Quang cảnh họp báo công bố kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV. Ảnh: Lê Tiên |
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này đã bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp 2013, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý và động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các mặt, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 5 dự án luật, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và qua thực tiễn hoạt động của mình, các vị đại biểu Quốc hội đã sôi nổi phát biểu nhiều ý kiến, tranh luận, phân tích toàn diện, sâu sắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, năng động của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua với những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tội phạm tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn; các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế đạt được một số thành tựu mới…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong một số ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nội tại và khách quan, đòi hỏi phải có nhiều cố gắng, nỗ lực thì mới có thể hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm, có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2017.
Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và đặc biệt lưu ý Chính phủ cần phải tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ luật tài chính trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.
Liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành – công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để đẩy nhanh tốc độ triển khai Dự án; đồng thời nhấn mạnh việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, Quốc hội đã đưa vào chương trình, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh giải quyết vấn đề nợ xấu.
Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Quốc hội đã dành ba ngày (nhiều hơn 0,5 ngày so với các kỳ họp trước đây) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề: nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; kế hoạch và đầu tư. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, nhóm những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri và dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.