Thông tuyến Quốc lộ 4D nối Lai Châu và Sa Pa vào 20 giờ 30 phút ngày 8/9
Nhiều điểm sạt lở xuất hiện tại Quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường khiến các phương tiện tạm thời không thể lưu thông từ Lai Châu sang Sa Pa và ngược lại.
Các đơn vị chức năng đang tập trung giải quyết sạt lở để thông xe Quốc lộ 4D nối Lai Châu và Sa Pa |
Tối 8/9, thông tin từ Sở Giao thông vận tải Lai Châu cho biết, nhiều điểm sạt lở xuất hiện tại Quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường khiến các phương tiện tạm thời không thể lưu thông từ Lai Châu sang Sa Pa và ngược lại.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ rạng sáng cùng ngày trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang có mưa vừa và mưa to khiến Quốc lộ 4D đoạn đèo Ô Quý Hồ, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường sạt lở nhiều điểm taluy dương từ Km80- Km89/QL.4D đến Km75+100/QL.4D.
Sạt lở xuất hiện vào lúc 16 giờ 30 phút gây ách tắc giao thông. Khối lượng sạt lở ước tính 200 m3.
Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Sở Giao thông vận tải Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng huy động nhân lực, máy móc thực hiện thu dọn đất đá, cây đổ và các chướng ngại vật trên tuyến. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần kiểm, tuần đường trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, báo cáo thiệt hại; yêu cầu các đơn vị thường trực nhân lực, máy móc, vật tư dự phòng tại các vị trí xung yếu để kịp thời khắc phục xử lý khi có thiệt hại xảy ra.
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 8/9 thông tuyến Quốc lộ 4D, các phương tiện lưu thông từ Sa Pa lên Lai Châu và ngược lại di chuyển bình thường.
Bão Yagi khiến 14 người tử vong, 220 người bị thương, 7.390 nhà hư hỏng
Với sức gió khủng khiếp, bão Yagi tàn phá nặng nề Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Đến nay đã có 14 người tử vong, 220 người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng.
Bão số 3 đổ bộ gây nhiều thiệt hại tại Quảng Ninh |
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến 14h ngày 8/9, bão Yagi đã khiến 14 người tử vong (Quảng Ninh 4, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hòa Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1); 1 người mất tích do lũ cuốn (Bắc Giang); 220 người bị thương.
Ngoài ra, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 7.394 nhà ở bị hư hỏng; 5 đoạn đường dây 500kV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Về nông nghiệp, 97.735ha lúa bị ngập úng, thiệt hại tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái; 11.746 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại...
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đánh giá, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác triển khai ứng phó với bão, thiệt hại do bão gây ra vẫn còn rất lớn, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
8 tỉnh, thành kéo dài thời gian nghỉ học
Hải Phòng, Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành khác cho học sinh nghỉ thêm ít nhất 1 - 2 ngày sau bão Yagi vì chưa kịp khắc phục hậu quả và lo sạt lở.
Nước ngập bắp chân tại Trường Tiểu học xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn |
Sáng 8/9, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì bão Yagi, thông báo cho hơn 520.000 trẻ mầm non và học sinh nghỉ học ngày 9/9 đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường đang tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện về giao thông, điện, nước, môi trường chưa đảm bảo để đón học sinh.
Sở yêu cầu các trường thống kê thiệt hại do bão gây ra, đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất, ưu tiên phòng học.
Quảng Ninh cũng cho 360.000 học sinh nghỉ thêm ngày 9/9. "Tùy điều kiện cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND huyện, thị chủ động cho học sinh nghỉ thêm 1 - 2 ngày", tỉnh Quảng Ninh yêu cầu.
Cùng ngày, Điện Biên cho biết kéo dài thời gian nghỉ học của hơn 200.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông đến 9 - 10/9, nhằm bảo đảm an toàn cho thầy cô và các em.
Sở cho biết, hoàn lưu của bão Yagi tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 ở các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi 350 mm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất và có thể gây lũ quét, lũ ống.
Các trường nội trú, bán trú được lưu ý có phương án quản lý, giữ an toàn cho học sinh, chuẩn bị đủ thực phẩm và nước uống cho các em.
