Bản tin thời sự sáng 7/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công an chấn chỉnh việc thu sổ hộ khẩu không đúng quy định; dự kiến áp giá trần với sách giáo khoa; thu hồi dự án nghỉ dưỡng ở Hồ Núi Cốc; Lâm Đồng cấm du lịch tự phát ở nơi nguy hiểm…

Bộ Công an chấn chỉnh việc thu sổ hộ khẩu không đúng quy định

Bộ Công an đã rà soát, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân, theo Trung tướng Tô Ân Xô.

Bộ Công an đã rà soát, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu không đúng quy định

Bộ Công an đã rà soát, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu không đúng quy định

Theo Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt, chỉ thu hồi sổ hộ khẩu khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp.

Theo ông Xô, Luật Cư trú năm 2020 quy định, từ 1/7/2021, cơ quan chức năng không cấp sổ hộ khẩu mới và không cấp lại sổ hộ khẩu. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp; thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Những sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú hết ngày 31/12/2022.

Cuối tháng 8, Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội có công văn hướng dẫn cụ thể về phương thức sử dụng thông tin công dân, thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, trong đó có các giao dịch đất đai.

Dự kiến áp giá trần với sách giáo khoa

Theo phương án Bộ Tài chính đề xuất, nhà xuất bản quyết định giá của sách giáo khoa nhưng không vượt quá mức trần do Nhà nước quy định.

Sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính xây dựng và trong quá trình lấy ý kiến. Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính đề xuất loại bớt 13 hàng hoá, dịch vụ và bổ sung thêm 4 mặt hàng.

Theo đó, sách giáo khoa là 1 trong 4 mặt hàng dự kiến được Nhà nước định giá, bên cạnh dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư (giao đơn vị khai thác), hàng hóa, dịch vụ quốc phòng an ninh và dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trước đó, mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục do Nhà nước định giá và Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương.

Tuy nhiên, với phương án nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể dựa trên mức trần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, một số đại biểu quốc hội đặt ra vấn đề quy định cứng sẽ khiến mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó, danh mục về giá ban hành kèm theo luật hiện chỉ do Quốc hội quyết định, trên thực tế sẽ gặp rất nhiều bất cập nếu có những thay đổi.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, giá sách giáo khoa vào cuối tháng 8 tăng hơn 1%.

Thu hồi dự án nghỉ dưỡng ở Hồ Núi Cốc

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa thu hồi chủ trương đầu tư Dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Hồ Núi Cốc của Tập đoàn Flamingo.

Phối cảnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc

Phối cảnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc

Trước đó, Công ty CP Flamingo Holding Group đã xin chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 19/7. Lý do là Công ty gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và công tác đền bù bởi hiện tượng một số cá nhân mua gom đất đầu cơ, xây dựng trái phép trên các thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch khu nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Dự án không có quỹ đất tái định cư cho cư dân địa phương nên không thể thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai.

Sau khi nghiên cứu đề xuất của Công ty và đề nghị của Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án trên.

Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc có quy mô 22,6 ha, bao gồm nhiều hạng mục như khu biệt thự nghỉ dưỡng, tổ hợp thương mại dịch vụ, khu nhà điều hành, khu du lịch chăm sóc sức khỏe - spa, khu nhà hàng, khu dịch vụ đảo, cảnh quan cây xanh... Tổng số vốn đầu tư Dự án là 2.538 tỷ đồng, thời hạn 50 năm.

Lâm Đồng cấm du lịch tự phát ở nơi nguy hiểm

Sau sự cố nhóm thiếu niên mắc kẹt trong rừng khi đi cắm trại, Lâm Đồng có văn bản chấn chỉnh du lịch tự phát.

Các thiếu niên được giải cứu khi đi du lịch tự phát trong rừng

Các thiếu niên được giải cứu khi đi du lịch tự phát trong rừng

Ngày 6/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng có văn bản gửi các huyện, thành phố trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát các hoạt động du lịch tự phát nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Ngành du lịch Lâm Đồng đề nghị các địa phương không cho phép các công ty lữ hành, du khách tự tổ chức các hoạt động, tham quan dã ngoại ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét... Những khu vực này cần phải đặt biển cảnh báo.

Trong đó, Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cùng những điểm du lịch khác trên địa bàn không được cho các công ty lữ hành tổ chức cắm trại dã ngoại, thể thao, thể thao mạo hiểm... tự phát trong khu vực được giao quản lý khi chưa có chấp thuận của cơ quan chức năng.

Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, phải bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn, đã qua đào tạo về kỹ năng... hướng dẫn và phục vụ du khách, nhất là loại hình du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm. Cùng với đó, các đơn vị phải có số điện thoại đường dây nóng để du khách liên lạc khi gặp sự cố; bố trí lực lượng, phương tiện cũng như cứu hộ.

Các đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại trong rừng, khu vực đồi núi, sông suối... phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Quảng Nam truy quét người đào vàng trái phép

Lực lượng chức năng huyện Phước Sơn đốt lán trại, phá ống nước của những người đào vàng trái phép ở bãi 699 và số 8, xã Phước Thành, sáng 6/9.

Một lán trại bị chặt phá, đốt cháy sáng 6/9

Một lán trại bị chặt phá, đốt cháy sáng 6/9

Đoàn liên ngành gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn và chính quyền xã Phước Thành đã kiểm tra hai bãi vàng trái phép.

Bãi số 8 không có người, chỉ còn một số lán trại, đường ống dẫn nước và một ít dụng cụ phục vụ khai thác vàng. Nhiều máy nổ, máy phát điện, máy hơi đã được tháo rời, di chuyển khỏi hiện trường trước khi nhà chức trách tới.

Cách bãi vàng hơn 300 m, khoảng 15 người đang mắc võng ngủ trong rừng. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ rời đi vào rừng sâu.

Hơn 15 người của đoàn liên ngành đã chặt hạ lán trại, châm lửa đốt cháy, phá hủy ống nước. Kiểm tra quanh khu vực bãi số 8 có nhiều cây gỗ nhỏ, dấu vết mới bị đốn hạ, thân cây sử dụng để dựng lán trại.

Tại bãi vàng 699, Chủ tịch xã Phước Thành Hồ Văn Phức cho biết, ngày 5/9, công an xã đã truy quét. Lán trại bị phá hủy, hiện trường không phát hiện máy nổ, máy xay đất đá.

Ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, thừa nhận việc khai thác vàng trái phép ở bãi 699 và số 8 có một phần trách nhiệm của Ban. Ban có gần 100 người phụ trách hơn 62.000 ha rừng thuộc 12 xã và thị trấn. Bình quân một xã có khoảng 7 người nên không đủ lực lượng để thường xuyên ở lại các bãi vàng trái phép, sau truy quét.

Chuyên đề