Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, kết thúc chuỗi 3 phiên tăng trước đó, khi những bấp bênh xung quanh khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại khiến nhà đầu tư lo lắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Steven Mnuchin nói rằng cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài nhiều tháng giữa hai nước đang có tiến triển nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Trump nói ông chưa thể khẳng định liệu cuối cùng hai bên có đạt thỏa thuận.
Giới quan sát gần đây kỳ vọng ông Trump sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida vào cuối tháng 3 để ký kết một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, nguồn thạo tin nói với Reuters rằng hai bên đang tính khả năng lùi cuộc gặp đến cuối tháng 4. Hãng tin Bloomberg cũng nói sớm nhất phải đến tháng 4 hai nhà lãnh đạo mới có thể gặp nhau.
Cổ phiếu các hãng sản xuất con chip, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm ở Phố Wall, với mức giảm 0,6%.
"Thật may là những thông tin không được tốt lắm về thương mại đã không khiến thị trường sụt giảm mạnh nữa", chiến lược gia Art Hogan thuộc National Securities nhận định.
"Nhưng việc phá ngưỡng cản tiếp theo sẽ là một điều khó. Chỉ số S&P 500 có thể giằng co trong khoảng 2.750-2.800 cho tới khi có câu trả lời về thương mại Mỹ-Trung và Brexit", ông Hogan nhận định.
Trong diễn biến mới nhất về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, các nghị sỹ Anh ngày 14/3 đã bỏ phiếu thuận đối với chủ trương của Thủ tướng Theresa May về hoãn Brexit. Trước đó, Quốc hội Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với EU, nhưng cũng không chấp nhận việc Brexit không có thỏa thuận.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,03%, đạt 25.709,94 điểm. S&P 500 giảm 0,09%, còn 2.808,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,16%, còn 7.630,91 điểm.
Cổ phiếu Boeing, công ty Mỹ có doanh thu xuất khẩu lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, giảm 1%. Ngoài bấp bênh thương mại, cổ phiếu này còn chịu sức ép giảm từ những vấn đề mà Boeing phải đối mặt sau vụ rơi máy bay Ethiopia hồi cuối tuần trước.
Cổ phiếu Facebook giảm 1,8%, sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới gặp sự cố gián đoạn dịch vụ tại nhiều khu vực trên thế giới trong thời gian khoảng 24 giờ đồng hồ. Facebook cho biết đã khắc phục được tình trạng gián đoạn trên các mạng Facebook và Instagram.
Cổ phiếu General Electric (GE) tăng 2,8% sau khi tập đoàn công nghiệp này đặt ra mục tiêu lợi nhuận thận trọng cho năm 2019 và dự báo tình hình sẽ khả quan hơn trong 2020.
Cổ phiếu Apple tăng 1,1%, nối dài xu thế tăng những phiên gần đây, sau khi được công ty môi giới chứng khoán Cowen đưa ra đánh giá tốt.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/3 công bố dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà dành cho hộ gia đình đơn ở nước này trong tháng 1 giảm nhiều hơn dự báo. Thống kê này cùng với dữ liệu lạm phát yếu đưa ra mấy ngày trước củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) giữ lập trường mềm mỏng về chính sách tiền tệ. Triển vọng FED dừng tăng lãi suất đang là một nhân tố hỗ trợ chứng khoán Mỹ.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,24 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,33 lần.
Có tổng cộng 6,69 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,37 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.