Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP) |
Reuters dẫn thông tin từ cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, với sự hộ tống của 5 tàu chiến khác, ngày 26/12 đã tiến vào khu vực nửa phía trên của Biển Đông, sau khi đi qua khu vực phía nam Đài Loan. Trước đó, đội tàu này đã vượt qua khu vực cách điểm cực nam của Đài Loan 90 hải lý về phía nam và đi qua eo biển Bashi - khu vực nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Tàu sân bay Liêu Ninh từng tham gia nhiều cuộc tập trận trước đây, trong đó có một số cuộc tập trận ở Biển Đông. Sự xuất hiện của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc trong ngày hôm qua đã thu hút sự chú ý của các bên, đặc biệt là Đài Loan và Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lập trường của nước này vẫn không thay đổi kể từ tháng 7 khi Washington tuyên bố tiếp tục theo dõi quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đồng thời hy vọng các nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, đại diện của Lầu Năm Góc và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đều từ chối đưa ra bình luận về động thái mới nhất của tàu sân bay Trung Quốc.
Ngoài Mỹ, cả Đài Loan và Nhật Bản đều tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của các tàu Trung Quốc, đặc biệt là Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên do Bắc Kinh nâng cấp từ một tàu cũ mua lại của Ukraine và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Tàu Liêu Ninh của chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định về tự do hàng hải và hàng không trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Chúng tôi hy vọng các bên tôn trọng quyền này của Trung Quốc”. Trước đó, Bắc Kinh thông báo nước này điều tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương để tiến hành diễn tập thường kỳ ở khu vực này.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng cuộc diễn tập cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh đang nâng cao năng lực chiến đấu và nên di chuyển xa hơn nữa.
“Hạm đội tàu Trung Quốc chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đi vào khu vực Đông Thái Bình Dương. Và một ngày nào đó, khi hạm đội tàu chiến do tàu sân bay này dẫn đầu xuất hiện ở khu vực ngoài khơi nước Mỹ, nó sẽ làm nảy sinh những quan điểm căng thẳng về luật hàng hải”, Reuters dẫn một đoạn trong một bài xã luận được đăng trên Thời báo Hoàn cầu.
Trước đó, việc Trung Quốc thu giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh vụ lùm xùm ngoại giao liên quan đến cuộc điện đàm gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vẫn chưa kịp lắng xuống.