Bản tin thời sự sáng 7/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làTP.HCM lắp 5 màn hình lớn trực tiếp bóng đá SEA Games 31; cựu trưởng Công an Tây Hồ bị truy tố nhận hối lộ; tất cả tàu của Metro Số 1 đã về TP.HCM; hạ thủy tàu cao tốc lớn nhất Việt Nam; cựu Chủ tịch và Tổng Giám đốc VEAM hầu tòa ngày 18/5…

TP.HCM lắp 5 màn hình lớn trực tiếp bóng đá SEA Games 31

5 màn hình led kích thước lớn được lắp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phục vụ người hâm mộ xem các trận đấu của tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 31.

Hàng nghìn người hâm mộ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) vỡ òa khi đội U23 Việt Nam thắng Indonesia 3 - 0 ở trận ra quân SEA Games 31 tối 6/5

Hàng nghìn người hâm mộ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) vỡ òa khi đội U23 Việt Nam thắng Indonesia 3 - 0 ở trận ra quân SEA Games 31 tối 6/5

Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết, chi phí tổ chức trực tiếp bóng đá trên phố đi bộ do CLB bóng đá TP.HCM tài trợ. Thành phố yêu cầu người tham gia sự kiện tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Trước mắt, ban tổ chức sẽ phục vụ người hâm mộ bốn trận vòng bảng của Việt Nam với Indonesia (19h ngày 6/5), Philippines (19h ngày 8/5), Myanmar (19h ngày 13/5) và Timor Leste (19h ngày 15/5). Sau đó, nếu thầy trò HLV Park Hang-seo đi tiếp vào bán kết, chung kết, ban tổ chức sẽ tiếp tục phục vụ.

Trong các buổi chiếu, ngoài việc theo dõi hành trình của U23 Việt Nam, người hâm mộ còn được giao lưu với các chuyên gia bóng đá và các hoạt động giải trí bên lề khác...

Việc trực tiếp bóng đá ở phố đi bộ Nguyễn Huệ là sự kiện ngoài trời thu hút đông đảo người dân. Tuy nhiên, hơn hai năm qua, hoạt động này bị ngưng để phòng dịch. Lần gần nhất, TP.HCM tổ chức phục vụ bóng đá tại đây là SEA Games 30 cuối năm 2019 - lần U23 Việt Nam đoạt HC vàng ở Philippines.

Cựu trưởng Công an Tây Hồ bị truy tố nhận hối lộ

Cựu đại tá Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội) bị cáo buộc nhận hối lộ 110 triệu đồng để tha cho nghi can.

Cựu đại tá Phùng Anh Lê. Ảnh: ANTĐ

Cựu đại tá Phùng Anh Lê. Ảnh: ANTĐ

Ông Phùng Anh Lê vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ, theo Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 7 - 15 năm tù. Ông Lê trước đó bị bắt để điều tra về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, tuy nhiên trong giai đoạn truy tố VKS đã đổi tội danh.

Các thuộc cấp khác của ông Lê ở Công an Tây Hồ là Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng cảnh sát hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu Đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị truy tố về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, theo Khoản 1 Điều 378 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo cáo trạng, tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài ra đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền mình. Khi xác minh, điều tra viên đội hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội khác nên đề xuất tạm giữ để điều tra và bắt các nghi phạm liên quan.

Tài bị tạm giữ 4 ngày nhưng người thân của anh ta tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị can Lê) nhờ giúp đỡ. Ông Bảy sau đó đặt vấn đề và được Lê đồng ý thả Tài với điều kiện nộp 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của bị can Lê, giao tiền.

Nhận tiền xong, ông Lê yêu cầu Châu chỉ đạo Trung phải giao Tài cho Ngọc. Nghi phạm Tài sau đó được thả vào khoảng 0 giờ ngày 23/9/2016, chưa đầy một ngày sau khi bị tạm giữ.

Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội Cướp tài sản. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp dần bị phanh phui.

Tất cả tàu của Metro Số 1 đã về TP.HCM

Hơn một tuần vận chuyển trên biển, hai đoàn tàu cuối cùng (6 toa) trong tổng số 17 tàu của Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cập cảng Khánh Hội, Quận 4, sáng 6/5.

Toa tàu Metro Số 1 hạ tải xuống cảng Khánh Hội, trưa 6/5.

Toa tàu Metro Số 1 hạ tải xuống cảng Khánh Hội, trưa 6/5.

Tàu biển chở 6 toa metro rời cảng Kudamatsu (Nhật Bản) hôm 28/4. Mỗi toa dài 21 m, rộng 3 m, cao gần 4 m, được hạ tải xuống cảng Khánh Hội vào trưa nay rồi đưa về depot Long Bình (TP. Thủ Đức), cách đó hơn 25 km, để ráp thành đoàn tàu hoàn chỉnh, dài gần 62 m.

Các đoàn tàu thuộc Metro Số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm, sơn màu chủ đạo xanh dương. Tàu ba toa chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng), có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật; ghế ưu tiên phụ nữ mang thai, người già... Buồng lái được bố trí ở hai đầu tàu, rộng bằng toa xe, có cửa thoát hiểm ở trước.

Tại Nhật Bản, các tàu được nhà thầu Hitachi cho chạy thử, kiểm tra kỹ thuật trước khi đưa về TP.HCM. Trước đó từ tháng 10/2020, tuyến metro nhập về đoàn tàu đầu tiên, đến nay đã đưa về toàn bộ 17 tàu, chờ triển khai chạy thử.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư), nói hai đoàn tàu cuối cùng về TP.HCM đánh dấu dự án Metro Số 1 chuyển qua giai đoạn mới, tập trung công tác thử nghiệm hệ thống, thử tàu... trước khi vận hành thương mại vào cuối năm sau.

Metro Số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đạt hơn 90% khối lượng. Toàn tuyến có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.

Hạ thủy tàu cao tốc lớn nhất Việt Nam

Sáng 6/5, tàu cao tốc Thăng Long 4 tầng, trị giá gần 200 tỷ đồng, được hạ thủy tại Nhà máy Z189, khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).

Tàu Thăng Long trước khi hạ thủy

Tàu Thăng Long trước khi hạ thủy

Công ty TNHH MTV 189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã tổ chức lễ hạ thủy tàu Thăng Long. Đây là tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam được đóng mới tới hiện tại, sức chở 1.017 khách.

Tàu sẽ hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, rút ngắn thời gian người dân và du khách từ đất liền ra đảo còn khoảng 180 phút (hiện là 210 - 240 phút).

Theo Công ty 189, tàu làm bằng hợp kim nhôm nhập khẩu từ Italy, dài 77,46 m, rộng 11 m, mớn nước 2,2 m với 4 tầng (ba tầng khoang khách và tầng trên cùng làm Café Rooftop). Sử dụng động cơ Rolls-Royce MTU của Đức, tàu đạt vận tốc tối đa 55,5 km/h, tổng công suất 11.580 mã lực, chịu được sóng gió cấp 7.

Mũi tàu Thăng Long được thiết kế đặc biệt, tựa con dao găm, giúp tăng thêm sự ổn định, giảm tối đa lắc dọc khi tàu hoạt động trên biển.

Được khởi công đóng mới vào tháng 8/2020, theo kế hoạch tàu sẽ được bàn giao vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến tiến độ đóng, hoàn thành bị chậm. Dự kiến tàu sẽ được hoàn tất, bàn giao vào đầu tháng 6.

Cựu Chủ tịch và Tổng Giám đốc VEAM hầu tòa ngày 18/5

Theo thông tin từ TAND TP. Hà Nội, ngày 18/5 tới đây sẽ đưa 17 bị cáo trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM hầu tòa.

Bị can Trần Ngọc Hà (trái, cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng giám đốc VEAM) và Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM)

Bị can Trần Ngọc Hà (trái, cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng giám đốc VEAM) và Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM)

Trong vụ án, các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM); Lâm Chí Quang (nguyên Tổng Giám đốc VEAM); Vũ Từ Công (nguyên Kế toán trưởng VEAM); Đào Quốc Việt (nguyên Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại VEAM – Vetranco) và 15 bị cáo liên quan cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (nguyên Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đề nghị lắp 5 trạm quan sát động đất ở Kon Tum

Chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị hai công ty thuỷ điện ở địa bàn lắp thêm 5 trạm quan sát để theo dõi chính xác, đầy đủ các trận động đất đang gia tăng.

Người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông thường xuyên hứng chịu động đất.

Người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông thường xuyên hứng chịu động đất.

Yêu cầu được UBND tỉnh Kon Tum gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh, ngày 6/5.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh lắp mới ba trạm quan sát tại thủy điện Thượng Kon Tum và kết hợp ba trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu quản lý.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh lắp đặt, cấp kinh phí cho hai trạm quan sát động đất, kết nối với 6 trạm quan sát ở khu vực thủy điện Thượng Kon Tum.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh động đất ở Kon Tum gia tăng thời gian gần đây. Phần lớn dư chấn đều tập trung ở huyện Kon Plông - địa bàn xây dựng hai công trình thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh.

Ngày 19/4, họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nhận định động đất ở Kon Tum thời gian qua liên quan việc tích nước của các hồ chứa thủy điện. Đơn cử, rung chấn ở huyện Kon Plông xảy ra sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.

Theo ông Anh, từ năm 2020, Viện Vật lý địa cầu thiết lập trạm quan trắc ở Kon Tum để cảnh báo nguy hiểm. Với số lần động đất gia tăng, địa phương cần lắp thêm nhiều trạm nhằm thu thập số liệu, nghiên cứu chi tiết, có hệ thống...

Hơn một năm qua, động đất ở Kon Tum tăng khoảng 5 lần so với tổng số trận xảy ra trong 120 năm.

Chuyên đề