Báo chí - cầu nối cho Chính phủ biết lắng nghe

(BĐT) - Năm 2017, có thể nói một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, xuất hiện dày đặc trên mặt báo là câu chuyện về các dự án BOT, về những bất hợp lý trong việc thu phí. Có lẽ chưa khi nào tiếng nói nhiều chiều về BOT, đặc biệt là tiếng nói của người dân, được phản ánh đậm nét như thế, từ đó Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan đã có sự vào cuộc kịp thời.
Báo chí trong thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối, phản ánh kịp thời tiếng nói của người dân trước những bất hợp lý của các trạm thu phí BOT. Ảnh: Văn Dũng
Báo chí trong thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối, phản ánh kịp thời tiếng nói của người dân trước những bất hợp lý của các trạm thu phí BOT. Ảnh: Văn Dũng

Khi tiếng nói được lắng nghe

Vấn đề của trạm thu phí BOT Cai Lậy theo nhiều ý kiến là xuất phát từ chỗ những người dân trong cuộc – những người trực tiếp phải trả phí - cảm thấy bị áp đặt, bị đặt vào thế đã rồi và tiếng nói của họ không được lắng nghe đúng mực.

Báo chí trong sự việc này ở một chừng mực nhất định đã giúp truyền đi tiếng nói của người dân. Và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thu phí để tìm phương án xử lý chứng tỏ Chính phủ đã lắng nghe.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, báo chí trong thời gian qua đã thể hiện rất rõ vai trò cầu nối, phản ánh kịp thời tiếng nói nguyện vọng của người dân trước những bất hợp lý của các trạm thu phí BOT. Người dân – bên thứ ba ẩn danh trong hợp đồng BOT, nhờ báo chí, đã có cơ hội được nói rõ quan điểm, được thể hiện quyền giám sát.

Còn rất nhiều vấn đề của dự án BOT được báo chí mổ xẻ trong năm qua, như là nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, chỉ định thầu, mập mờ thu phí hay là phản ánh trực tiếp về chất lượng công trình… Sự vào cuộc liên tục, mạnh mẽ của báo chí có lẽ cũng đã góp phần để vấn đề về dự án BOT được chú trọng đánh giá lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sau khi có kết quả giám sát đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nhiều vấn đề hạn chế của dự án BOT không còn lặp lại.

Câu chuyện về các dự án BT cũng được báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua. Các bài báo phân tích từ thực tiễn đã rung lên những tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ rằng, đây là hình thức đầu tư nếu không thực hiện đúng, không giám sát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tài sản công.

Mới đây nhất, ngày 7/6, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ đạo này xuất phát từ phản ánh của báo chí về việc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức BT, trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. 

Góp phần hoàn thiện chính sách

Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 đã có rất nhiều sửa đổi, bổ sung để hạn chế những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua. Một phần có sự tiếp thu từ phản ánh của báo chí, ý kiến của các chuyên gia qua kênh truyền thông.
Báo Đấu thầu theo đúng tôn chỉ, mục đích đã theo sát từng dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT, BT từ khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực, để phát hiện kịp thời những dự án “có vấn đề”, có thể dẫn đến đấu thầu hình thức, không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia. Rất nhiều câu chuyện đã được phản ánh để thấy bức tranh thực tiễn đấu thầu dự án BOT, BT thời gian qua. Đó là câu chuyện khi đấu thầu, thậm chí đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhưng chưa xác định quỹ đất đối ứng ở nhiều dự án BT dẫn đến chỉ nhà đầu tư “tay trong” mới dám đấu. Hay là chuyện chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án BOT diễn ra sôi động còn dự án BOT thì án binh bất động, dẫn đến nhà đầu tư kiếm lời qua mua bán dự án, còn công trình thì chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư. Những chuyện thường tình như chưa đấu thầu đã có nhà đầu tư nhận là chủ dự án, rao bán nhà đất trên quỹ đất đối ứng; dự án BOT nghìn tỷ khởi công trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; những dự án mà sự đánh đổi giữa đất và công trình nếu xét theo giá thị trường là quá hớ cho Nhà nước…

Những thực tiễn ấy được phản ánh, được chỉ đích danh, vừa cho thấy rằng rất nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế trong dự án BOT, BT là do khâu tổ chức thực hiện, cũng có những vấn đề mà chính sách còn chưa theo kịp thực tiễn, cần phải hoàn thiện…

Ở chiều ngược lại, báo chí cũng đã góp phần đưa những chính sách về BOT, BT nói riêng, PPP nói chung đến được với người dân. Một cán bộ làm lâu năm trong lĩnh vực PPP của Sở KH&ĐT Khánh Hòa nhận xét, Báo Đấu thầu nói riêng, nhiều tờ báo kinh tế khác nói chung, đã cố gắng truyền tải những nội dung, chính sách về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, về khung chính sách PPP đến độc giả, người dân một cách dễ hiểu, dễ nắm bắt. Từ đó, giúp chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn, nhận được đồng thuận cao.

Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 đã có rất nhiều sửa đổi, bổ sung để hạn chế những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua. Một phần có sự tiếp thu từ phản ánh của báo chí, ý kiến của các chuyên gia qua kênh truyền thông.

Dự án BT sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến quản lý giám sát công trình. Vai trò của nhà đầu tư trong dự án PPP nói chung, dự án BOT nói riêng, sẽ phải rõ ràng hơn, hạn chế chuyện “tay không bắt giặc”, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án như báo chí đã phản ánh…

Và đặc biệt, Nghị định này đã yêu cầu rõ ràng về công khai hợp đồng dự án PPP. Quy định này sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả hơn nữa nếu có sự đồng hành, giám sát của báo chí.

Chuyên đề