Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng một lần
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân còn 2 tháng thay vì 3 tháng/lần như hiện nay.
Hiện nay, giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần |
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Như vậy, dự kiến mỗi năm sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt thay đổi giá như hiện nay, theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng 5 - 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo cũng bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) tại ngày 30/9 của 5 năm liền kề trước đó.
Hàng năm, EVN có trách nhiệm công bố công khai chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác...
Dự kiến triển khai Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ tháng 4/2025
Chủ đầu tư dự kiến triển khai Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) quy mô 2.870 ha từ tháng 4/2025 và hoàn thành vào năm 2030.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ dự kiến có quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM |
Thông tin này được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang tham vấn ý kiến của Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Dự án này có quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư dự kiến thực hiện Dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này có thể hoàn thành vào năm 2030.
Khu đô thị trên gồm 4 phân khu A, B, C và D-E. Trong đó khu A rộng nhất với 950 ha, gồm các mặt giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh) và thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch, khu vực cửa ngõ Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Phân khu B gần 660 ha có một mặt giáp biển Đông, còn lại giáp đường nội bộ ven biển Khu du lịch 30/4. Phân khu này sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng), cây xanh đô thị và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Phân khu C khoảng 318 ha với hai mặt giáp biển được quy hoạch khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại (biệt thự, liên kề, chung cư). Còn lại hơn 930 ha (diện tích cây xanh, mặt nước) dự kiến hình thành khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại như nhà liền kề, biệt thự.
Khu đô thị lấn biển trên dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 282.800 tỷ đồng. Phần lấn biển cần khoảng 65.600 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ đồng, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc khoảng 184.700 tỷ đồng.
Khi hình thành, Dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người, gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.
Là địa phương duy nhất tiếp giáp biển, Cần Giờ được biết đến như "lá phổi xanh" của TP.HCM với khu dự trữ sinh quyển thế giới. 30 năm tới, Thành phố muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.
Thu nhập bình quân lao động năm 2024 đạt 8,5 triệu đồng
Năm 2024, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt 8,5 triệu đồng, tăng 1,9 triệu so với năm 2020.
Giờ vào ca của công nhân Tổng công ty May 10, Hà Nội |
Trong báo cáo tổng kết ngày 27/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không lý giải cụ thể mức thu nhập tăng, song nhìn chung phần tăng chủ yếu do điều chỉnh lương cơ sở và lương tối thiểu vùng.
Giai đoạn 2020 - 2024, lương cơ sở khu vực nhà nước điều chỉnh 2 lần vào tháng 7/2023 và tháng 7/2024, từ 1,49 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp cũng có 3 lần điều chỉnh vào các năm 2020, 2022 và 2024, mức tăng gần nhất hồi tháng 7/2024 là 6%.
Đến ngày 18/12/2024, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 900.700 lao động, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15%; người được hỗ trợ học nghề là 23.300, tăng trên 8%.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động phục hồi song vẫn thiếu hụt nhẹ tại một số địa bàn trọng yếu có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, chủ yếu cần công nhân phổ thông ngành dệt may, điện tử. Đơn cử, Bắc Giang đầu năm cần hơn 100.000 lao động, chủ yếu là lắp ráp điện tử do doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Một phần do doanh nghiệp lớn có thêm đơn hàng cuối năm nhưng chưa có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động.
Chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cả nước có 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Số qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 28%, trong khi đó mục tiêu năm 2030 là 35 - 40%.
TP.HCM chưa thu phí ô tô vào trung tâm trong 10 năm tới
Thành phố sẽ nghiên cứu thu phí ô tô vào khu trung tâm sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác 7 tuyến metro vào khoảng năm 2035.
Cảnh ùn ứ trên đường Nguyễn Tất Thành, hướng vào trung tâm TP.HCM |
Kế hoạch trên vừa được UBND TP.HCM chấp thuận sau đề xuất của Sở Giao thông vận tải. Phương án này được đưa ra nhằm phù hợp với quan điểm của ngành giao thông Thành phố là trước khi áp dụng thu phí xe vào khu trung tâm, các điều kiện về hạ tầng, năng lực giao thông công cộng phải được chuẩn bị tốt để người dân thuận tiện sử dụng.
