Bản tin thời sự sáng 29/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phát hiện quả bom nặng 340 kg tại công trình ở phố Cửa Bắc; cầu vượt Dầu Giây xây gần 4 năm chưa xong; gần 70% các hộ dân Quận 1 giao mặt bằng làm nhà ga Metro số 2; hai phó giám đốc sở tại Phú Yên bị cáo buộc tiết lộ đề thi công chức, sửa điểm thi; Nghệ An kiến nghị dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập…

Hà Nội: Phát hiện quả bom nặng 340 kg tại công trình ở phố Cửa Bắc

Một quả bom nặng 340 kg vừa được phát hiện tại công trình thi công ở số 15 Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) vào ngày 28/11.

Quả bom được phát hiện tại công trình thi công tại số 15 Cửa Bắc

Quả bom được phát hiện tại công trình thi công tại số 15 Cửa Bắc

Tối ngày 28/11, lãnh đạo quận Ba Đình (TP. Hà Nội) cho biết, trong lúc công nhân thi công tại công trình trụ sở Công ty Truyền tải điện 1, địa chỉ số 15 Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đã phát hiện một quả bom nặng khoảng 340 kg chưa phát nổ.

Quả bom có đường kính 35 cm, dài hơn 100 cm, nằm sâu 2 m dưới nền móng trụ sở Công ty Truyền tải điện 1. Máy xúc đã đào trúng và đưa lên khỏi mặt đất quả bom còn nguyên vẹn, sau đó các công nhân đã hạ bom lại vị trí cũ.

Vụ việc được phát hiện vào lúc 14h30 ngày 28/11. Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND phường Trúc Bạch đã triển khai lực lượng dân quân khoanh vùng bảo vệ hiện trường, ứng trực 24/24 và phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự quận Ba Đình để kiểm tra và báo cáo Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Đồng Nai: Cầu vượt Dầu Giây xây gần 4 năm chưa xong

Khởi công từ đầu năm 2017, cầu vượt Dầu Giây thi công dở dang trở thành "điểm đen" tai nạn giao thông, làm đảo lộn cuộc sống người dân khu vực.

Cầu vượt Dầu Giây sau gần 4 năm khởi công

Cầu vượt Dầu Giây sau gần 4 năm khởi công

Dự án cầu vượt Dầu Giây tại điểm giao Quốc lộ 1 - Quốc lộ 20 - Tỉnh lộ 769 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) do Công ty CP BT 20 - Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Công trình gồm xây cầu vượt dọc theo Quốc lộ 1, dài hơn 350 m, rộng 16 m, 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng hai bên Quốc lộ 1 (dọc theo cầu vượt) có 4 làn xe. Mục tiêu của Dự án là giải quyết "điểm đen" ùn tắc giao thông tại ngã tư.

Theo kế hoạch, 1 năm sau khởi công công trình sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến nay, phần cầu chính mới hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Các nhánh rẽ và mở rộng mặt đường ở hai bên quốc lộ cũng như các hệ thống phụ trợ khác vẫn chưa xong. Hiện công trường kéo dài khoảng 1 km.

Ông Hoàng Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc Công ty BT 20 - Cửu Long cho biết, Dự án chậm tiến độ do thiếu vốn khi bị đội thêm 134 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, đang tích cực huy động các nguồn vốn để có thể thông xe cầu vượt Dầu Giây trước Tết Nguyên đán 2021, nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông tại đây.

TP.HCM: Gần 70% các hộ dân Quận 1 giao mặt bằng làm nhà ga Metro số 2

Gần 70% các hộ dân tại Quận 1 bị ảnh hưởng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã giao "đất vàng" cho Dự án, phần còn lại dự kiến đến cuối năm hoàn tất.

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám gần giao lộ Sương Nguyệt Ánh, Quận 1, vài tuần qua lần lượt lùi sâu để giao mặt bằng chờ xây ga ngầm Tao Đàn thuộc Dự án Metro số 2.

