Bản tin thời sự sáng 8/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá bán lẻ điện sinh hoạt có thể lên tới 3.457 đồng/kWh; giá thép giảm lần thứ 13 liên tiếp; Hà Nội xử lý tách riêng khu vi phạm tại khu đô thị Thanh Hà; thủy điện tăng công suất phát; TP.HCM sẽ mở thêm 5 tuyến tàu thuỷ kết hợp du lịch; ba di sản UNESCO Việt Nam vào danh sách đáng ghé thăm nhất Đông Nam Á…

Giá bán lẻ điện sinh hoạt có thể lên tới 3.457 đồng/kWh

Biểu giá bán lẻ điện dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện hành và giá điện ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) khoảng 3.457 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Bộ Công Thương lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

Bộ Công Thương lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc.

Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh hiện nay; còn bậc cao nhất từ 700 kWh trở lên.

Giá điện các bậc thang 1 - 5 được tính bằng 90 - 180% giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/kWh. Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.728 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.457 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo Dự thảo, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Trong đó, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được hỗ trợ tiền điện cho 30 kWh đầu tiên tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1.

Giá bán điện cho sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp cũng thay đổi. Việc phân bổ chi phí của ngành điện sẽ theo cấp điện áp, theo thời gian sử dụng trong ngày và theo nhóm khách hàng, trong đó bổ sung giá điện cho các trạm sạc xe điện.

Chẳng hạn, giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp, giờ bình thường - thấp điểm - cao điểm, thấp nhất 68% giá bán lẻ điện bình quân (1.306 đồng/kWh) và cao nhất 205% giá bán lẻ điện bình quân (3.937 đồng/kWh). Các giá này chưa gồm thuế VAT.

Nhóm khách hàng kinh doanh sẽ bổ sung cơ sở lưu trú, du lịch áp dụng giá bán lẻ bằng nhóm khách hàng sản xuất với cấp điện áp 1 - 35 kV và các hộ kinh doanh khác. Giá bán điện theo 4 cấp điện áp cũng sẽ được áp dụng cho nhóm khách hàng sản xuất, thấp nhất 52% và cao nhất 167% giá bán lẻ điện bình quân.

Nhóm khách hàng đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ bổ sung bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, chiếu sáng công cộng.

Giá thép giảm lần thứ 13 liên tiếp

Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 13 liên tiếp. Hiện giá thép của nhiều doanh nghiệp đã về dưới mức 14 triệu đồng/tấn.

Giá thép của nhiều doanh nghiệp đã ở dưới mức 14 triệu đồng/tấn

Giá thép của nhiều doanh nghiệp đã ở dưới mức 14 triệu đồng/tấn

Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm giá từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, giá thép cuộn CB240 được giữ nguyên.

Cụ thể, theo số liệu của Steel Online, so với lần điều chỉnh giảm vào ngày 21/6, thương hiệu Thép Việt Mỹ tại miền Bắc lần này tiến hành giảm 50.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 13,96 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 13,85 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, Thép Việt Mỹ giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,01 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 vẫn có giá 14,06 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm tiếp 100.000 đồng/tấn với dòng thép D10 CB300, giá hiện là 14,38 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 có giá 14,04 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, Thép Hòa Phát cũng giảm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, giá bán về mức 14,24 triệu đồng/tấn; còn dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ mức giá 13,84 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 14,14 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 13,74 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,24 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,84 triệu đồng/tấn.

Tương tự, Thép Việt Sing tại miền Bắc cũng giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá xuống 14,06 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 14,01 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép miền Nam cũng giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,92 triệu đồng/tấn; sản phẩm thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên ở mức giá 14,82 triệu đồng/tấn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận 13 lần giảm liên tiếp, tuỳ thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau. Hiện giá thép đã về dưới mức 14 triệu đồng/tấn.

Hà Nội xử lý tách riêng khu vi phạm tại khu đô thị Thanh Hà

Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu làm rõ các công trình, hạng mục vi phạm về trật tự xây dựng, quy hoạch tại khu đô thị Thanh Hà, tham mưu hoàn thiện các thủ tục đảm bảo quyền lợi cho người dân khu xây dựng không vi phạm.

Một góc khu đô thị Thanh Hà

Một góc khu đô thị Thanh Hà

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, Tổng công ty Công trình giao thông 5 và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 về việc xử lý vi phạm tồn tại của khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B.

Đây là dự án đối ứng Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hợp đồng BT với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 400 ha.

Sở Xây dựng cho biết, trước đó ngày 13/6, Văn phòng UBND Thành phố có Thông báo về việc chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B.

Cụ thể, đối với các hạng mục, công trình không có vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tham mưu, báo cáo UBND Thành phố để hoàn thiện các thủ tục liên quan đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Riêng đối với các hạng mục, công trình vi phạm, yêu cầu làm rõ nội dung, mức độ vi phạm, căn cứ quy định của pháp luật đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND Thành phố.

Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo Thành phố, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Hà Đông, huyện Thanh Oai chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan thuộc quận, huyện phối hợp với chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án tổ chức rà soát, thống kê, kiểm đếm số lượng lô đất trên từng ô đất; các công trình, hạng mục công trình đến từng lô đất, ô đất tại Dự án khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B.

Đồng thời, làm rõ các công trình, hạng mục công trình không vi phạm, có vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch; quy mô vi phạm, mức độ vi phạm; kết quả xử lý vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng công trình.

Thủy điện tăng công suất phát

Lượng nước tại các hồ thủy điện lớn cao so với mực nước chết, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) tăng huy động từ nguồn này để đủ điện cho miền Bắc.

Mực nước tại hồ thủy điện Lai Châu ngày 7/7 cao hơn ngưỡng nước chết 22,7 m

Mực nước tại hồ thủy điện Lai Châu ngày 7/7 cao hơn ngưỡng nước chết 22,7 m

Ngày 7/7, Trung tâm A0 cho biết, lượng nước tại hầu hết hồ thủy điện lớn ở phía Bắc tăng cao hơn mực nước chết (ngưỡng phát điện an toàn) 13 - 23 m, đủ nước để phát điện.

Cụ thể, lưu lượng nước về các hồ như Sơn La lớn nhất là 2.128 m3/s; Lai Châu 616 m3/s, Tuyên Quang 614 m3/s. Do lưu lượng nước về hồ nhiều, các nhà máy thủy điện ở Bắc Bộ đang tăng công suất phát.

A0 cho biết, thời gian tới, khi miền Bắc vào giai đoạn lũ chính, lưu lượng nước về các hồ tăng cao hơn nên cần tăng huy động từ thủy điện. Việc này vừa đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc, vừa hạ dần mực nước các hồ, tạo dung tích đón lũ, phòng lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa.

Còn miền Nam đã chuyển hẳn sang mùa mưa, thời tiết không nắng nóng gay gắt kéo dài nên tiêu thụ điện giảm và mực nước các hồ tại khu vực này cải thiện hơn so với đầu tháng 5.

Vì thế, theo A0, trong giai đoạn lũ chính vụ, các nhà máy điện than và turbin khí sẽ phát ở mức phù hợp diễn biến thủy văn, thực tế các hồ thủy điện và vận hành thị trường điện.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá hệ thống điện miền Bắc đã trở lại trạng thái vận hành bình thường, với khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trung bình khoảng 451,6 triệu kWh một ngày, trong đó ngày cao nhất có thể lên tới 470 triệu kWh.

Tuy vậy, để đảm bảo cung cấp điện và dự phòng tình huống nắng nóng cực đoan bất thường, A0 đề nghị các nhà máy nhiệt điện than và turbin khí phải đảm bảo sẵn sàng các tổ máy, nhiên liệu để đáp ứng khi hệ thống có nhu cầu huy động.

Từ đầu tháng 7, huy động từ các nhà máy thủy điện phía Bắc tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 thời điểm cuối tháng 5. Chẳng hạn, ngày 6/7, sản lượng từ thủy điện miền Bắc đạt hơn 153 triệu kWh, chiếm gần 30% sản lượng điện cung ứng. Mức này tăng gần 6 triệu kWh so với ngày 5/7. Trong khi đó, sản lượng từ nhiệt điện giảm khoảng 4 triệu kWh, về gần 259 triệu kWh.

Thông xe thêm 4 nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, các nút giao giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Quốc lộ 55, 56, Đường tỉnh 765, Đường tỉnh 720 qua Đồng Nai và Bình Thuận được thông xe sáng 7/7 trong thời gian chờ nghiệm thu.

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Quốc lộ 56 qua TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Quốc lộ 56 qua TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Trước đó, khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe ngày 29/4, chỉ có 3/7 nút giao được khai thác là cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai và đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. 4 nút giao với Quốc lộ 56 qua TP. Long Khánh, Đường tỉnh 765 qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai và nút giao Quốc lộ 50, Đường tỉnh 720 qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận chưa thi công xong.

Hiện các nhà thầu đã thảm xong lớp nhựa, bê tông nền và làm trạm thu phí nên chủ đầu tư đã tổ chức cho thông xe tạm nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Nhà thầu chịu trách nhiệm phân luồng giao thông để hoàn thiện các hạng mục còn lại, chờ cơ quan thẩm quyền nghiệm thu.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công ngày 30/9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bộ Giao thông vận tải cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.

TP.HCM sẽ mở thêm 5 tuyến tàu thuỷ kết hợp du lịch

Ngoài 2 tuyến chạy ở nội đô, TP.HCM sẽ mở 3 tuyến vận tải hành khách đường thuỷ kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025.

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, một trong các tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở TP.HCM

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, một trong các tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở TP.HCM

5 tuyến này nằm trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025 được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra. Việc khai thác thêm các tuyến đường thuỷ này được kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.

