Bản tin thời sự sáng 27/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là USD ngân hàng lên 24.600 đồng; sân bay Điện Biên dự kiến bay hiệu chỉnh vào đầu tháng 11 tới; sáp nhập, mở rộng không gian đô thị hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu; Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng…

USD ngân hàng lên 24.600 đồng

Tỷ giá USD ngân hàng tăng mạnh lên 24.600 đồng, cao hơn 3,7% so với đầu năm và còn cách đỉnh cũ khoảng 1,1%.

Tỷ giá USD ngân hàng tăng mạnh lên 24.600 đồng

Tỷ giá USD ngân hàng tăng mạnh lên 24.600 đồng

Ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.084 đồng, tăng 8 đồng so với ngày 25/9. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng từ 22.879 - 25.288 đồng.

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 26/9 cũng nâng giá bán thêm 9 đồng lên 25.238 đồng, giữ nguyên giá mua vào 23.400 đồng.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại đến trưa 26/9 tăng mạnh khoảng 70 - 80 đồng so với 25/9, lên mức cao nhất từ đầu năm.

Tại Vietcombank, tỷ giá lên 24.240 - 24.610 đồng, tăng 75 đồng cả hai chiều so với cuối ngày 25/9. Giá USD mua bán tại Vietinbank lên 24.188 - 24.608 đồng. Eximbank tới trưa 26/9 cũng nâng giá mua bán lên 24.200 - 24.600 đồng.

Như vậy, giá USD ngân hàng đã tăng 3,7% so với đầu năm và còn cách 1,1% so với mức đỉnh thiết lập vào quý cuối năm ngoái.

Ngược lại với USD, giá vàng trong nước theo xu hướng giảm trong vài ngày gần đây, về dưới 69 triệu đồng một lượng. Giá vàng miếng trong hai ngày đầu tuần đã giảm 250.000 đồng, giao dịch tại 68,1 - 68,9 triệu đồng một lượng.

Sân bay Điện Biên dự kiến bay hiệu chỉnh vào đầu tháng 11 tới

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên, đến nay, các hạng mục quan trọng thuộc Dự án Sân bay Điện Biên Phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, dự kiến sẽ tiến hành bay hiệu chỉnh vào đầu tháng 11 tới.

Sân bay Điện Biên dự kiến bay hiệu chỉnh vào đầu tháng 11 tới. Ảnh minh họa

Sân bay Điện Biên dự kiến bay hiệu chỉnh vào đầu tháng 11 tới. Ảnh minh họa

Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên cho biết, dự kiến từ ngày 5/11 sẽ tiến hành bay hiệu chỉnh và nội dung này sẽ được tiến hành liên tục trong khoảng 1 tháng mà không gây ảnh hưởng đến việc thi công dưới mặt đất. Dự kiến trong tháng 12, các chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên sẽ hoạt động lại, tuy nhiên chưa xác định ngày cụ thể.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án Sân bay Điện Biên, sau nhiều lần chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, đến nay các hạng mục quan trọng đã cơ bản đảm bảo yêu cầu về tiến độ. Trong đó, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ... có khối lượng thi công đã đạt khoảng 50%; nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, đã hoàn thành thi công xây tường tầng 1, tầng 2. Hiện các đơn vị đang hoàn thiện và thi công hệ thống MEP (hệ thống điện nhẹ), phòng cháy chữa cháy; Đài dẫn DVOR/DME cũng cơ bản đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Tuy nhiên, đối với các dự án hoàn trả thuộc trách nhiệm của địa phương thì đều chậm tiến độ. Cụ thể là 2 dự án đường tránh sân bay nối tổ 1, 2 và tổ 8 phường Thanh Trường (thành phố Điện Biên Phủ) và đường nối từ đường đi xã Thanh Hưng, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) hiện vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng.

Để đảm bảo tiến độ chung của Dự án, UBND tỉnh Điện Biên đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị gắn với mốc thời gian cụ thể. Riêng đối với Dự án đường tránh sân bay nối tổ 1, 2 và tổ 8 phường Thanh Trường, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu thành phố Điện Biên Phủ phải bàn giao mặt bằng cho ACV trước ngày 30/9.

Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2023. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Sáp nhập, mở rộng không gian đô thị hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc

Theo Kế hoạch mới ban hành của UBND tỉnh Lâm Đồng, hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc sẽ sáp nhập thêm một số đơn vị hành chính để mở rộng không gian đô thị.

