Bản tin thời sự sáng 27/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công dân Việt Nam tại Israel vẫn an toàn; tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới; cầu Rạch Miễu 2 chậm tiến độ vì thiếu tiền giải phóng mặt bằng; sẽ thanh tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…

Công dân Việt Nam tại Israel vẫn an toàn

“Theo thông tin chúng tôi được biết, công dân Việt Nam tại Israel hiện tại vẫn an toàn”, bà Phạm Thu Hằng cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế

Chiều 26/10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình công dân Việt Nam ở vùng xung đột tại Trung Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

Trong những ngày qua, tình hình khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 23/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao đã họp và thảo luận về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại khu vực xung đột trước tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông hiện nay.

Kể từ ngày đầu tiên của xung đột xảy ra, Bộ Ngoại giao đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Israel, Saudi Arabia và Ai Cập kiêm nhiệm Nhà nước Palestine theo dõi sát tình hình tại khu vực xảy ra xung đột, khẩn trương rà soát thông tin về công dân Việt Nam tại khu vực này và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, cơ quan liên quan trong nước để triển khai các phương án bảo hộ công dân và biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại vùng xảy ra xung đột trong trường hợp cần thiết.

“Theo thông tin chúng tôi được biết, công dân Việt Nam tại Israel hiện tại vẫn an toàn”, bà Phạm Thu Hằng cho biết.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên, chặt chẽ với đầu mối của cộng đồng người Việt Nam tại các khu vực xảy ra chiến sự và cập nhật tình hình bà con; đề nghị nhà chức trách sở tại bảo đảm an toàn tối đa cho công dân Việt Nam và gia đình, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án để bảo hộ công dân và tùy theo nguyện vọng của bà con vào tình hình thực tế.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới

Đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức kinh tế cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều bất ngờ.

Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều kỷ lục dù lãi suất giảm

Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều kỷ lục dù lãi suất giảm

Số liệu mới nhất này vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.

Tuy nhiên, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân về lượng tiền gửi thêm vào ngân hàng lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.

Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 8 đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm, không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 7%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4 khiến lãi suất hiện đã xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19.

Vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng có thể sắp có một đợt hạ lãi suất tiền gửi. Điều này khiến xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác như giai đoạn dịch Covid-19 có thể lặp lại.

Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,68% so với đầu năm, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 103.501 tỷ đồng trong một tháng. Tháng 7 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.

Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.

Cầu Rạch Miễu 2 chậm tiến độ vì thiếu tiền giải phóng mặt bằng

Dự án cầu Rạch Miễu 2 qua địa bàn Tiền Giang đang chậm tiến độ, mới chỉ có 51% mặt bằng được bàn giao do phải chờ nguồn vốn để bồi thường, tái định cư.

Công trường thi công cầu Rạch Miễu 2

Công trường thi công cầu Rạch Miễu 2

Thông tin được ông Nguyễn Trí Đông, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết tại buổi họp báo quý thường kỳ tỉnh Tiền Giang.

Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Bến Tre dài 17,6 km, phần cầu dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, vận tốc thiết 80 km/h, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km. Dự án khởi công tháng 3/2022, tổng vốn được điều chỉnh từ 5.200 tỷ đồng lên 6.810 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm, giúp giảm tải cho cầu hiện hữu.

Theo ông Đông, trong tổng số tiền 2.100 tỷ đồng phục vụ bồi thường, tái định cư cho Dự án, địa phương được bố trí trên 1.260 tỷ đồng, vẫn còn thiếu trên 860 tỷ đồng. Việc triển khai Dự án qua địa bàn vì thế gặp nhiều khó khăn.

Trong 927 hộ, tổ chức tại TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành bị ảnh hưởng bởi Dự án, có 474 hộ đã nhận tổng số tiền bồi thường gần 700 tỷ đồng, chiếm 42,8%. Diện tích mặt bằng đã bàn giao cho chủ đầu tư là hơn 100.000 m2, chiếm hơn 51%.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư) cho biết, hiện tỉnh Bến Tre đã bàn giao được khoảng 96%. Do diện tích mặt bằng phía Tiền Giang chưa bàn giao lớn gây khó khăn cho việc thi công. Dự án có 6 gói thầu xây lắp, đến nay tổng giá trị sản lượng của các hợp đồng đang thi công đạt hơn 31,7%, chậm so với kế hoạch.

Trước đó, khảo sát tiến độ cầu Rạch Miễu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 vào tháng 10/2025, sớm 6 tháng so với kế hoạch.

Sẽ thanh tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra một số địa phương tập trung đông các cơ sở cho thuê trọ và loại hình nhà ở nhiều căn hộ, như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Ngoài ra, với những tỉnh, thành phố còn lại, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc thanh tra…

Sẽ thanh tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương

Sẽ thanh tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương

Thực hiện Công điện số 991/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ chủ trì xây dựng kế hoạch và hướng dẫn địa phương thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Cụ thể, Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra một số địa phương tập trung nhiều công trình nhà ở riêng lẻ, nhà cao tầng, cơ sở lưu trú và các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ tại khu công nghiệp có mật độ người ở cao như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương.