Theo đó, 2 tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: Quận 1 đi Quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Trên tuyến, hiện các bến Ngôi Sao Việt (Quận 7) và Cù Lao Xanh (Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực... Tuyến còn lại kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km. Tuyến này cũng có lợi thế khi có một số vị trí bến đã được xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Ngoài hai tuyến trên, Thành phố lên kế hoạch mở thêm 3 tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km. Tuyến này kết nối từ bến Bạch Đằng đến TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi, TP.HCM). Trên tuyến, ngoài một số bến bãi đã được xây dựng, các bên liên quan sẽ đầu tư thêm hạ tầng đồng bộ, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2024 - 2025.

Tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch từ TP.HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến này dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè) đến bến cảng tàu khách Côn Đảo tại vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Hiện tuyến này đã có 1 doanh nghiệp đăng ký khai thác với tàu có sức chở khoảng 1.100 khách.

Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12 km. Điểm đầu tuyến ở từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2024.

Ba di sản UNESCO Việt Nam vào danh sách đáng ghé thăm nhất Đông Nam Á

Ba di sản UNESCO ở Việt Nam vào danh sách 16 điểm di sản thế giới ở Đông Nam Á được tạp chí du lịch Anh gợi ý đáng ghé thăm nhất.

Quần thể núi đá vôi tạo nên nét riêng của vịnh Hạ Long. Ảnh: Unsplash

Quần thể núi đá vôi tạo nên nét riêng của vịnh Hạ Long. Ảnh: Unsplash

Trong 11 quốc gia tại Đông Nam Á, có 41 điểm đến được UNESCO công nhận là di sản thế giới, bao gồm các công viên hoang dã, kỳ quan thiên nhiên, đền thờ... Tạp chí du lịch Wanderlust chọn 16 điểm để gợi ý độc giả nên ghé thăm, trong đó Việt Nam có 3 cái tên được nhắc đến là vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Xuất hiện ngay đầu danh sách là vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh. Tạp chí du lịch Anh giới thiệu quần thể 1.600 núi đá vôi lớn nhỏ trên vịnh có "quy mô ấn tượng nhất thế giới". Địa điểm này lần đầu tiên được UNESCO công nhận vào năm 1994. 20 năm sau, thiên nhiên vịnh Hạ Long gần như không thay đổi, ngoại trừ lượng khách du lịch tới đây ngày một tăng.

Địa điểm thứ hai được nhắc tới là phố cổ Hội An, Quảng Nam. Đô thị cổ này được UNESCO công nhận di tích văn hóa thế giới vào năm 1999. Những ngôi nhà tường vàng, ngói đỏ phủ rêu cùng nhịp sống yên bình tại đây như tách biệt với cuộc sống hiện đại. Tờ Wanderlust giới thiệu thành phố này từng là một thị trấn cảng thịnh vượng và là nơi sinh sống của các thương nhân từ khắp châu Á.

Cái tên thứ ba xuất hiện trong danh sách là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Địa điểm này từng hai lần được UNESCO vinh danh. Lần đầu vào năm 2002, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo. Vào năm 2015, nơi đây được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học. Tờ Wanderlust mô tả những hang động tuyệt đẹp và những dòng sông ngầm "tạo nên mạch máu" cho môi trường sống kỳ diệu dưới lòng đất…

Ngoài 3 điểm đến ở Việt Nam, còn 13 di sản UNESCO khác tại Đông Nam Á được Wanderlust nhắc tên.

Sạt lở cuốn nhà xưởng hơn 2.000 m2 xuống sông

Vụ sạt lở sáng 7/7 khiến dãy nhà xưởng công ty chế biến bột cá ở huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) trôi xuống sông, gây thiệt hơn 5 tỷ đồng.

Hiện trường sạt lở cuốn nhà xưởng xuống sông

Hiện trường sạt lở cuốn nhà xưởng xuống sông

Khoảng 0h, dãy nhà xưởng dài hơn 50 m, rộng 40 m của Công ty TNHH Dương Lộc Tiến ở Ấp 4, thị trấn Gành Hào bất ngờ đổ xuống sông. Sự cố khiến nửa dãy nhà đổ sụp, phần mái tôn, khung hư hỏng, khu vực kè bê tông có nhiều vết nứt.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, vụ sạt lở không gây ảnh hưởng nhà dân xung quanh, nhưng làm hư hại nhiều tài sản của Công ty. Khu vực phía sau nhà xưởng giáp tuyến sông Gành Hào có dòng chảy rất mạnh. Công ty mới xây dựng kè bên ngoài để bảo vệ nhưng không chống chịu nổi.

Cơ quan chức năng đến hiện trường khảo sát, tìm nguyên nhân vụ sạt lở. Đồng thời chính quyền địa phương cử lực lượng di dời tài sản, máy móc, trang thiết bị nhà xưởng và người dân tại khu vực đến nơi an toàn.

Từ đầu mùa mưa năm nay, các tỉnh miền Tây liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, chủ yếu tại địa phương ở thượng nguồn. Tại huyện Đông Hải hôm 9/6 cũng xảy ra vụ sạt lở đất dài gần 60 m, ngang 20 m, cuốn trôi nhiều tài sản của một doanh nghiệp, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư