Bản tin thời sự sáng 9/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Tây Ban Nha công nhận lại hộ chiếu Việt Nam mẫu mới; Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái bị cách chức vụ trong Đảng; FBI bàn giao 10 cổ vật cho Việt Nam; dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng để làm nhà ga thứ 2 ở sân bay Thọ Xuân; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ hoàn thành dịp 2/9…

Tây Ban Nha công nhận lại hộ chiếu Việt Nam mẫu mới

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội thông báo công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới sau khi hoàn thành tham vấn kỹ thuật với cơ quan trung ương.

Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới (bên trái, bìa xanh tím than) và hộ chiếu mẫu cũ (bìa xanh lá).

Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới (bên trái, bìa xanh tím than) và hộ chiếu mẫu cũ (bìa xanh lá).

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam vừa thông báo, các cơ quan trung ương có thẩm quyền của Tây Ban Nha đã quyết định công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam (bìa xanh tím than), vì hộ chiếu này đã bao gồm các thông tin cần thiết theo quy định quốc tế. Quyết định được giới chức Tây Ban Nha đưa ra sau khi hoàn thành các tham vấn kỹ thuật bắt buộc với Đại sứ quán.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Tây Ban Nha lưu ý, những trường hợp xin thị thực mang hộ chiếu mẫu mới cần nộp kèm Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân còn hiệu lực để chứng minh nơi sinh, do nội dung này là thông tin bắt buộc đối với thị thực Schengen.

Từ ngày 8/8, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội tiếp nhận trở lại đơn xin thị thực của những người mang hộ chiếu Việt Nam mẫu mới nộp kèm Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân còn hạn.

Cơ quan này lưu ý, thị thực do Tây Ban Nha cấp trên hộ chiếu Việt Nam mẫu mới sẽ không có giá trị nhập cảnh vào những nước chưa chấp nhận mẫu hộ chiếu này, dù nước đó là thành viên khối Schengen, do đây là quy định của khối.

Thông cáo của phía Tây Ban Nha nhấn mạnh, Đại sứ quán khuyến nghị người xin thị thực, trong trường hợp đi du lịch theo tour đến nhiều nước khác nhau, phải liên hệ với đại sứ quán các nước đó trước khi chuẩn bị khởi hành.

Khối Schengen, gồm 26 thành viên, đã bãi bỏ các hình thức kiểm soát biên giới, cho phép đi lại tự do giữa các nước thành viên. Người mang thị thực Schengen được phép lưu trú tại các nước trong khối tối đa 90 ngày trong mỗi chu kỳ nửa năm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái bị cách chức vụ trong Đảng

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái, bị cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Ủy viên Ban chấp hành Chi bộ CDC nhiệm kỳ 2020 - 2022.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái

Ông Nguyễn Văn Hà bị xác định vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thiếu trách nhiệm, để xảy ra một số khuyết điểm, vi phạm trong công tác chống Covid-19, theo quyết định của Tỉnh ủy Yên Bái, cuối tháng 7.

Ông Hà chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu với những khuyết điểm, vi phạm của Chi bộ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái (từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2021).

Giữa tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái đã kỷ luật hàng loạt cán bộ CDC Tỉnh. Trong đó, mức cảnh cáo áp dụng với ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc CDC tỉnh Yên Bái; ông Nguyễn Trọng Phú, Phó Giám đốc CDC tỉnh Yên Bái; bà Nguyễn Thúy Quỳnh, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế), nguyên trưởng phòng Tài chính - Kế toán, CDC tỉnh Yên Bái; bà Nguyễn Thị Hà, kế toán trưởng CDC tỉnh Yên Bái….

FBI bàn giao 10 cổ vật cho Việt Nam

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Washington 10 hiện vật, cổ vật thu giữ từ một vụ án năm 2013 - 2014.

Số cổ vật FBI bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Số cổ vật FBI bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ trong thông báo trên website cho biết, những hiện vật văn hóa được FBI trao trả lại cho Việt Nam trong lễ bàn giao gồm một chiếc bình, một bộ dụng cụ có 8 mảnh đồng và một rìu đá. Những hiện vật này được FBI xác định có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng chưa rõ niên đại.

Đại diện FBI cho biết, số hiện vật được thu thập trong cuộc điều tra được Đội Phòng chống tội phạm Văn hóa và Nghệ thuật tiến hành trong giai đoạn 2013 - 2014.

Công dân Mỹ liên quan tới vụ án lưu giữ trái phép bộ sưu tập hơn 7.000 hiện vật, cổ vật văn hóa. Người này trước khi qua đời đã chia sẻ mong muốn trao trả hiện vật, cổ vật văn hóa về với những cộng đồng, quốc gia gốc.