Theo kế hoạch của TP.HCM, sau Metro Bến Thành - Suối Tiên, từ nay tới năm 2035, hệ thống tàu điện sẽ mở rộng lên 355 km, gồm nối dài tuyến số 1 và từ số 2 đến 7. Mạng lưới này giúp vận tải hành khách công cộng ở Thành phố đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với metro, hệ thống xe buýt cũng sẽ phát triển đồng bộ. Khi đó, các biện pháp hạn chế xe cá nhân, bao gồm thu phí ô tô vào trung tâm mới dự tính được thực hiện.
Chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm được TP.HCM đồng ý và giao Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu từ hơn 10 năm trước. Đây là một trong những giải pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay chưa triển khai. Năm 2021, ITD đề xuất lập lại dự án thu phí, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Theo đề xuất của doanh nghiệp này, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín quanh các quận 1, 3, gồm các tuyến: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (Tân Bình). Hệ thống thu phí thực hiện theo công nghệ đa làn, không dừng, với một trung tâm kết nối các cổng để xử lý thông tin, điều hành thu phí.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thu phí ô tô vào khu trung tâm là một trong các giải pháp thuộc Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân trên địa bàn Thành phố. Những giải pháp trong Đề án được thực hiện theo nguyên tắc "kéo - đẩy", tức song song với các biện pháp hạn chế, năng lực giao thông công cộng cùng hạ tầng kèm theo phải được đầu tư đồng bộ.
Đăk Nông nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần hai
Công viên địa chất Đăk Nông rộng 4.760 km2, với gần 50 hang động dài hơn 10.000 m được UNESCO tái công nhận, giai đoạn 2024 - 2027.
Hệ thống hang động dài hơn 10.000 m trong công viên địa chất Đăk Nông |
"Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và người dân Đăk Nông", ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND Tỉnh nói trong lễ đón nhận danh hiệu.
Ông Mười khẳng định, phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Nông, thời gian tới, địa phương tập trung khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với các di sản...
"Việc tái thẩm định danh hiệu 4 năm một lần do các chuyên gia UNESCO thực hiện, là thước đo giúp địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu", ông Mười nói.
UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Đăk Nông để phát huy giá trị của danh hiệu, biến di sản trở thành động lực quan trọng cho phát triển bền vững.
Công viên địa chất Đăk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam sau Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Công viên địa chất Đắk Nông rộng 4.760 km2, trải dài trên các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk G'long và TP. Gia Nghĩa; có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước...
Là một phần của cao nguyên M'Nông, Công viên địa chất Đăk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Ngoài ra, Công viên còn có hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp - Chư R'Luh, được phát hiện từ năm 2007...
Hòa Bình vào top điểm đến đẹp nhất thế giới
Hòa Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhắc đến trong 71 điểm đến đẹp nhất thế giới của CNTraveller nhờ giàu cảnh quan và trải nghiệm văn hóa.
Cánh đồng lúa chín vàng ở huyện Mai Châu, Hòa Bình |
Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller vừa công bố danh sách 71 điểm đến đẹp nhất thế giới, trong đó có Hòa Bình của Việt Nam.
Chuyên trang nhận xét, tỉnh miền Bắc của Việt Nam nổi bật với những cánh đồng lúa trải dài, người dân địa phương thân thiện và trải nghiệm ẩm thực phong phú. Danh sách không xếp theo thứ tự và tiêu chí lựa chọn không chỉ dựa vào cảnh quan thiên nhiên ấn tượng mà còn xét giá trị lịch sử và hoạt động trải nghiệm cho du khách.
Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc, thu hút du khách bởi thắng cảnh đa dạng và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ở huyện Mai Châu, Bản Lác mang vẻ đẹp nguyên sơ với những cánh đồng lúa được bao bọc bởi rặng núi xanh. Khoảng tháng 9 đến cuối tháng 10, cánh đồng lúa ngả vàng là thời điểm lý tưởng cho du khách đạp xe đi dạo, ngắm cảnh.