Sơn La, Cao Bằng thông báo tương tự. Hơn 500.000 học sinh của 2 tỉnh nghỉ học ngày 9 - 10/9. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết, do đặc thù địa hình, Tỉnh gặp nhiều nguy cơ về lũ quét, sạt lở sau bão. Do đó, học sinh nghỉ học là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thầy và trò.
Hơn 835.000 học sinh Hòa Bình, Bắc Ninh, Yên Bái cũng được cho nghỉ học ngày 9/9.
Trong khi đó, Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn giao các trường căn cứ điều kiện thực tế, chủ động việc đón học sinh trở lại. Nếu nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc không bảo đảm các điều kiện an toàn, trường chưa được dạy học.
Trước đó, gần 20 địa phương cho khoảng 10 triệu trẻ mầm non và học sinh nghỉ ngày 7/9 để phòng tránh bão.
Hơn 6.000 vị trí mất liên lạc di động do bão
Cục Viễn thông thống kê, 7 tuyến cáp quang liên tỉnh đứt, 27 cột phát sóng gãy đổ, 6.285 trạm mất điện trong bão Yagi.
Kỹ thuật viên một nhà mạng đang khắc phục sự cố |
Trong báo cáo ngày 8/9, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bão Yagi đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại một số cơ sở hạ tầng viễn thông.
Cụ thể, 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh bị đứt. "Tuy nhiên, các sự cố không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc do đã có dự phòng", báo cáo viết.
Ngoài ra, 27 cột phát sóng di động bị gãy đổ, 6.285 vị trí trạm mất liên lạc di động do mất điện. Cục cho biết, các doanh nghiệp viễn thông đã khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và chuyển vùng (roaming) giữa các mạng. Bên cạnh đó, trong cao điểm của bão, nhiều thuê bao cố định tại Hải Phòng, Quảng Ninh bị gián đoạn dịch vụ.
Thực tế đến sáng 8/9, tại một khu vực ở Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương, nhiều người phản ánh vẫn chưa bắt được sóng di động. Một số người ở Hạ Long cho biết phải tìm mua thêm sim của các nhà mạng khác nhau, với hy vọng có mạng có thể kết nối.
Trước các thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão, Cục Viễn thông cho biết đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ lẫn nhau cùng khắc phục sự cố, đồng thời điều phối lực lượng, phương tiện, thiết bị từ các tỉnh lân cận tới khu vực chịu ảnh hưởng nặng.
Đề xuất 60 dự án chỉnh trang đường ven biển Nha Trang
60 dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được địa phương đề xuất khi chỉnh trang tuyến đường ven biển chạy qua trung tâm TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Một góc đường ven biển thành phố Nha Trang |
Thông tin được nêu trong báo cáo hạng mục đầu tư thực hiện chỉnh trạng hạ tầng đô thị phía Đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng của UBND TP. Nha Trang.
Dự án chỉnh trang nằm trên đường ven biển Nha Trang dài 16,4 km (diện tích đất 253 ha), điểm đầu gần Nhà hát Đó (phường Vĩnh Hòa) và điểm cuối gần Khu đô thị An Viên (phường Vĩnh Trường). Nơi đây được chia làm 4 phân khu gồm công viên và bến du thuyền, công viên di sản văn hóa, công viên bờ biển dài, công viên thưởng ngoạn. Trong đó, 15 dự án dùng ngân sách nhà nước, 6 dự án từ vốn trung ương, còn lại huy động từ doanh nghiệp.
Theo UBND TP. Nha Trang, nếu đầu tư 15 dự án từ nguồn ngân sách .hà nước cần chi phí rất lớn khoảng 3.200 tỷ đồng. Do đó, đề án cần xem xét, đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên từng hạng mục để thực hiện.
Chính quyền Nha Trang đề xuất 2 giai đoạn đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở đường ven biển. Ở giai đoạn một (2024 - 2026) ưu tiên kinh phí 500 tỷ đồng để làm cầu đi bộ Trần Phú, công viên bờ biển 4, đường xe đạp từ Hòn Chồng đến công viên Bạch Đằng.
Giai đoạn hai (2026 - 2030) với mức vốn 500 tỷ đồng đầu tư các dự án còn lại. Riêng công viên phức hợp thể thao sẽ kêu gọi đầu tư dự kiến đến hết năm 2025, nếu không được sẽ xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước.
Hoàn thành nâng cấp đường nối cù lao phía Đông TP.HCM
Tuyến đường 6 km kết nối cù lao Long Phước qua trung tâm Thủ Đức hoàn thành nâng cấp tạo diện mạo mới cho khu vực, người dân thuận tiện đi lại.
Đường Long Phước kết nối vào cầu Long Đại, phía trước là khu dân cư Vinhome Grand Park |
Chiều 8/9, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết, Dự án nâng cấp đường Long Phước dài gần 6 km, thuộc phường Long Phước, đã cơ bản hoàn thành sau gần 2 năm khởi động trở lại.
Tuyến đường được chỉnh trang, mở rộng lên 9 - 12 m kết hợp các hạng mục thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè... Trong tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng, kinh phí xây lắp của Dự án chiếm phần ít với khoảng 75 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dự án nâng cấp đường Long Phước khởi công cuối năm 2017, nhưng 2 năm sau dừng do vướng mặt bằng. Thủ tục đền bù cho các hộ tiếp tục gặp khó khăn trong 2 năm đại dịch, phải tới cuối năm 2022 Dự án mới thi công trở lại. Đến nay, toàn bộ Dự án chỉ còn một số hạng mục nhỏ như vỉa hè đang hoàn thiện.
Được bao bọc bởi sông Đồng Nai, sông Tắc, vùng đất Long Phước còn được gọi là cù lao, giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Đường Long Phước cũng là tuyến nối vào cầu Long Đại mới đưa vào khai thác cuối năm 2023. Trục đường này sau khi hoàn thành nâng cấp giúp người dân thuận tiện đi lại, rút ngắn hành trình sang phường Long Bình, vào trung tâm TP. Thủ Đức còn hơn 500 m thay vì phải chạy vòng khoảng 10 km như trước.
Ngoài ra, đường Long Phước còn là một trong những tuyến quan trọng khi có các trục giao thông lớn cắt qua là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đã khai thác) và Vành đai 3 (đang xây dựng).
Khôi phục chi trả lương hưu bằng tiền mặt tại các điểm ảnh hưởng bão Yagi
Bưu điện Việt Nam thông báo khôi phục hoàn toàn dịch vụ chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện và việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt tại các điểm bị ảnh hưởng của bão Yagi.
Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội đã được ưu tiên tổ chức lại sớm nhất có thể tại điểm chi trả và tại nhà người hưởng ngay sau bão số 3 |
Theo Bưu điện Việt Nam, khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ và gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, tại một số điểm phục vụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang… đã buộc phải tạm ngừng phục vụ để chống bão và hiện đã trở lại phục vụ nhu cầu của người dân, khách hàng từ sáng 8/9.
Trước và trong thời gian cơn bão diễn ra, Bưu điện Việt Nam và các đơn vị có nguy cơ bị ảnh hưởng đã chủ động các phương án phòng chống bão lụt để bảo đảm an toàn cho người lao động, tài sản, cũng như hàng hóa của khách hàng.
Nhờ sự linh hoạt ứng phó, việc cung cấp các dịch vụ tại các địa bàn bị ảnh hưởng đã được khôi phục cơ bản tại hầu hết các địa bàn.
Cụ thể, các dịch vụ chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện hàng hóa, thư tín, tài liệu, dịch vụ hành chính công, tài chính bưu chính... đều đã trở lại bình thường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải phòng, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình…
Đặc biệt, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội đã được ưu tiên tổ chức lại sớm nhất có thể tại điểm chi trả và tại nhà người hưởng.
Trong thời gian tạm dừng hoạt động do bão, Bưu điện Việt Nam luôn bám sát và cập nhật thông tin tình hình bão lũ từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp để bảo đảm khôi phục dịch vụ nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và người dân trên cả nước.
Sabeco dự chi 830 tỷ đồng thâu tóm bia Sài Gòn Bình Tây
Sabeco lên kế hoạch mua 37,8 triệu cổ phiếu bia Sài Gòn Bình Tây, tương đương 830 tỷ đồng, cao hơn thị trường 18%, nhằm củng cố quyền kiểm soát.
Bia Sài Gòn được bán tại thị trường Hà Nội |
Thông tin được Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB, Sabeco) nêu trong nghị quyết HĐQT về kế hoạch chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43,2% vốn điều lệ của Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB) trên sàn UpCOM.
