Bản tin thời sự sáng 30/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cấp xác nhận nơi sinh cho người Việt mang hộ chiếu mẫu mới tại Đức; tách riêng làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi từ ngày 6/8; tiếp tục khởi tố 6 bị can vụ vi phạm đấu giá tài sản ở Yên Bái; xin dừng tàu cao tốc Đà Nẵng - Lý Sơn…

Cấp xác nhận nơi sinh cho người Việt mang hộ chiếu mẫu mới tại Đức

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ cấp xác nhận về nơi sinh để xuất trình kèm hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân nhằm tháo gỡ vướng mắc về quy định visa.

Hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới có màu xanh tím than

Hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới có màu xanh tím than

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức ngày 29/7 thông báo trên website sẽ "cấp miễn phí xác nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để xuất trình kèm hộ chiếu", nhằm tạo điều kiện cho công dân được làm giấy phép cư trú và các thủ tục hành chính khác với giới chức nước sở tại.

Theo thông báo, người yêu cầu cần có đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu trước đây.

Đại sứ quán Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực trao đổi để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc Đức tạm thời không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam.

Thông báo được đưa ra sau khi Đại sứ quán Đức ở Việt Nam ngày 27/7 cho biết những người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam màu xanh tím than theo mẫu mới có số serial bắt đầu bằng chữ "P" sẽ không thể nộp hồ sơ xin thị thực loại C hoặc D để nhập cảnh Đức.

Cơ quan này giải thích hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam chưa được Đức công nhận và không thể cấp thị thực do thiếu thông tin về nơi sinh, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xác minh.

Theo Đại sứ quán Đức, điều này buộc cơ quan chức năng Đức khi kiểm tra hộ chiếu Việt Nam mẫu mới trong quá trình kiểm soát xuất nhập cảnh và kiểm tra trong nước sẽ luôn phải đối chiếu thủ công với danh sách dài 7 trang, trong khi không phải người làm nhiệm vụ nào cũng có danh sách đó.

Tách riêng làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi từ ngày 6/8

Từ ngày 6/8, Sở Giao thông Vận tải thành phố tổ chức thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng.

Biển báo phân làn trên đường Nguyễn Trãi hiện tại

Biển báo phân làn trên đường Nguyễn Trãi hiện tại

Theo phương án công bố ngày 29/7, hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3 - 4 làn sát dải phân cách giữa dành cho ôtô. Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Thời gian thí điểm từ ngày 6/8 đến 6/9, sau đó Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo.

Tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến - nút giao hầm chui Thanh Xuân) dài 2,1 km, rộng 19 - 23 m, có 5 làn xe mỗi chiều (một số đoạn rộng có 6 làn xe).

Nguyễn Trãi là tuyến đường huyết mạch phía Tây Nam Thủ đô, kết nối với quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Hiện tại, tuyến đường có 2 làn ôtô được bố trí sát dải phân cách cứng ở giữa, 2 làn xe hỗn hợp và một làn xe máy - xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân chia bằng vạch sơn, biển báo. Vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên ùn tắc, ôtô, xe máy đan xen rất khó di chuyển.

Tiếp tục khởi tố 6 bị can vụ vi phạm đấu giá tài sản ở Yên Bái

Ngày 29/7, Công an tỉnh Yên Bái thông tin, đơn vị đã ra quyết định khởi tố 6 bị can liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái thi hành lệnh khám xét trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Trường Phát

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái thi hành lệnh khám xét trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Trường Phát

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định khởi tố đối với 4 bị can là nhân viên của Công ty Đấu giá hợp danh Trường Phát (Công ty Trường Phát) cùng về tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Các bị can gồm: Trần Thị Thanh Thúy (trú tại phường Nguyễn Phúc); Đào Thị Linh (trú tại phường Yên Ninh); Trần Thị Thanh Huyền (trú tại phường Hợp Minh, cùng ở TP. Yên Bái) và Nguyễn Vũ Vương Anh (trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Đây là những người có hành vi thông đồng với một số đối tượng bên ngoài để dìm giá, đưa tới cuộc đấu giá không minh bạch, không công bằng và khách quan, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những khách hàng khác và gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Cùng ngày và cùng tội danh trên, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 2 bị can Nguyễn Kim Thao (trú tại phường Nguyễn Phúc) và Trần Ngọc Toàn (trú tại phường Nguyễn Thái Học, cùng TP. Yên Bái).