Theo Kế hoạch trên, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính nông thôn sẽ được nhập vào thành phố Đà Lạt

Theo Kế hoạch trên, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính nông thôn sẽ được nhập vào thành phố Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đáng chú ý, hai thành phố trực thuộc tỉnh là Đà Lạt và Bảo Lộc sẽ sáp nhập thêm một số đơn vị hành chính để mở rộng không gian đô thị.

Theo Kế hoạch số 8358/KH-UBND của UBND Tỉnh vừa ban hành, trong lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, UBND Tỉnh xây dựng phương án tổng thể, đề án sáp nhập đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt.

Đề án điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã của huyện Bảo Lâm vào thành phố Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị hai thành phố này, gắn với nội dung nâng cấp, thành lập xã thành phường.

Theo Kế hoạch, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính nông thôn sẽ được nhập vào thành phố Đà Lạt là đơn vị hành chính đô thị để mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt.

Điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã là Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc của huyện Bảo Lâm vào thành phố Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị của thành phố.

Theo lộ trình đề ra trong Kế hoạch, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên; tiến hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này.

UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ trình Chính phủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn này trước ngày 31/7/2024.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu

Ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết quả đấu thầu 20.000 tỷ đồng tín phiếu.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu

Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên hôm qua 0,49%.

Trước đó, liên tiếp trong 3 phiên 21/9, 22/9 và 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 4 phiên giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cưỡng chế hơn 144 tỷ đồng do nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng

Cục Thuế tỉnh Bình Dương vừa có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả tài khoản của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (UPCoM: PRT), mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương.

Lý do bị cưỡng chế là do người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 144,1 tỷ đồng.

Trong quyết định xử phạt, Cục Thuế tỉnh Bình Dương yêu cầu ngân hàng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản/phong toả tài khoản đối với số tiền trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo tài chính bán niên đã công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương lỗ ròng gần 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi ròng hơn 223 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân lỗ, PRT cho biết do doanh thu kinh doanh giảm hơn 458 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 52%, trong khi giá vốn giảm 214 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 37% vì tình hình hoạt động kinh doanh khu công nghiệp và sản xuất, thương mại tại các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn.

Tại thời điểm ngày 30/6, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương gần 626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản. Trong đó, 227,9 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền và 397,6 tỷ đồng là đầu tư tài chính ngắn hạn.

Hơn 65 tỷ đồng bồi thường tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM

100% hộ dân đồng tình với chủ trương thực hiện dự án khu tái định cư, địa phương sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân để giải phóng mặt bằng.

Hiện Long An đã chi trả tiền bồi thường cho 395/400 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đạt 98,5%

Hiện Long An đã chi trả tiền bồi thường cho 395/400 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đạt 98,5%

Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã công bố phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu tái định cư thuộc Dự án thành phần 8 của Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua Long An, với số tiền hơn 65 tỷ đồng.

Theo đó, khu tái định cư có diện tích thu hồi trên 35.539 m2 của 13 hộ dân ở Ấp 3, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức. Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Bến Lức đã trao bảng chiết tính và phiếu lấy ý kiến các hộ dân về các chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Ông Lê Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết, 100% hộ dân đồng tình với chủ trương thực hiện dự án khu tái định cư. Địa phương sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân để GPMB; đồng thời, phê duyệt các gói thầu san lấp, tư vấn giám sát.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài gần 76 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Có 8 dự án thành phần, trong đó, Long An được giao làm chủ đầu tư hai dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 7 thi công xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Dự án thành phần 8 GPMB có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng.

Hiện tại, Long An đã chi trả tiền bồi thường cho 395/400 hộ dân thuộc 3 xã Tân Hòa, Mỹ Yên, Tân Bửu huyện Bến Lức bị ảnh hưởng bởi Dự án, đạt 98,5%. Tổng số tiền đã chi trả trên 860 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,3%. Đồng thời, xét chính sách tái định cư sơ bộ cho 127 trường hợp có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng. Có 110 trường hợp đủ điều kiện được bố trí tái định cư, đang chờ nhận lô nền, 17 trường hợp khác được hỗ trợ tái định cư bằng tiền…

Quận Hoàng Mai chi hơn 1.000 tỷ đồng xây 4 trường mới

Hoàng Mai, quận đông dân nhất Hà Nội, sẽ xây mới 4 trường học với tổng kinh phí 1.076 tỷ đồng.

Lễ khai giảng năm 2018 tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Lễ khai giảng năm 2018 tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Bốn trường được xây dựng gồm: Mầm non Hoàng Liệt, THPT Hoàng Liệt, hai trường Tiểu học Hoàng Liệt, theo phê duyệt của HĐND quận Hoàng Mai. Kinh phí lấy từ ngân sách Quận.

Ngoài xây mới, quận Hoàng Mai cũng cải tạo, nâng cấp Trường THPT Việt Nam - Ba Lan. Những dự án này đều nằm trong kế hoạch đầu tư công của Quận, giai đoạn 2021 - 2025.

Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với hơn 500.000 người. Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND Thành phố với quận này về xây dựng trường học hồi tháng 7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, đây là "điểm nóng" thiếu trường học, vì tập trung nhiều khu dân cư mới, gây sức ép lên hệ thống trường lớp.

Quận đã phải tổ chức bốc thăm để nhận học sinh vào trường Mầm non Hoàng Liệt năm ngoái do số trẻ có nhu cầu vào học vượt khả năng đáp ứng.

Trong báo cáo tuyển sinh năm học 2022 - 2023, Quận cho biết có 89 trường, trong đó 59 công lập (gồm 22 trường mầm non, 20 tiểu học, 17 THCS), tổng khoảng 100.000 học sinh. Trên địa bàn Quận có 3 trường THPT công lập, chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tháng 8/2022, Hoàng Mai còn thiếu 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1). Ở cấp THPT, xét theo chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quận này còn thiếu 18 trường.

Hơn 4.300 học sinh miền núi tại Hà Tĩnh phải nghỉ học do mưa lũ

4.317 học sinh thuộc khối Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở của huyện Hương Khê phải nghỉ học sau khi nhiều tuyến đường và khu vực của Huyện bị ngập úng do những trận mưa lớn kéo dài.

Nhiều khu vực ở Hương Khê bị ngập cục bộ do mưa lũ

Nhiều khu vực ở Hương Khê bị ngập cục bộ do mưa lũ

Ngày 26/9, mưa lớn trong nhiều ngày khiến giao thông tại một số địa phương thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập cục bộ như Hương Đô, Hương Lâm, Hương Trạch, Lộc Yên...

Để đảm bảo an toàn, 4.317 học sinh thuộc khối Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở của Huyện phải nghỉ học.

Ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê cho biết, để chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các trường tùy tình hình thực tế cho học sinh nghỉ học và xây dựng phương án học bù khi điều kiện thời tiết ổn định.

Tại các trường học, cán bộ, giáo viên chủ động di dời tài sản, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đến nơi an toàn; đồng thời thường xuyên giữ liên lạc, phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý các em, đảm bảo an toàn về người và tài sản, báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Thời điểm này, một số cầu tràn qua sông Ngàn Sâu chảy qua địa phận Hương Trạch, Hương Đô, Hương Liên, Hương Lâm, đường liên xã Hương Xuân - Hương Vĩnh bị ngập, không thể lưu thông. Chính quyền huyện Hương Khê đã lập rào chắn cảnh báo người dân.

Trước đó, UBND huyện Hương Khê đã có công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn.

Theo đó, Huyện yêu cầu các địa phương chuẩn bị, triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; sơ tán dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Đề xuất hơn 20 triệu GPLX bằng giấy phải đổi sang loại mới

Dự thảo đề xuất giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Giấy phép lái môtô bằng giấy bìa do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Giấy phép lái môtô bằng giấy bìa do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo (lần 4, ngày 20/8) Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trước khi trình Quốc hội. Dự thảo lần này bổ sung thêm một số quy định mới.

Trong đó, Điều 81 của dự thảo lần 4 đề xuất những quy định về việc chuyển tiếp các loại giấy tờ liên quan phương tiện và người lái.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất GPLX được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX.

Đối với GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012, phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng.

Cũng tại dự thảo lần 4, Bộ Công an đề xuất Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạng GPLX, thời hạn của giấy phép. Còn Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết hình thức của GPLX và GPLX quốc tế; quy định trình tự thủ tục cấp và sử dụng các loại GPLX này.

Về trách nhiệm quản lý, dự thảo đề xuất Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới theo quy định của Luật này.

Hiện nay, những GPLX loại mới (bằng lái dạng thẻ PET) đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (VNeID) để liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích tiến tới sẽ thực hiện kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện thông qua tài khoản định danh điện tử.

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện còn khoảng 20 triệu GPLX mô tô bằng vật liệu giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012.

Chuyên đề