Thương vụ này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại SBB từ 22,7% lên 65,9%, giúp Sabeco trở thành công ty mẹ. Mức giá chào mua là 22.000 đồng một cổ phiếu, cao hơn 18% so với giá thị trường, với tổng chi phí dự kiến hơn 830 tỷ đồng.
Kế hoạch chào mua dự kiến thực hiện trong năm nay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Sabeco đặt điều kiện hủy bỏ đợt chào mua nếu số cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt ít nhất 25,12 triệu cổ phiếu (28,7% tổng số cổ phiếu lưu hành), hoặc SBB giảm số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Thương vụ cũng sẽ bị hủy nếu SBB bán tài sản có giá trị từ 35% tổng tài sản dựa trên báo cáo tài chính gần nhất.
Nửa đầu năm nay, SBB ghi nhận doanh thu 635 tỷ đồng, nhưng lỗ 92 tỷ đồng do chi phí tài chính cao, tổng tài sản giảm còn 2.328 tỷ đồng. Từ năm 2020, Công ty liên tục báo lỗ dù trước đó có lợi nhuận tốt. Bia Sài Gòn Bình Tây, thành lập năm 2005, sở hữu thương hiệu bia Sagota. Doanh nghiệp có 6 nhà máy với tổng công suất 610 triệu lít bia một năm.
Trong khi đó, Sabeco đạt doanh thu hơn 15.378 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.342 tỷ đồng nhờ tăng giá bán và doanh thu tài chính từ tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, thị phần Sabeco giảm từ 42% năm 2013 xuống 34,4% năm 2023 do cạnh tranh và tác động từ Nghị định 100, đặc biệt khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và đối thủ cũng tăng giá bán.
Tháo dỡ bãi nuôi hàu trái phép trên sông Rác (Hà Tĩnh)
Chính quyền huy động hơn 150 lượt người tháo dỡ hàng nghìn cọc bêtông, cọc tre, lốp xe dùng để nuôi hàu trên sông Rác ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).
Cọc bêtông, lốp xe dày đặc trên sông Rác đoạn tiếp giáp với cầu Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên |
Ngày 8/9, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cho biết, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát, thống kê được 78 hộ dân tự ý nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông Rác đoạn qua xã Cẩm Lĩnh và bãi bồi cửa biển. Nhà chức trách đã làm việc với các chủ bãi hàu, tuyên truyền vận động họ tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu cho sông, nhưng đa số không chấp hành.
Những ngày sau đó, xã Cẩm Lĩnh đã huy động 150 lượt người gồm cán bộ xã, thôn xóm, dân quân, đoàn thanh niên... xuống sông Rác tháo dỡ được hơn 2.000 cọc bêtông, cọc tre, dây néo trên diện tích 5 ha, lập biên bản xử lý 7 hộ.
Lãnh đạo xã Cẩm Lĩnh cho hay, việc tháo dỡ được tập trung vào các vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy tiêu thoát lũ, cản trở giao thông đường thủy... Quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn do khối lượng cọc bêtông và các vật liệu khác lớn, cắm sâu dưới đáy sông nên không thể sử dụng sức người thu gom hết, huy động máy móc cũng tốn kém.
Thời gian tới, nhà chức trách huyện Cẩm Xuyên tiếp tục huy động lực lượng tháo dỡ các bãi nuôi hàu trái phép trên sông Rác, tuyên truyền người dân nuôi đúng quy hoạch, không ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường, cảnh quan.
Sông Rác dài 35 - 40 km, chảy qua 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Tại đoạn 2 km qua xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, người dân cắm hàng nghìn trụ bêtông và cọc tre xuống đáy, cố định dây thừng và lốp xe để làm giá nuôi hàu khi chưa được chính quyền cho phép thuê đất, thuê mặt nước.
Theo thống kê, dọc bờ sông Rác đoạn qua huyện Cẩm Xuyên có gần 30 ha mặt nước bị người dân chiếm dụng để nuôi hàu tự phát. Tình trạng này xảy ra từ nhiều năm, lực lượng chức năng đã tới gặp các hộ dân tuyên truyền tháo dỡ, nhưng chưa thể chấm dứt.