Bầu cử không thể chữa lành vết thương của nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00

Trước khi có những kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ, dư luận cho rằng dù ai được bầu làm tổng thống thì vết thương “hai nước Mỹ” ngày càng khó lành, việc lãnh đạo đất nước sẽ rất khó khăn.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) trong chiến dịch tranh cử ở Jacksonville, Florida ngày 24/9 vừa qua và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Charlotte, North Carolina ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) trong chiến dịch tranh cử ở Jacksonville, Florida ngày 24/9 vừa qua và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Charlotte, North Carolina ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước khi có những kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ, dư luận cho rằng dù ai được bầu làm tổng thống thì vết thương “hai nước Mỹ” ngày càng khó lành, việc lãnh đạo đất nước sẽ rất khó khăn, và đặt ra những thách thức rất lớn đối địa vị toàn cầu của Mỹ.

The Guardian gọi cuộc bầu cử Mỹ là “nội chiến lạnh.”

Theo một bài viết được đăng tải, ở thời điểm hiện tại, các khu vực ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa giống như hai thế giới, với những mâu thuẫn như “nam giới đối đầu với phụ nữ,” “người da đen đối đầu với người da trắng,” “thanh niên đối đầu với người cao tuổi,” “nông thôn đối đầu với thành thị,” “Hollywood đối đầu với Rust Belt”… đã khiến Washington mất kiểm soát.

Vết thương khó lành

Công bằng mà nói, ngay cả khi ông Joe Biden đắc cử, vết thương đang giằng xé trong xã hội Mỹ cũng không thể lành ngay lập tức. “Chủ nghĩa Trump” chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại, thậm chí dưới các hình thức phẫn nộ và bạo lực hơn.

Lee Drutman, một nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Mới, bình luận rằng trong 40 năm qua, tâm lý không hài lòng và mất niềm tin của người dân Mỹ ngày càng tăng lên. Điều này là do Mỹ chỉ quan tâm đến các quyết sách chính trị ở tầm cỡ quốc gia mà coi nhẹ sự quản lý tầm vi mô ở các địa phương, do đó nhiều nghị sỹ đại diện cho lợi ích thực sự của địa phương khó giành được vị trí thuận lợi trong Quốc hội.

Hơn nữa, việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ phân chia rõ ràng ở khu vực “thành thị/nông thôn” và “tự do/bảo thủ” cũng trực tiếp làm giảm hiệu quả và ý nghĩa của các cuộc bầu cử trong việc tìm ra hướng giải quyết những vấn đề xã hội.

Điều đáng chú ý là trong cuộc bầu cử vừa qua đã xuất hiện những ngôn từ vận động tranh cử giống như "ngày tận thế," điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Michael Bakun, nhà nghiên cứu chính trị về chủ nghĩa cực đoan tại Đại học Syracuse nhận định: “Điều này rất đáng lo ngại. Cách suy nghĩ ‘nếu đối thủ thắng, nước Mỹ coi như chấm hết’ là hoàn toàn không phù hợp với truyền thống lịch sử của Mỹ.”

Bởi lẽ thông thường người Mỹ sẽ coi kẻ thù giả định làm cho nước Mỹ kết thúc ở bên ngoài lãnh thổ, chẳng hạn như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chứ không nhằm trực tiếp vào người dân nước mình.

Giáo sư Bakun cũng cho rằng sự lo lắng về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và sự suy thoái kinh tế đột ngột đã dẫn đến cảm giác không tin tưởng sâu sắc đối với bầu cử. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ rất khó có thể đoàn kết lại trong thời gian ngắn.

Tờ New York Times đã phân tích mức độ nghiêm trọng của các tranh chấp đảng phái và sự phân cực chính trị trong một bài báo gần đây, cho rằng bất kể kết quả của bầu cử như thế nào, cả hai đảng đều sẽ đối mặt với sự hỗn loạn và không chắc chắn.