Dự án Metro số 2 đi qua Quận 1 khoảng 1 km và phần giải phóng mặt bằng chủ yếu tại ga Tao Đàn cùng đoạn đào hở Bến Thành - Tao Đàn, kết nối vào ga chính Bến Thành.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc tuyến Metro số 2 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - Chủ đầu tư), cho biết, việc giải phóng mặt bằng tại 5 quận còn lại Dự án đi qua gồm: 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú cũng được đẩy nhanh. Hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng chung của toàn Dự án đạt gần 72%, với 433 trong tổng 603 hộ bị ảnh hưởng đã giao.

Tuyến Metro số 2 dài hơn 11 km với tổng mức đầu tư 47.800 tỷ đồng. Dự án có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và một depot tại Tham Lương, Quận 12. Hiện 4 ga đã có mặt bằng sạch gồm: Bà Quẹo (Tân Bình), Lê Thị Riêng (Quận 10), Phạm Văn Bạch và Tân Bình. Trong đó, Tân Bình là ga trên cao duy nhất của tuyến.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm nay, để khởi công năm 2021 và hoàn thành, khai thác năm 2026.

Phú Yên: Hai phó giám đốc sở bị cáo buộc tiết lộ đề thi công chức, sửa điểm thi

Cựu Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Dũng; nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Trần Doãn Xuân bị cáo buộc tiết lộ đề, sửa điểm thi công chức.

Ông Phạm Văn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nghe đọc quyết định khởi tố hồi tháng 2

Ông Phạm Văn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nghe đọc quyết định khởi tố hồi tháng 2

Công an tỉnh Phú Yên vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố ông Dũng về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; truy tố ông Xuân về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

13 bị can khác nguyên là cán bộ Sở Nội vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh... bị cáo buộc một trong hai tội danh trên và tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành soạn đề thi tuyển công chức vào 24 nhóm ngành thuộc cơ quan, đơn vị của Tỉnh. Một năm sau, Hội đồng thi thành lập Ban ra đề thi với 22 thành viên, do ông Dũng đứng đầu và làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Tuy nhiên, có 18 thành viên trong Ban không được ông này mời tham gia xây dựng, hoàn chỉnh đề thi.

Theo cơ quan điều tra, là Trưởng ban nhưng ông Dũng không tham gia soạn thảo, chỉnh sửa, bảo quản, bảo mật và không biết nội dung đề thi mà giao cho Lê Tuấn (Trưởng phòng Tổ chức Sở Nội vụ - ủy viên kiêm thư ký Hội đồng thi, ủy viên Ban ra đề thi).

Hai người này sau đó chuyển toàn bộ đề thi cùng tài liệu cho Vũ Thị Thu Hòa cùng 2 chuyên viên khác của Sở (không là thành viên Ban ra đề thi) để chỉnh sửa, hoàn thiện, dẫn đến sai phạm, lộ đề thi và đáp án mà Hội đồng thi chuẩn bị.

Đối với Trần Doãn Xuân, cơ quan điều tra xác định, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (ủy viên Ban chấm thi) đã nâng điểm và sửa điểm trên bài.

Liên quan đến vụ án, Công an tỉnh Phú Yên kiến nghị cơ quan chức năng xử lý kỷ luật ông Võ Đức Thơ (Giám đốc Sở Nội vụ), Đặng Văn Nhiên (Chánh Thanh tra Sở Nội vụ), Nguyễn Quốc Khánh (Phó chánh Thanh tra tỉnh), Lương Công Ninh (Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị); Nguyễn Sơn (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông). Cơ quan điều tra cũng kiến nghị UBND Tỉnh hủy bỏ kết quả thi tuyển công chức của 13 bài có tác động sửa chữa, nâng điểm; 9 bài có dấu vết sửa, chọn lại đáp án.

Nghệ An kiến nghị dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập

Sau 11 năm, Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và 2 vẫn chưa được triển khai xây dựng, đồng thời việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương nên Nghệ An kiến nghị dừng dự án.