Ngoài ra, với tỉnh, thành phố còn lại, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc tiến hành thanh tra (theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ) và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trong tháng 12/2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến hoạt động kiểm tra rà soát loại hình chung cư; nhà ở nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao, theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, tính đến ngày 13/10/2023, các đơn vị trong Công an Thành phố cơ bản đã triển khai thực hiện nghiêm túc và bước đầu đạt kết quả nhất định.

Cụ thể, kiểm tra 23.395/76.806 lượt cơ sở, đạt 30,5% (trong đó, kiểm tra 311/388 chung cư mini, đạt 80,2%; 13.305/26.922 nhà trọ, đạt 49,4%; 225/3127 chung cư, đạt 7,2%; 9.554/41.405 nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao, đạt 23,1%); xử phạt vi phạm hành chính 629 lượt cơ sở với số tiền phạt trên 3,5 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động đối với 129 trường hợp, đình chỉ hoạt động đối với 24 trường hợp.

Bàn giao xong mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm nay

Đồng Nai sẽ tăng cường nhân lực kiểm đếm để hoàn thành bồi thường và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngay trong năm 2023.

Điểm đầu nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở phường Phước Tân, TP. Biên Hòa

Điểm đầu nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở phường Phước Tân, TP. Biên Hòa

Thông tin được Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đưa ra trong buổi đối thoại gần 3.000 hộ dân có đất phải giải tỏa trong Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 26/10.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng được khởi công đồng loạt vào tháng 6. Tuy nhiên, phần lớn trong 34 km qua địa bàn Đồng Nai (289 ha với 3.400 hộ bị ảnh hưởng) chưa giải tỏa xong, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao gần 96%.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa phương là thiếu mặt bằng. Dù các nhà thầu đã chuẩn bị nhân lực, máy móc sẵn sàng triển khai dự án nhưng không có đất để thi công.

Theo ông Lĩnh, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông vùng, phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh cũng như cả nước. Khi tuyến cao tốc được khai thác sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, kết nối sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tăng cường nhân lực, làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để sớm hoàn thành kiểm đếm, đo đạc, chi trả bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.

"Cuối năm nay phải chi trả xong tiền cho người dân để đầu năm 2024 họ có thể vào các khu tái định cư ổn định cuộc sống mới", ông Lĩnh nói và chỉ đạo thành lập hai văn phòng tiếp nhận, giải đáp các khúc mắc của người dân liên quan đến Dự án.

Đề xuất khai thác mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe trong 30 năm

Trong 30 năm, chủ đầu tư dự tính khai thác hơn 17 triệu tấn quặng đất hiếm ở trạng thái tự nhiên tại mỏ Bắc Nậm Xe (tỉnh Lai Châu), sau đó chế biến sâu với hàm lượng >95%.

Các lớp quặng đất hiếm lộ thiên ở mỏ Bắc Nậm Xe

Các lớp quặng đất hiếm lộ thiên ở mỏ Bắc Nậm Xe

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu do chủ đầu tư - Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải lập đang xin ý kiến cộng đồng đề xuất sử dụng gần 182 ha đất trong vòng 30 năm với hơn 17 triệu tấn quặng đất hiếm ở dạng tự nhiên.

Đơn vị lập báo cáo cho biết, trong đó có hơn 105 ha đất nông nghiệp, gồm đất nương rẫy trồng cây hàng năm và đất rừng phòng hộ (không có rừng). Trên diện tích này còn có gần 50 ha đất chưa sử dụng và một số ít diện tích đất thuỷ sản, đường, suối.

Chủ đầu tư sẽ dành gần 90 ha để xây dựng văn phòng, xưởng tuyển; làm đường vận tải và tuyến ống thoát nước từ hồ lắng bãi thải về hồ tuần hoàn xưởng tuyển; khu bãi thải, hồ lắng. Phần diện tích còn lại hơn 94 ha sẽ làm khu vực khai thác.

Dự án có công suất khai thác 600.000 tấn quặng ở trạng thái tự nhiên mỗi năm. Sản phẩm dự kiến quặng tinh đất hiếm >30% sẽ được cung cấp cho nhà máy chế biến sâu tại tỉnh Lai Châu để sản xuất tổng oxit đất hiếm hàm lượng >95%. Tổng oxit đất hiếm sau đó được chiết tách thành oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Do lớp đất chứa quặng hầu hết nằm lộ thiên với độ dày 10 - 30 m nên chủ đầu tư sẽ khai thác theo phương án bốc xúc trực tiếp. Việc bóc tạp chất, đất phủ sẽ được thực hiện bằng máy ủi, máy xúc, quặng đất hiếm bốc trực tiếp lên ôtô chở về bãi tập kết của nhà máy.

Quá trình khai thác dự kiến thải hơn 6,5 triệu m3 đất đá nguyên khối, gần 7,6 triệu m3 đá rời; nhà máy thuỷ luyện cũng sẽ thải hơn 1,2 triệu m3 đất đá.

