Mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống tài chính là một nội dung trong chỉ số này. |
Theo Chỉ thị số 05/CT-NHNN Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia bắt đầu được tìm hiểu, để hướng đến các giải pháp nâng cao ở vùng thứ hạng cụ thể.
Tại chỉ thị trên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính, ý nghĩa của chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến ngành ngân hàng để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng.
Qua công tác trên, các đầu mối sẽ đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của chỉ số này. Đầu mối trực tiếp triển khai chỉ đạo trên là Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước).
Theo chú giải ở chỉ thị trên, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia gồm các nội dung: xếp hạng tín dụng quốc gia; mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính; năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực tư; mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống tài chính; mức độ phát triển của hệ thống thông tin tín dụng.
Liên quan và cụ thể hơn, trong quyết định về kế hoạch hành động vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước nêu mục tiêu cụ thể trong thời gian tới là duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong nhóm 30 nước đứng đầu theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hàng năm, WB đưa ra đánh giá về môi trường kinh doanh thuận lợi của các quốc gia, chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 10 tiêu chí xem xét.
Thông tin cập nhật gần đây cho thấy, năm 2014 khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam bị sụt giảm, xếp hạng thứ 36/189 quốc gia trên thế giới, trong khi năm 2013 chỉ số này là 30/189.