Các chuyên gia Bruce E. Cain và Hakeem Jefferson làm việc tại Khoa chính trị Đại học Stanford, cho rằng bất kể ai bước chân vào Nhà Trắng, việc lãnh đạo đất nước hiệu quả đều sẽ rất khó khăn, và nhân vật này “cần phải tìm ra một cách tốt để giải quyết những bất đồng chính trị và quay trở lại trạng thái cân bằng chính trị..

Đảng phái hay lợi ích chung?

Theo Giáo sư Cain, hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ không còn đại diện cho ý kiến của đông đảo người dân, mà mỗi bên đại diện cho lợi ích của một bộ phận trong nhóm. Đáng tiếc ở chỗ, sự thành kiến đã ăn sâu của các đảng phái đã cản trở việc lãnh đạo đất nước, ngày càng bào mòn chế độ nhà nước và giá trị dân chủ.

Một bài viết khác cũng trên New York Times thậm chí còn đặt câu hỏi: “Liệu Mỹ có trở thành một quốc gia thất bại?,” trong đó đề cập tới khả năng Thượng viện, vốn từ lâu đã không mang tính đại diện cho người dân Mỹ, sẽ vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa và sẽ tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bằng mọi cách có thể khi phe Dân chủ nắm trong tay nhánh hành pháp.

Thượng viện Mỹ không hẳn đại diện cho người dân Mỹ bởi mỗi bang đều có 2 thượng nghị sỹ đại diện, có nghĩa là tiếng nói của bang nhỏ như Wyoming chỉ có 579.000 dân cũng “nặng ký” ngang với tiếng nói của bang lớn như California có tới 39 triệu dân.

Phân tích của trang FiveThirtyEight.com, một trang mạng uy tín chuyên nghiên cứu chính trường Mỹ, cho thấy Thượng viện hiện nay có xu hướng hữu khuynh, và đây là lý do chính khiến đảng Cộng hòa sẽ vẫn nắm quyền kiểm soát tại đây dù cho phe Dân chủ có được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Nhiều người lập luận rằng phe Cộng hòa vẫn kiểm soát một trong hai viện và thậm chí cả Thượng viện và Hạ viện trong suốt 3/4 nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama mà nước Mỹ vẫn tồn tại, song thực ra phe Cộng hòa đã tạo ra rất nhiều rào cản đối với chính quyền Obama thời điểm đó, với nhiều chiến thuật cứng rắn, kể cả đe dọa đẩy chính phủ đến chỗ vỡ nợ để buộc Nhà Trắng phải sớm rút lại những chính sách hỗ trợ tài chính khiến tốc độ phục hồi kinh tế chững lại.

Theo tính toán của giới nghiên cứu, nếu không có trục trặc này, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ thời điểm năm 2014 sẽ thấp hơn ít nhất 2 điểm phần trăm so với kết quả thực tế. Hiện tại nước Mỹ sẽ cần chi ngân sách nhiều hơn rất nhiều so với năm 2011 - thời điểm phe Cộng hòa nắm giữ cả Hạ viện.

Với tình hình COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề cho dù chính quyền các bang không tái áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách.

Chính phủ Mỹ cần phải tiếp tục chi ngân sách liên bang cho y tế, trợ giúp người thất nghiệp và các doanh nghiệp, kể cả hỗ trợ những bang và chính quyền địa phương đang gặp khó khăn.

Theo một ước tính gần đây, Mỹ cần chi ngân sách khoảng 200 tỷ USD hay thậm chí nhiều hơn mỗi tháng cho đến khi nào có thể sản xuất được vắcxin và thuốc điều trị nhằm kiềm chế đại dịch. Tuy nhiên, một Thượng viện do Mitch McConnel, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện kiểm soát, khó có khả năng thông qua những kế hoạch như vậy.