Bản Lác còn nổi tiếng với hàng trăm nhà sàn có tuổi gần 700 năm, ẩn mình bên làn sương trắng mờ dưới ngọn đồi xanh mướt. Một số khu nghỉ dưỡng và homestay nhà sàn cho khách trải nghiệm cuộc sống dân bản như Mai Châu Ecolodge, La Maison De Buoc, Bakhan Village Resort... Ngoài ra, du khách có nhiều lựa chọn tham gia hoạt động truyền thống của dân tộc Thái như dệt đồ thủ công mỹ nghệ, thả diều, múa hát và nhảy sạp, đốt lửa trại buổi tối.
Ẩm thực địa phương phong phú cũng là điểm thu hút khách du lịch đến Hòa Bình. Các món ăn đặc trưng vùng miền núi như cơm lam, gà nướng, thịt lợn mán, cá nướng, xôi nếp nương, rau rừng thường được phục vụ tại các nhà hàng hoặc khu nghỉ dưỡng.
Đại diện khác ở châu Á nằm trong danh sách này có đảo Raja Ampat và Bali ở Indonesia, công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà ở Trung Quốc, đền Bayon ở Campuchia, thành phố Jodhpur ở Ấn Độ, Hong Kong, Philippines. Trong đó, Nhật Bản góp mặt 3 đại diện gồm núi Phú Sĩ, thành phố Kyoto và rừng trúc Arashiyama.
TP.HCM thu giữ nhiều vàng, trang sức trị giá hơn 18 tỷ đồng
Năm 2024, quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 326 vụ vi phạm kinh doanh vàng, trang sức, với tang vật trị giá hơn 18 tỷ đồng và phạt tiền 17,6 tỷ đồng.
Quản lý thị trường kiểm tra vàng trang sức trên địa bàn TP.HCM |
Thông tin trên được Cục Quản lý thị trường TP.HCM công bố sáng 27/12. Thời gian qua, khi thị trường vàng biến động, hoạt động kinh doanh ghi nhận nhiều vi phạm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết vi phạm đều liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu. Sau khi thu giữ tang vật trị giá hơn 18 tỷ đồng, các cơ sở còn bị phạt tiền 17,6 tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng số tiền xử phạt các vi phạm trong năm 2024.
Trong đợt kiểm tra hồi tháng 5 - 6/2024, Đội quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra 11 doanh nghiệp kinh doanh vàng, tạm giữ 23 sợi dây chuyền các loại, 6 sợi lắc, tổng trị giá hơn 394 triệu đồng. Số tiền xử phạt vi phạm là 590 triệu đồng. Trong tháng 4, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra và tạm giữ số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá hơn 499 triệu đồng.
Ngoài vàng trang sức, mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử phát hiện nhiều vi phạm với quy mô lớn hơn. Điển hình là vụ phát hiện xe vận chuyển hơn 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại huyện Củ Chi, cũng như vụ thu giữ hơn 10.000 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử trị giá hơn 3,7 tỷ đồng tại Quận 1 và quận Tân Phú.
Lĩnh vực thương mại điện tử ghi nhận số vụ vi phạm tăng mạnh với 379 vụ, tăng 392% so với năm 2023. Trị giá hàng hóa vi phạm vượt 8,6 tỷ đồng, trong khi tiền phạt hơn 7,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm trước. Đây là kết quả của việc siết chặt quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiếp tục là vấn đề đáng báo động với 2.215 vụ vi phạm bị xử lý, chiếm 45,7% tổng số vụ, trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 90 tỷ đồng và tiền phạt hơn 44,1 tỷ đồng.
Tính đến hết năm, tổng số thu ngân sách từ xử lý vi phạm đạt hơn 100 tỷ đồng, vượt 12 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao, trong khi trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý tăng 37,52% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 73,3 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy cũng tăng hơn 10%, đạt 60,4 tỷ đồng.