Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng trong nửa đầu năm. Ảnh: Nhã Chi |
Tăng cả số lượng và vốn đăng ký
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% về vốn đăng ký so với tháng 5/2021. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước có 4.867 DN quay trở lại hoạt động.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 67,1 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số DN và tăng 34,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, đây là số DN thành lập mới cao nhất trong 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2016 - 2021, một kỷ lục đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp. DN đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 54,5 nghìn; 61,3 nghìn; 64,5 nghìn; 67 nghìn; 62 nghìn DN. Sự gia tăng số DN đăng ký thành lập mới thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của người dân, đồng thời cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân một DN trong 6 tháng đầu năm đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính gộp hơn 1,1 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn DN tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký của DN trong 6 tháng đầu năm 2021 là gần 2,1 triệu tỷ đồng.
Cùng với chuyển biến tích cực về số DN thành lập mới, cả nước có 26,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm lên 93,2 nghìn DN. Trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Một số lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng như: Kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo; vận tải, kho bãi; thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng…
Niềm tin vào triển vọng kinh doanh
Bên cạnh những điểm sáng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng qua, cả nước có 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Tuấn, phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những DN thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ những đợt bùng phát dịch thời gian qua.
Để làm rõ hơn về nguyên nhân giải thể và tạm ngừng kinh doanh của DN thời gian qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đang thực hiện khảo sát trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, từ đó có đánh giá và khuyến nghị chính sách phù hợp. Quá trình khảo sát, phân tích số liệu này cho thấy, những lĩnh vực có số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn cũng là những lĩnh vực có số DN quay trở lại hoạt động cao nhất, phản ánh mạnh mẽ sự thanh lọc của thị trường. Những DN có “sức khỏe” tốt sẽ tồn tại, DN yếu sẽ bị đào thải để thay thế bằng DN tốt hơn.
Trên cơ sở kiến nghị của DN và dự báo diễn biến dịch bệnh, tại một dự thảo báo cáo về tình hình phát triển DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến có đề xuất một số giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN thời gian tới. Dự kiến, các giải pháp tập trung vào thực hiện biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu nợ vay và lãi suất vay; miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường...
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 vừa được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, gần 40% số DN được khảo sát đánh giá xu hướng kinh doanh quý III sẽ tốt lên (quý II là 30,5%); 38,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định (quý II là 37,7%); chỉ còn 22,2% số DN dự báo khó khăn hơn (quý II là 31,8%). Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 81,5% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2021; tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước và DN nhà nước lần lượt là 76,4% và 75,9%.