Kể cả khi đại dịch qua đi, Mỹ sẽ vẫn phải đối mặt với sự suy yếu của nền kinh tế và nhu cầu cấp thiết phải rót tiền cho đầu tư công. Việc McConnel từng không đồng tình với tăng chi ngân sách cho xây dựng hạ tầng, kể cả khi ông Trump còn đang tại nhiệm, cho thấy chẳng có gì đảm bảo chính trị gia này sẽ sẵn lòng hợp tác với Tổng thống phe Dân chủ Joe Biden. Tất nhiên, chi tiêu ngân sách không phải lựa chọn duy nhất.

Tổng thống vẫn có thể thúc đẩy các chính sách của mình thông qua sắc lệnh hành pháp. Ngay từ mùa Hè, các chiến lược gia của đảng Dân chủ đã phác thảo sẵn hàng trăm các loại quyết định mà ông Biden có thể đưa ra mà không phải thông qua Quốc hội.

Một thực tế đáng quan ngại khác là cán cân đảng phái bị chia rẽ nghiêm trọng tại Tòa án Tối cao và tại Quốc hội do McConnel định hình đã phá vỡ những chuẩn mực thông thường, với ví dụ rõ rệt nhất là việc phê chuẩn rất vội vàng việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Theo nhận định của New York Times, ông Donald Trump thất bại trong chiến dịch tái tranh cử đồng nghĩa với việc nước Mỹ trước mắt tránh khỏi nguy cơ sa vào chủ nghĩa độc tài, nhưng những rủi ro vẫn còn quá cao, không phải bởi vì vai trò của ông Trump vẫn còn, mà bởi đảng Cộng hòa hiện nay quá cực đoan và chống phe Dân chủ.

Nói cách khác, khi nhìn vào một quốc gia vận hành với hệ thống chính trị bị Thượng viện làm cho tê liệt như ở Mỹ, người ta hoàn toàn có thể nhận định rằng quốc gia này đang thất bại bởi chính phủ không có khả năng kiểm soát hiệu quả tình hình đất nước.

Cuộc khủng hoảng không thể tránh

Tờ The Atlantic bình luận đối lập chính trị cũng dẫn đến việc lạm dụng quyền lực nhà nước và các công cụ tư pháp và ứng cử viên nào thắng cử đều sẽ rất khó để đảo ngược cuộc khủng hoảng thể chế của Mỹ.

Trong khi đó, CNN cho rằng nước Mỹ “không thể quay lại như trước” và bất kể kết quả có như thế nào, thực tế ấy cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến địa vị của Mỹ trên toàn cầu. Dù ông Trump thắng hay thua, người ta cũng không thể dập tắt những lực lượng đã hình thành “Chủ nghĩa Trump.”

Sự hỗn loạn chính trị thúc đẩy sự trỗi dậy của ông Trump có thể thúc đẩy một tổng thống dân túy khác trong tương lai.

Ông Joe Biden từng tuyên bố sẽ nhanh chóng quay trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ngay khi đắc cử, sẽ tôn trọng các đồng minh của Mỹ và cứu vãn nền kinh tế Mỹ, song những thiệt hại đối với lợi ích và địa vị của Mỹ trên thế giới là có thật, bởi vậy dù nhân vật xuất hiện tại Phòng Bầu dục vào tháng 1/2021 là ai, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bắt đầu hình dung ra một thế giới không được đảm bảo bởi sức mạnh của Mỹ.

Cục diện thế giới đã được thay đổi bởi ông Trump và ông Biden đều không thể đưa nước Mỹ trở lại trạng thái như 4 năm trước.

Các nhà kinh tế Mỹ đều nhất trí rằng ngay cả khi không có đại dịch COVID-19, những tranh chấp thương mại rất có khả năng khiến Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Bài viết trên The Atlantic có đoạn: “Nước Mỹ, một quốc gia trong lịch sử có thể đoàn kết nhất trí trong các vấn đề giữa hai đảng như thúc đẩy tự do thương mại, xây dựng một liên minh quốc tế hùng mạnh dường như không còn tồn tại. Cho dù ai thắng cử, nước Mỹ cũng sẽ trở nên yếu hơn”./.

Chuyên đề