.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) đề nghị phải mở rộng khung hình phạt để làm gương cho các đối tượng khác.

Theo đại biểu Đức, các đối tượng trong độ tuổi vị thành niên hiện nay rất manh động; các em cho rằng hành động phạm pháp của mình sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự nên sẵn sàng thực hiện hành vi lệch chuẩn.

Chuyên đề