Bộ Công an cảnh báo 7 cao tốc tiềm ẩn mất an toàn giao thông

Một số đoạn, tuyến cao tốc tiềm ẩn mất an toàn giao thông do không có dải phân cách cứng và làn dừng khẩn cấp, không đảm bảo chiếu sáng, tầm nhìn hạn chế.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới có hai làn xe giai đoạn 1

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới có hai làn xe giai đoạn 1

Tại báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây liên quan 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 và các tuyến cao tốc khác, Bộ Công an cho biết có 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nên xảy ra nhiều va chạm, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.

Cụ thể, các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết có bốn làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp, trên tuyến bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp khoảng cách 4 - 5 km.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan chỉ có hai làn xe, chưa đạt chuẩn cao tốc.

Về tổ chức giao thông trên các tuyến, Bộ Công an cho rằng còn nhiều bất hợp lý như hàng rào lưới thép chưa khép kín nên người dân vẫn có thể đi bộ, điều khiển xe máy, ba gác cùng gia súc đi vào cao tốc. Cụ thể là cao tốc tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.

Ngoài ra, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vừa khai thác vừa thi công, gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe. Một số tuyến cao tốc sau khi khai thác đã xuống cấp, hằn lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục, sửa chữa như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ.

Riêng cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau thời gian dài khai thác, mặc dù lưu lượng xe tăng cao nhưng đoạn Yên Bái - Lào Cai vẫn chưa được đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo quy hoạch.

Từ thực trạng trên, Bộ Công an đề nghị Bộ Giao thông vận tải có lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo 7 tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc; triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông đối với các tuyến đang khai thác…

Hong Kong nới lỏng chính sách thị thực cho người Việt

Hong Kong nới lỏng chính sách, cho phép người Việt sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần, động thái được Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh.

Một góc đặc khu hành chính Hong Kong

Một góc đặc khu hành chính Hong Kong

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong John Lee Ka-chiu thông báo nới lỏng chính sách thị thực cho người Việt Nam. Trước đây, người Việt đến Hong Kong với mục đích du lịch hoặc thương mại (công tác, tham dự hội nghị, hội thảo) chỉ được cấp visa nhập cảnh một lần. Với chính sách mới, công dân Việt Nam được cấp visa cho phép nhập cảnh Hong Kong nhiều lần trong vòng hai năm, mỗi lần lưu trú tối đa 14 ngày, theo SCMP.

Người xin cấp thị thực loại này cần đến ít nhất hai quốc gia tối thiểu ba lần trong vòng 3 năm qua, hoặc đã theo học, làm việc hoặc tập huấn ở Hong Kong trong vòng hai năm trước khi đăng ký.

Ông Lee cũng thông báo Hong Kong sẽ mở cửa cho người tài từ Việt Nam, Lào và Nepal đến làm việc, đào tạo hoặc học tập tại 8 trường đại học công lập của thành phố.

Việt Nam và hai quốc gia nói trên trước đây không nằm trong Chương trình Tuyển mộ Di cư Chất lượng của đặc khu, nhằm thu hút những người có tay nghề cao đến làm việc tại Hong Kong mà không cần phải đảm bảo đã xin được việc trước khi chuyển đến.

Dừng nạo vét cồn nổi giữa sông Tiền

Cồn nổi với khoảng 241.000 m3 cát trên sông Tiền sẽ được giữ lại, chỉ xử lý các chướng ngại vật bêtông, do quy định nạo vét đường thủy đang được đề nghị sửa đổi.

Cồn nổi cù lao Tân Phong giữa sông Tiền

Cồn nổi cù lao Tân Phong giữa sông Tiền

Thông tin được ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tiền Giang cho biết chiều 26/10. Nguyên nhân là Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thay thế Nghị định 159/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Cồn nổi cù lao Tân Phong cách bờ sông Tiền 50 m, trước đây rộng khoảng một ha được người dân xây dựng cơ sở kinh doanh. Sau nhiều năm bị sạt lở, hiện cồn chỉ còn rộng 270 m2. Cồn không còn nhà cửa, chỉ sót lại vài mảng bêtông từ công trình cũ, chìm dưới sông khiến một số tàu thuyền đi qua mắc cạn, chìm.

Tháng 10 năm ngoái, UBND Tiền Giang công bố danh mục nạo vét thông luồng kết hợp thu hồi cát, sỏi tại khu vực cồn nổi bị sạt lở. Theo đó, khu vực cồn dài 1.000 m, rộng 100 m và sâu hơn 5 m sẽ được phía trúng thầu nạo vét tận dụng một phần hoặc toàn bộ chất nạo vét sử dụng cho mục đích khác.

Theo ông Bon, trước mắt Sở GTVT đã xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang để triển khai thanh thải, xử lý các trụ, khối bêtông quanh cồn là khu vực nền nhà, xưởng cũ của người dân để lòng sông thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư