Bất động sản tại TP.HCM chờ hiệu ứng chính sách mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đang diễn ra một nghịch lý, đó là nhu cầu sụt giảm nhưng giá chào bán tăng rất cao ở phân khúc căn hộ cao cấp. Một số chuyên gia cho rằng, nguồn cung thấp dẫn đến sự lệch pha cung - cầu ở cả phân khúc cao cấp lẫn nhà ở thương mại bình dân. Nếu không sớm khắc phục, tình trạng này sẽ tiếp tục làm cho thị trường BĐS tại đây “méo mó”.
Thị trường bất động sản TP.HCM thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân và nhà ở xã hội. Ảnh: Phú Đông
Thị trường bất động sản TP.HCM thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân và nhà ở xã hội. Ảnh: Phú Đông

Ngày 18/5, Gamuda Land công bố dự án căn hộ cao cấp Eaton Park ở đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP. Thủ Đức với giá trên 130 triệu đồng/m2. Mức giá từ trên 6 tỷ đồng đến hơn 10 tỷ đồng đối với một căn hộ từ 1 đến 2 phòng ngủ thực sự gây choáng cho nhiều người. Trong giai đoạn “rumor” (đưa ra mức giá dự kiến để thăm dò thị trường) và khi công bố chính thức, nhiều khách hàng đã tự phải “rút lui”, nhất là khi so với những dự án lân cận, giá chênh lệch quá nhiều.

Tương tự, dù quý III hoặc quý IV năm nay mới mở bán, nhưng hiện phân khúc căn hộ cao cấp trong Dự án The Global City của chủ đầu tư Masterise Homes cũng được “rumor” với giá từ 5.000 - 7.000 USD/m2. Hiện các đơn vị phân phối sản phẩm đã nhận giữ chỗ 50 triệu đồng/căn. Một nhân viên môi giới tên Thu cho biết, đợt 1 dự kiến mở bán 3 tháp CT7, CT8, CT9, diện tích từ 50 - 150 m2 bao gồm căn 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ, 4 phòng ngủ, penthouse. Một khách hàng cảm thán: “Chỉ có thể trúng Vietlott mới mua nổi căn hộ ở đây”.

Bà Giang Huỳnh, chuyên gia của Savills Việt Nam cho biết, hiện có khoảng cách rất lớn giữa giá nhà và thu nhập người dân, nhất là ở TP.HCM. Để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở thực, TP.HCM cần có khoảng 50.000 căn hộ và 60 - 70% tổng nguồn cung cần dành cho phân khúc nhà ở bình dân. Thế nhưng, cả hiện tại lẫn trong tương lai gần, nguồn cung của TP.HCM không thể đáp ứng được mức cầu này. Kết quả của sự dồn nén kéo dài tình trạng chênh lệch cung cầu làm cho thị trường BĐS “méo mó”.

Số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) công bố mới đây cho biết, trong quý I/2024, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại (NOTM) được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” với diện tích 3.647,4 m2; 1 dự án (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ; không có dự án NOTM nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; 62 dự án NOTM (cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ. Do vậy trong năm 2024, thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao, đặc biệt vẫn sẽ lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp, đồng thời rất thiếu nguồn cung NOTM giá bình dân, nhà ở xã hội.

Thực tế, nguồn cung NOTM giá bình dân vẫn được một số chủ đầu tư mở bán, nhưng số lượng ít. Đầu tháng 3/2024, Phú Đông Group chính thức giới thiệu ra thị trường căn hộ Phú Đông SkyOne, tọa lạc tại đường ĐT. 743C, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, quy mô 5.615 m2, tổng vốn đầu tư xây dựng 1.100 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường 780 căn hộ có diện tích từ 42 - 72 m2, với giá từ 1,4 - 2,2 tỷ đồng/căn. Sau một thời gian mở bán, đã có hơn 400 căn hộ được khách hàng đặt mua.

Dự án Flora Panorama của Tập đoàn Nam Long cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người mua. Đây là quỹ căn hộ cuối cùng thuộc Khu đô thị tích hợp Mizuki Park (huyện Bình Chánh, TP.HCM), có giá từ 3,8 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ, 2 WC, ngân hàng cho vay hạn mức đến 70% giá trị căn hộ, không trả gốc trong 2 năm, chỉ trả lãi suất cố định 1%/năm trong 24 tháng, tương đương 2,1 triệu đồng/tháng. Để hỗ trợ khách hàng, tháng 6/2024, chủ đầu tư còn tặng thêm gói ưu đãi 140 triệu đồng dành cho khách hàng nhận nhà trước 25/6/2024.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, vẫn có những chủ đầu tư không vì cơ hội ấy để đẩy giá lên. Bởi nếu chủ đầu tư tối đa hóa lợi nhuận thì khách hàng sẽ không mặn mà. Nhờ vậy, dòng căn hộ với giá bình dân nhưng chất lượng tốt luôn có tính thanh khoản cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, một “tia sáng” được doanh nghiệp BĐS chờ đón là Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tức sớm hơn 6 tháng. Nền tảng pháp lý mới có ba thay đổi lớn gồm: tiền sử dụng đất sẽ theo định giá thị trường; quy định về đền bù và giải phóng mặt bằng được thiết lập; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua tài sản tại Việt Nam với quyền sở hữu như người trong nước. Ông Châu hy vọng, khi các chính sách mới có hiệu lực, thị trường được khơi thông về pháp lý và gỡ khó về quỹ đất, các chủ đầu tư sẽ dồn lực phát triển các sản phẩm nhà ở, nhất là khu vực nhà ở bình dân, giúp thị trường sớm quân bình sự lệch pha về cung cầu, giá cả.

Chuyên đề