Thao và Toàn móc nối với nhân viên Công ty Trường Phát để thực hiện các hành vi vi phạm các quy định về đấu giá tài sản.

Xin dừng tàu cao tốc Đà Nẵng - Lý Sơn

Sau bốn tháng khai trương với 4 chuyến, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc xin dừng tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn đến cuối năm 2022 do ít khách và thời tiết xấu.

Tàu cao tốc Trưng Trắc chở khách trên sông Hàn

Tàu cao tốc Trưng Trắc chở khách trên sông Hàn

Ngày 29/7, bà Ngũ Thị Diệu Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) cho biết, việc xin dừng để chờ tình hình du lịch khởi sắc. Trước đó, tàu sức chứa hơn 600 khách nhưng trung bình mỗi chuyến chỉ 100 người đi. Chưa kể tàu chạy trên tuyến thường sóng ngang tốn nhiều nhiên liệu.

Ngoài xin tạm ngưng chạy, hãng xin chủ trương dời điểm khởi hành từ cảng Sông Hàn sang trạm biên phòng CT 15 ở bán đảo Sơn Trà để rút ngắn hải trình. Việc này nếu được chấp thuận, thời gian chạy tàu được rút ngắn vài chục phút so với trước, khách đỡ mệt mỏi.

Hồi tháng 3, Phú Quốc Express khai thác tuyến đường thủy 135 km từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn, với thời gian khoảng 150 phút. Tàu đưa vào khai thác dài 44,7 m, rộng 12,2 m, vận tốc lớn nhất 33 hải lý một giờ. Được kỳ vọng sẽ phát triển du lịch, song có ý kiến việc khai thác sẽ gặp khó khăn do lộ trình dài, giá vé cao, tàu đi ngược gió.

Dời thêm 75 tuyến về bến xe Miền Đông mới từ tháng 10

TP.HCM dự kiến dời 75 tuyến ôtô khách sang bến xe Miền Đông mới, nâng tổng số tuyến tại đây lên gần 100, nhằm phát huy hiệu quả bến xe lớn nhất nước.

Sau hai năm hoạt động, bến xe mới vắng khách do xa trung tâm, đi lại chưa thuận tiện

Sau hai năm hoạt động, bến xe mới vắng khách do xa trung tâm, đi lại chưa thuận tiện

Phương án dời các tuyến xe khách cố định từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua bến mới được Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư) gửi UBND TP.HCM. Trước đó, bến xe mới khi khai thác hồi tháng 10/2020 có 22 tuyến chạy trên cự ly từ Quảng Trị ra Bắc (từ 1.100 km trở lên).

Theo Samco, 75 tuyến này có gần 1.700 xe, chiếm hơn 50% tổng số tuyến hoạt động ở bến xe Miền Đông cũ. Sau khi chuyển qua bến mới thời gian dự tính vào ngày 11/10, các xe sẽ chạy tất cả tuyến từ TP.HCM hướng ra Bắc, trừ quốc lộ 14 đi Tây Nguyên. Hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.

Bến xe Miền Đông mới có tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, trên diện tích 16 ha thuộc TP. Thủ Đức và một phần TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, kết hợp nhiều dịch vụ như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; trạm tiếp nhiên liệu; giao dịch hàng hóa, thương mại...

Tuy nhiên sau gần hai năm hoạt động, bến luôn trong tình trạng vắng khách do cách trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ ở nội đô vẫn còn.

Chuyên đề