Bao trùm tâm lý thận trọng chương trình hỗ trợ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số quy định chưa có hướng dẫn cụ thể, thủ tục phức tạp, tâm lý ám ảnh từ chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) nhiều năm trước đến nay chưa quyết toán được là những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói HTLS khá chậm chạp.
Tính đến 22/8/2022, dư nợ các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Anh
Tính đến 22/8/2022, dư nợ các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Anh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến nay, dư nợ HTLS đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Phát biểu tại Hội nghị phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình HTLS 2%/năm ngày 26/8, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, có một số nguyên nhân dẫn đến số tiền HTLS đã thực hiện chưa nhiều.

Theo đó, về đối tượng được HTLS của Nghị định 31/2022/NĐ-CP (NĐ31), các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, khi triển khai, các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp khó khăn trong xác định đối tượng được HTLS trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, vẫn cần các bộ, ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình HTLS (gồm chương trình HTLS năm 2009 và một số chương trình HTLS từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa quyết toán được số tiền đã HTLS cho khách hàng.

Mặt khác, Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần thận trọng, đảm bảo đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác trong thanh, quyết toán, kiểm toán.

Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng cũng có tâm lý e ngại bởi phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ thực tế triển khai gói HTLS, Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng HTLS qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được HTLS theo NĐ31 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện HTLS cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền HTLS sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai Chương trình HTLS, Agribank cũng gặp một số trở ngại. Theo đó, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định HTLS. Do đó, Agribank đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, theo quy định, một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, việc không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa gây e ngại cho ngân hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được HTLS cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được HTLS là rất khó.

Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để được HTLS theo quy định của NĐ31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.

Mặt khác, ngoài thủ tục HTLS khá phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc, rất mất thời gian.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, để đáp ứng điều kiện HTLS, doanh nghiệp cần có khả năng phục hồi và khả năng trả nợ nhưng rất khó đánh giá khách hàng suy giảm hay phục hồi.

Từ thực tiễn triển khai, ông Phạm Toàn Vượng nêu một số kiến nghị với NHNN. Đó là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN xem xét mở rộng đối tượng HTLS, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Mặt khác, đề nghị NHNN phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai Chương trình HTLS, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Ông Nguyễn Việt Cường cũng kiến nghị, NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được HTLS.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định: “Chương trình HTLS 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống NHTM, do đó, tâm lý của các NHTM và khách hàng khi tham gia Chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai Chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả”.

Chuyên đề