Bản tin thời sự sáng 8/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu; Phú Quốc dự tính cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; không xây chung cư ở khu đất triển lãm Giảng Võ; đề xuất hơn 470 tỷ đồng cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc…

Thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu

Việc kiểm soát giá, sử dụng Quỹ bình ổn và quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay sẽ được thanh tra.

Thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay

Thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay

Theo quyết định vừa được Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, cơ quan này lập tổ công tác kiểm tra việc quản lý Nhà nước về điều hành và kinh doanh xăng dầu. Các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ và 16 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải cung cấp nhiều thông tin, tài liệu liên quan.

Động thái này được đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước và kế hoạch thanh tra bổ sung năm 2022.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc lập, quy hoạch thương nhân kinh doanh xăng dầu; quy trình cấp phép xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, pha chế mặt hàng này tại các doanh nghiệp.

Cơ quan này cũng cần cung cấp thông tin chi tiết quy trình dự trữ lưu thông, dự trữ xăng dầu quốc gia tại các đơn vị và trách nhiệm của họ với yêu cầu đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Nội dung khác cũng được cơ quan thanh tra yêu cầu báo cáo là quy trình trích, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu; những tồn tại, hạn chế của Quỹ. Với giá bán, Thanh tra Chính phủ đề nghị báo cáo việc niêm yết công khai giá; kiểm tra, kiểm soát giá...

Ngoài ra, những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành mặt hàng này... cần được các bộ làm rõ và cung cấp thông tin lập, tham mưu để ban hành cơ chế, chính sách quản lý với xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Giá xăng dầu vừa qua tăng cao, gây áp lực lớn tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đời sống người dân.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có 17 đợt điều chỉnh với 13 lần tăng, 4 lần giảm.

Phú Quốc dự tính cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ

Lượng khách tăng cao, chính quyền Phú Quốc xin ý kiến tỉnh về việc cấm đỗ ô tô trên một số đường, theo ngày chẵn lẻ, để giảm ùn tắc khu vực trung tâm.

Dòng ô tô nối đuôi nhau trên đường 30/4, phường Dương Đông

Dòng ô tô nối đuôi nhau trên đường 30/4, phường Dương Đông

Theo dự thảo, TP. Phú Quốc cấm tất cả ô tô đỗ theo ngày chẵn, lẻ ở đường Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo (từ ngã 5 đến vòng xoay Suối Mây), 30/4 (từ nút giao Bạch Đằng đến nút giao Hùng Vương), Hùng Vương (từ nút giao đường 30/4 đến khu Phước Lộc Thọ).

Địa phương cũng có phương án cấm đỗ ô tô theo giờ trên đường Võ Thị Sáu (từ vòng xoay đường Trần Hưng Đạo đến nút giao Bạch Đằng); Bạch Đằng (từ vòng xoay cầu Nguyễn Trung Trực đến ngã ba đường 30/4 giao Bạch Đằng).

Ngoài ra, Thành phố tính toán cấm đỗ, dừng ô tô theo giờ trên đường Nguyễn Trung Trực (đoạn từ cầu Nguyễn Trung Trực đến vòng xoay sân bay cũ). Tất cả tuyến đường nói trên thuộc phường Dương Đông - trung tâm Phú Quốc.

Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, đây mới là đề xuất để UBND tỉnh xem xét, khảo sát và quyết định.

TP. Phú Quốc rộng 575 km2, hơn 180.000 dân. Có nhiều bãi biển, cảnh quan đẹp nên những năm gần đây hòn đảo này thu hút du khách. Trung bình mỗi ngày, đảo đón khoảng 140 chuyến bay, hơn 40 chuyến phà, tàu cao tốc đi và đến với hàng chục nghìn lượt khách.

Không xây chung cư ở khu đất triển lãm Giảng Võ

Khu đất triển lãm Giảng Võ (cũ) sẽ không xây chung cư mà chuyển sang làm trung tâm dịch vụ, thương mại, văn hóa, theo Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Khu đất 148 Giảng Võ (triển lãm Giảng Võ cũ) sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa

Khu đất 148 Giảng Võ (triển lãm Giảng Võ cũ) sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa

Sáng 7/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP. Hà Nội, trả lời chất vấn về việc Dự án tại khu đất 148 Giảng Võ (triển lãm Giảng Võ cũ) quây rào bỏ trống nhiều năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Dự án đang làm thủ tục chuyển đổi, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay để năm 2023 khởi công.

