Bản tin thời sự sáng 5/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là những người Việt đầu tiên tại Ukraine sẽ về đến Nội Bài vào ngày 7/3; dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào tháng bảy; không thu phí thủ công ở các trạm phí BOT từ ngày 1/6; đề xuất đầu tư gần 120 tỷ đồng kết nối xe buýt với Metro số 1…

Những người Việt đầu tiên tại Ukraine sẽ về đến Nội Bài vào ngày 7/3

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết dự kiến chuyến bay đầu tiên đón người Việt tại Ukraine sẽ khởi hành sáng 6/3. Đến trưa 7/3 sẽ về đến Nội Bài, chậm hơn 1 ngày so với dự kiến ban đầu.

Dự kiến Vietnam Airlines sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên đón người Việt tại Ukraine về nước.

Dự kiến Vietnam Airlines sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên đón người Việt tại Ukraine về nước.

Chiều tối 4/3, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến chuyến bay đầu tiên đón người Việt tại Ukraine sẽ khởi hành vào sáng 6/3.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn, hiện nay có khoảng 430 người có nguyện vọng về nước từ Romania (dự kiến 590 người sẽ sang Romania, trong đó 370 đã đến Romania và 220 người đang trên đường từ Moldova qua).

Có 750 công dân từ Ukraine nhập cảnh Ba Lan, tuy nhiên số lượng người có nguyện vọng về nước chỉ khoảng 100 người, số còn lại muốn đi nước thứ ba hoặc quay về Ukraine khi tình hình ổn định.

Từ đây, ông Sơn cho biết dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ đón hành khách từ Romania. Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang lập kế hoạch xuất phát từ Hà Nội vào sáng 6/3, quay trở về Việt Nam vào trưa 7/3.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Romania có công hàm gửi các cơ quan chức năng để hỗ trợ.

Thông tin thêm, ông Sơn cho hay hiện nay số lượng công dân có nhu cầu về nước từ Ba Lan chưa nhiều nên có khả năng chuyến bay từ Ba Lan sẽ được điều chỉnh ngày bay nếu thiếu nhiều người.

Dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào tháng bảy

Do thời gian kết thúc năm học đối với lớp 12 tại một số địa phương có thể phải kéo dài đến hết tháng sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng bảy.

Dự kiến thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào tháng bảy

Dự kiến thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào tháng bảy

Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới như mọi năm.

Đối với đề thi minh họa, bộ sẽ công bố để thí sinh tham khảo. Tuy nhiên, cho rằng do quy chế không thay đổi, trong lúc chờ đề minh họa của năm nay, thí sinh có thể tham khảo đề minh họa năm 2021.

Trước đó, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp, thời gian dự kiến ban đầu là cuối tháng sáu. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các sở GD&ĐT, trong đó có cho phép riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021 - 2022 trước 30/6.

Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức trong tháng bảy. Việc thi 1 đợt hay 2 đợt, theo Bộ GD&ĐT, sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, Bộ sẽ có thông báo kịp thời.

Không thu phí thủ công ở các trạm phí BOT từ ngày 1/6

Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí không dừng, đảm bảo đủ điều kiện để không thu phí thủ công từ 1/6/2022.

Phương tiện lưu thông vào làn thu phí tự động không dừng.

Phương tiện lưu thông vào làn thu phí tự động không dừng.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu sở giao thông tận tải các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT triển khai nhanh dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC).

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ phương tiện ôtô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng các điểm dịch vụ dán thẻ; tổ chức dán thẻ trực tiếp tại trụ sở các cơ quan, ban ngành, địa phương, các khu chung cư; công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ dán thẻ để tạo thuận tiện cho người sử dụng…

Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện tối đa cho nhà cung cấp dịch vụ triển khai công tác dán thẻ tại các trạm thu phí; lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng các làn thu phí còn lại bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp và hoàn thành trong quý 1/2022.

Đề xuất đầu tư gần 120 tỷ đồng kết nối xe buýt với Metro số 1

Xung quanh nhà ga Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ làm các công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm dừng xe buýt... giúp khách dễ tiếp cận, thuận tiện đi lại.

Ga Tân Cảng - một trong 11 ga trên cao của tuyến Metro Số 1

Ga Tân Cảng - một trong 11 ga trên cao của tuyến Metro Số 1

Đề xuất nói trên nêu trong chủ trương đầu tư dự án tăng khả năng kết nối xe buýt với Metro số 1 vừa được Sở Giao thông Vận tải báo cáo HĐND TP.HCM.

Dự án có tổng mức đầu tư 118,5 tỷ đồng, xây các công trình hạ tầng cho xe buýt kết nối nhà ga Metro số 1, phục vụ trung chuyển khách. Xung quanh 11 ga trên cao của tuyến Metro dọc xa lộ Hà Nội sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe cá nhân; bổ sung lối đi bộ... Riêng khu vực nhà ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được xây thêm bãi đậu rộng hơn 1.600 m để các xe buýt sau khi đón trả khách trước nhà ga đến bãi chờ tài.

Metro số 1 hiện đạt khoảng 89% khối lượng, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2023. Do vậy Sở Giao thông Vận tải đánh giá hạ tầng kỹ thuật cần sớm đồng bộ để người dân dễ dàng tiếp cận các nhà ga thông qua xe buýt, giúp tuyến metro đầu tiên hoạt động hiệu quả. Công trình dự tính thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024.

Ngoài giải pháp trên, để hỗ trợ Metro số 1 khi khai thác, TP.HCM trước đó tính toán các phương án như liên thông hệ thống thẻ vé điện tử thông minh cho Dự án; tổ chức giao thông đô thị dọc tuyến metro theo hướng ưu tiên giao thông công cộng; kinh doanh giúp Metro số 1 tăng thu khi vận hành...

Đề xuất hỗ trợ máy tính bảng cho hộ nghèo có thành viên đang theo học

Hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xã hội có thành viên đang theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, sẽ được nhận máy tính bảng.

Học sinh học trực tuyến tại nhà

Học sinh học trực tuyến tại nhà

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích kèm theo, đến năm 2025. Trong đó, Bộ đề xuất mỗi gia đình được hỗ trợ máy tính bảng một lần; đảm bảo đúng thứ tự ưu tiên.

Các hộ gia đình được nhận máy tính bảng nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện, gồm: hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình chính sách xã hội; có thành viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; có nhu cầu nhận hỗ trợ máy tính bảng; chưa nhận hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến (máy tính để bàn, xách tay, máy tính bảng) từ các chương trình, dự án khác.

Việc hỗ trợ máy tính bảng được ưu tiên theo địa bàn, trước hết là xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; xã đảo, huyện đảo; các xã còn lại.

Thứ tự ưu tiên theo hộ gia đình, trước hết là hộ nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội đến hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội, hộ cận nghèo...

Cuối năm 2021, Thủ tướng phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, trong đó nêu mục tiêu hỗ trợ 800.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và nhóm đặc biệt khác trang bị đầu cuối phục vụ học tập, thông tin liên lạc...

Nộp hơn 800 triệu đồng vì khai thác vàng trái phép

Ông Phạm Văn Phong bị xử phạt hành chính và nộp lại số tiền tổng cộng gần 840 triệu đồng vì khai thác vàng trái phép tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Cơ sở khai thác vàng lậu của Phong.

Cơ sở khai thác vàng lậu của Phong.

Ngày 4/3, ông Phạm Văn Phong bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt 200 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020 của Chính phủ và buộc nộp lại hơn 637 triệu đồng (tương đương giá trị tang vật vi phạm) theo Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi; bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Ngoài ra, ông Phong phải cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác trong 60 ngày.

Trước đó, Công an huyện Đức Trọng phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Đà Loan. Ông Phong bị phát hiện thuê nhiều người sử dụng máy móc, thiết bị để khai thác quặng vàng dù không có giấy phép.

Cơ quan chức năng lập biên bản thu giữ 90 m3 khoáng sản nguyên khai (tương đương 130 tấn), 5 máy bơm, máy sàng, 180 m ống dẫn nước... cùng nhiều tang vật liên quan.

Tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra thường xuyên trên địa bàn huyện Đức Trọng (giáp ranh tỉnh Bình Thuận). Công an Lâm Đồng nhiều lần truy quét, song vẫn chưa giải quyết dứt điểm vì địa bàn nằm sâu trong rừng, ít người qua lại.

Chuyên đề