Đây là vụ thu giữ tài sản văn hóa lớn nhất lịch sử FBI. Cơ quan này đã phối hợp cùng nhiều chuyên gia để phân loại, lưu trữ và thẩm định tài sản thu giữ nhằm xác định nguồn gốc cổ vật.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam và Mỹ gần đây triển khai nhiều hoạt động hợp tác cũng như phối hợp nghiệp vụ song phương, dựa trên Bản ghi nhớ về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được ký kết giữa Bộ Công an và FBI.

Sau khi tiếp nhận 10 hiện vật từ FBI, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ sẽ chuyển chúng về nước, bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam để giám định, nghiên cứu và trưng bày.

Dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng để làm nhà ga thứ 2 ở sân bay Thọ Xuân

Nếu được thông qua, sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) sẽ được đầu tư xây mới thêm nhà ga hành khách thứ 2 (nhà ga T2) và hạ tầng khác để đồng bộ khai thác. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 2,1 nghìn tỷ đồng.

Cục Hàng không đề xuất được tiến hành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư xây thêm nhà ga hành khách thứ 2 cho sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá).

Cục Hàng không đề xuất được tiến hành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư xây thêm nhà ga hành khách thứ 2 cho sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá).

Cục Hàng không cho biết, nhà ga hành khách sân bay Thọ Xuân được đưa vào khai thác từ năm 2016 với công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm. Năm 2019, sân bay đã phục vụ hơn 1 triệu khách, và dự kiến cả năm 2022 sẽ vượt công suất.

Theo quy hoạch hiện hành, giai đoạn từ nay tới năm 2030 sẽ đầu tư nâng công suất sân bay Thọ Xuân lên 5 triệu khách/năm. Dù quy hoạch mới chưa được phê duyệt nhưng việc nâng công suất sân bay này đã được đưa vào dự thảo với đề xuất thực hiện trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

Do đó, trong khi chờ quy hoạch mới được duyệt, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho phép tiến hành các bước chuẩn bị thủ tục đầu tư nhà ga T2 sân bay Thọ Xuân, đảm bảo có thể triển khai đầu tư ngay khi quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo tính toán sơ bộ của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) - đơn vị đang quản lý, khai thác sân bay Thọ Xuân, để xây dựng nhà ga T2 đạt công suất 5 triệu lượt hành khách/năm và kết cấu hạ tầng đồng bộ đi kèm, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 2.120 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ hoàn thành dịp 2/9

Chủ đầu tư và nhà thầu gấp rút đưa cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác dịp 2/9, rút ngắn hành trình xuống 50 phút thay vì 2 giờ như hiện nay.

Nhà thầu đang kẻ vạch sơn trên cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên

Nhà thầu đang kẻ vạch sơn trên cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên

Ông Nguyễn Tường Văn Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu hoàn thiện công trình nhưng phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật; thực hiện thủ tục nghiệm thu, phương án tổ chức giao thông, báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình và lên kịch bản cho lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, đi qua 5 huyện thị gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái; tổng vốn đầu tư ban đầu 11.195 tỷ đồng. Điểm đầu cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái).

Khi triển khai, tỉnh Quảng Ninh đã tách thành hai dự án độc lập. Trong đó, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16 km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và tuyến Tiên Yên - Móng Cái theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Đến nay, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên đã hoàn thành. Riêng tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài hơn 63 km mới đạt 95%. 5% còn lại là phần trải bê tông nhựa tạo nhám, lắp hệ thống biển báo, thu phí và kẻ sơn đường.

Theo Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, chủ đầu tư cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, thời tiết bất lợi khiến dự án không hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm 2021. Các nhà thầu đang gấp rút hoàn tất 5% công việc còn lại.

Đề xuất hai phương án xây cầu 7.000 tỷ đồng vượt sông Hậu

Chính quyền Cần Thơ vừa đề xuất hai phương án xây cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu kết nối tỉnh Đồng Tháp, góp phần liên kết các tỉnh miền Tây.

Phà Ô Môn - Phong Hoà qua sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đổng Tháp

Phà Ô Môn - Phong Hoà qua sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đổng Tháp

Theo văn bản chính quyền Cần Thơ gửi tỉnh Đồng Tháp, qua các buổi làm việc, phía nhà tài trợ là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quan tâm việc đầu tư đồng bộ, hiệu quả liên kết vùng của các dự án. Do đó, kết quả trao đổi về dự án giữa Cần Thơ và Đồng Tháp là cơ sở báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà tài trợ.

Phương án 1, dự án có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69 km, bắt đầu từ vị trí giao Quốc lộ 80 (ở khu vực Đông Nam TP. Sa Đéc, Đồng Tháp). Sau đó công trình đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, đến huyện Lai Vung, vượt sông Hậu tại vị trí cách phà Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5 km về phía thượng lưu kết nối quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao với Quốc lộ 91, chạy qua huyện Thới Lai (Cần Thơ) để đi về huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Phương án 2, tuyến có chiều dài khoảng 70 km, bắt đầu từ nút giao tuyến tránh TP. Sa Đéc rồi đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, nhập vào hướng tuyến của phương án 1.

Chuyên đề