Theo ông Tuấn, năm 2016, UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất 6,8 ha, số 148 Giảng Võ với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng. Sau đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và người dân, đến ngày 7/3/2019, UBND Thành phố đã có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Ông Tuấn cho biết thêm, khu đất 148 Giảng Võ không xây dựng quy mô 10 tòa nhà cao 50 tầng nữa, thay vào đó sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa và chỉ đề xuất chức năng hỗn hợp như khách sạn, văn phòng, thương mại, để đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp...

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin, thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực này để đưa về đúng chức năng như trên. Sau đó, Thành phố sẽ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nhà đầu tư cam kết, sau khi các thủ tục hoàn thiện sẽ đầu tư ngay.

Khu đất 148 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) trước đây là Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia. Giữa năm 2016, Hà Nội có quyết định cho phép Công ty CP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam chuyển mục đích sử dụng 68.380 m2 đất tại đây để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở. Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn được quây tôn, bỏ trống.

Đề xuất hơn 470 tỷ đồng cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc

Nếu được thông qua, Dự án Cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc sẽ giúp tăng năng lực thông quan hàng hóa và phát triển vận tải của khu vực này.

Đoàn tàu chở hàng đi trên một đoạn tuyến đường sắt Bắc-Nam

Đoàn tàu chở hàng đi trên một đoạn tuyến đường sắt Bắc-Nam

Ban Quản lý dự án Đường sắt vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án Cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 475 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách gồm ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng); 4 ga hàng hóa gồm ga Vật Cách, cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên-Lào Cai).

Ban Quản lý dự án Đường sắt cũng đưa ra mốc thời gian công tác phê duyệt Dự án và triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công dự kiến từ quý III - IV/2022; lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công xây dựng dự kiến từ năm 2023 - 2025.

Về khả năng huy động vốn theo tiến độ, Ban Quản lý dự án Đường sắt tính toán dự kiến huy động vốn theo tiến độ: Năm 2022 là khoảng 8,4 tỷ đồng, năm 2023 là khoảng 143 tỷ đồng, năm 2024 là khoảng 190 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 134,3 tỷ đồng.

Tháng 9 sẽ khởi công cầu nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai

Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải, nối Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ khởi công trong tháng 9, kinh phí hơn 4.879 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 5 năm.

Phối cảnh cầu Phước An

Phối cảnh cầu Phước An

Theo ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Dự án đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu, khảo sát lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, sẽ khởi công trước ở phía bờ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sang quý IV năm nay sẽ xây nhịp cầu chính.

Dự án có tổng chiều dài hơn 4,3 km, trong đó cầu bắc qua sông Thị Vải dài 3,5 km, với 6 làn xe và các đường dẫn, đường kết nối xuống cảng Phước An. Kinh phí xây cầu từ vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2.879 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt phân bổ vốn.

Để thực hiện Dự án, hơn 13 ha đất sẽ được thu hồi, nằm ở phường Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) và xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Tổng mức bồi thường, hỗ trợ dự kiến hơn 64 tỷ đồng. Hiện, chủ đầu tư tiến hành rà phá bom mìn, kiểm kê và đang chờ khung chính sách để áp giá đền bù; đồng thời hoàn tất thủ tục chuyển đổi đất rừng.

Cầu Phước An khi xây xong sẽ kết nối cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với Đồng Nai và các cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bộ Công Thương kiến nghị dùng ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dân

Giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, hàng loạt tàu cá buộc phải tạm ngừng ra khơi.

Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì giá dầu tăng cao

Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì giá dầu tăng cao

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.

Theo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của các nước sau dịch bệnh Covid-19 nên giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.

Do biên độ biến động giá xăng dầu thế giới quá lớn nên các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước chỉ hạn chế được mức tăng của giá xăng dầu trong nước từ 11/1 đến nay.

Giá xăng dầu ở mức cao đã ảnh hưởng đến công tác kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân. Cụ thể, người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản đã bị tác động lớn dẫn đến phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Cụ thể, nguồn hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân khôi phục trở lại hoạt động vươn khơi, bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách đến hết năm 2022.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng cao.

Chuyên đề