11 năm qua, khu đất xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và 2 vẫn để trống

11 năm qua, khu đất xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và 2 vẫn để trống

Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đề nghị kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và 2 tại thị xã Hoàng Mai, đồng thời đưa 2 dự án này ra khỏi Quy hoạch điện VII và Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất nội dung này.

Theo đó, Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm vào năm 2009 trên diện tích 283 ha, quy mô 2.400 MW. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2.

Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có tính đến năm 2030 thì Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, công suất 1.200 MW do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư) sẽ vận hành vào năm 2022.

Từ 1/12, dừng miễn phí đường bộ cho phương tiện cứu trợ bão lũ

Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng miễn phí đường bộ cho xe cứu trợ bão lũ miền Trung từ ngày 1/12.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu xử nghiêm các đối tượng lợi dụng chở hàng cứu trợ bão lũ miền Trung để được miễn thu phí đường bộ. Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ yêu cầu xử nghiêm các đối tượng lợi dụng chở hàng cứu trợ bão lũ miền Trung để được miễn thu phí đường bộ. Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các cục quản lý đường bộ khu vực phối hợp với cơ quan chức năng xử nghiêm hành vi lợi dụng vận chuyển hàng cứu trợ đồng bào miền Trung để không phải nộp phí đường bộ.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu nhà đầu tư BOT, VEC miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ khi đi qua trạm thu phí.

Việc miễn phí cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa cứu trợ được nhanh chóng đến các tỉnh miền Trung, giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cho biết, theo báo cáo, có một số đoàn xe treo, dán băng rôn có dòng chữ đi hỗ trợ đồng bào miền Trung nhưng không vận chuyển hàng hóa cứu trợ, hoặc các phương tiện xin giấy tờ của các tổ chức không có thẩm quyền xác nhận việc đi cứu trợ để đi qua trạm thu phí nhiều lần, không chịu mua vé qua trạm...

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu dừng ngay việc miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện cứu trợ bão lũ kể từ ngày 1/12/2020. Việc miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ thực hiện theo Thông tư 35/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

TP.HCM: Đề xuất thêm nhà ga tại Metro số 3A

Tuyến Metro Bến Thành - Tân Kiên (Metro số 3A) dài 20 km được đề xuất làm thêm ga Khu y tế kỹ thuật cao ngay từ năm 2026, thay vì phải chờ sau năm 2029.

Lộ trình tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) đi qua 8 quận, huyện

Lộ trình tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) đi qua 8 quận, huyện

Theo đó, sau khi khảo sát, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận thấy, tại khu vực C11 - Khu y tế kỹ thuật cao có các chung cư như Imperial Place (633 đường Kinh Dương Vương), Trung tâm thương mại Aeon Mall, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, Bệnh viện Gia An 115.

Ngoài ra, trong 10 năm tới, khu vực này đưa vào khai thác 4 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Ung Bướu và Y học hạt nhân... Do đó, chính quyền Thành phố cho rằng, bổ sung ga C11 - Khu y tế kỹ thuật cao ngay giai đoạn 1 của Dự án phù hợp với tình hình thực tế thay vì xây dựng ở giai đoạn 2 (sau năm 2029).

Sau khi bổ sung ga C11, tuyến Metro số 3A giai đoạn 1 (Bến Thành - Khu y tế kỹ thuật cao) dài 11 km (trước là 9,9 km), có 11 ga, với tổng mức đầu tư hơn 2,06 tỷ USD (trước đó hơn 1,93 tỷ USD).

Giai đoạn 2, Metro số 3A sẽ kéo dài từ Khu y tế kỹ thuật cao đến Tân Kiên với 7 nhà ga, chiều dài gần 8,6 km với tổng đầu tư 1,024 tỷ USD (trước là 1,154 tỷ USD). Tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn không thay đổi, khoảng 3,085 tỷ USD (71.600 tỷ đồng), sử dụng phần lớn vốn vay Chính phủ Nhật Bản.

UBND Thành phố đánh giá, Metro số 3A là một trong những tuyến huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong vận tải hành khách công cộng của Thành phố. Sau khi hoàn thành, tuyến kết nối trực tiếp với Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam của Thành phố.

Chuyên đề