Bản tin thời sự sáng 27/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị Thủ tướng kỷ luật Chủ tịch và hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; giá vé máy bay cao điểm hè tăng theo giờ; đường sắt tăng nhiều chuyến tàu khách trên tuyến Bắc - Nam; các cửa khẩu tại Cao Bằng thông quan trở lại…

Đề nghị Thủ tướng kỷ luật Chủ tịch và hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ngày 26/6, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý kỷ luật hành chính những cán bộ liên quan thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ gồm ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 2 nguyên Chủ tịch Tỉnh.

Cụ thể, với ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo. UBND Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý kỷ luật hành chính cảnh cáo ông Lê Tuấn Phong.

Ông Nguyễn Văn Phong, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý kỷ luật hành chính khiển trách với ông Nguyễn Văn Phong.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn đề nghị kỷ luật đối với 4 cán bộ đã nghỉ hưu, trong đó hình thức đề nghị xóa tư cách chức vụ chính quyền theo thẩm quyền đối với ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015; ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021; ông Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016-2021.

UBND Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý kỷ luật hành chính khiển trách ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Giá vé máy bay cao điểm hè tăng theo giờ

Sau Covid-19, hàng không nội địa dần phục hồi, nhu cầu đi lại tăng đột biến dịp cao điểm hè khiến giá vé "nhảy" theo giờ.

Giá vé hè năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nguyên nhân là giá nhiên liệu tăng kỷ lục

Giá vé hè năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nguyên nhân là giá nhiên liệu tăng kỷ lục

Khảo sát cho thấy, chặng bay du lịch nội địa có giá đắt nhất là Hà Nội - Phú Quốc, nếu chọn bay vào dịp cuối tuần, giờ đẹp, khách hàng của Vietnam Airlines sẽ phải trả mức giá khá cao (7 - 7,5 triệu đồng một vé khứ hồi). Nếu chọn bay vào sáng sớm hoặc tối muộn, hành khách cũng phải trả không dưới 5 triệu đồng.

Nếu chọn bay Vietjet Air, Bamboo Airways, giá vé cũng dao động quanh mức 5 - 6 triệu đồng một vé khứ hồi. Mức giá này đã tăng 20 - 30% so với tháng trước.

Với các chặng bay còn lại như TP.HCM/Hà Nội - Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 25% so với các tháng trước đó và chỉ chênh lệch so với chặng đi Phú Quốc 0,5 - 1,5 triệu đồng một chặng.

Theo các hãng hàng không, giá vé hè năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do giá nhiên liệu tăng kỷ lục. Trong khi đó, đội bay của các hãng chưa thể hoạt động hết công suất; đặc biệt, các chặng bay quốc tế có số chuyến bay khai thác mới chỉ chiếm khoảng 20% so với trước dịch nên đẩy giá vé tăng cao.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines, cao điểm hè là thời điểm lượng khách tăng đột biến nên giá vé rẻ thường hết sớm. Ngoài yếu tố cung cầu đẩy giá máy bay cao điểm hè tăng nhanh thì giá nhiên liệu đầu vào đang tăng gấp đôi cũng khiến giá thành vé máy bay tăng thêm so trước trước đó.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại cao điểm hè của khách hàng, các hãng đã lên kế hoạch tăng chuyến. Trong đó, ngày 1/6 - 15/8, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay. Còn Vietjet khai thác 450 chuyến một ngày, phần lớn các chuyến bay là nội địa.

Bamboo Airways cũng tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến các điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng.

Đường sắt tăng nhiều chuyến tàu khách trên tuyến Bắc - Nam

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hè tăng cao của hành khách, ngành đường sắt lập kế hoạch chạy thêm nhiều tàu khách đi đến Quảng Bình, Đà Nẵng và Nha Trang.

Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hè tăng cao của hành khách, đường sắt tăng nhiều chuyến tàu khách trên tuyến Bắc - Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hè tăng cao của hành khách, đường sắt tăng nhiều chuyến tàu khách trên tuyến Bắc - Nam

Cụ thể, khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng, chạy thêm hai mác tàu SE17, SE19 xuất phát từ Hà Nội ngày 6/7/2022 đến Đà Nẵng.

Khu đoạn Hà Nội - Đồng Hới, chạy thêm tàu QB5 ngày 10/7/2022 từ Hà Nội đến Đồng Hới.

Khu đoạn Sài Gòn - Nha Trang, chạy thêm các tàu SNT7, SNT8, SNT9 giữa Sài Gòn - Nha Trang.

Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đường sắt tiếp tục tăng tàu phía Nam tùy theo nhu cầu của hành khách vào các ngày cao điểm hè. Theo đó, tuyến Sài Gòn - Hà Nội - Sài Gòn chạy hàng ngày đôi tàu SE11/SE12 từ ngày 27/6/2022.

Trong tháng 7/2022, trên tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn - Sài Gòn, tàu SQN2 xuất phát Sài Gòn các ngày 1, 5, 9, 11 và các ngày thứ 5, 6 hàng tuần; tàu SQN1 xuất phát Quy Nhơn các ngày 3, 6, 8, 12 và các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Tuyến Sài Gòn - Nha Trang - Sài Gòn, chiều Sài Gòn đi, tàu SNT4 xuất phát Sài Gòn các ngày 1, 8, 14, 15/7/2022; tàu SNT6 xuất phát ngày 1 và 7/7/2022.

Chiều Nha Trang đi, tàu SNT3 xuất phát Nha Trang các ngày 3, 10 và 17/7/2022; tàu SNT5 xuất phát các ngày 3, 10 và 17/7/2022; tàu SNT9 xuất phát các ngày 2 và 5/7/2022.

Tuyến Sài Gòn - Phan Thiết - Sài Gòn, tàu SPT4 xuất phát Sài Gòn các ngày 1, 2 và 9/7; tàu SPT3 xuất phát Phan Thiết các ngày 1, 3 và 10/7

Các cửa khẩu tại Cao Bằng thông quan trở lại

Sau thời gian dài ngừng hoạt động do các chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc, từ tháng 6 này, các cửa khẩu tại Cao Bằng đã thông quan trở lại.

Sau thời gian dài ngưng trệ, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu ở Cao Bằng được nối lại

Sau thời gian dài ngưng trệ, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu ở Cao Bằng được nối lại

Gần 1 tháng qua, Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã có những hoạt động xuất khẩu nông sản với trung bình mỗi ngày từ 15 - 20 xe hàng.

Trước đó, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, cửa khẩu này vẫn có các hoạt động thông quan, nhưng chủ yếu là nhập các loại máy móc, thiết bị. Để đảm bảo việc thông quan an toàn, bền vững, phía Cao Bằng đã khảo sát và lên phương án thí điểm xây dựng vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng.

Ông Phạm Văn Hoài, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu Tà Lùng cho biết, Ban đã phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu và chính quyền địa phương xác định các điều kiện cần thiết để thực hiện vùng xanh tại cửa khẩu. Qua đó tham mưu lên cấp trên và chính quyền địa phương làm cơ sở để trao đổi với nước bạn, sớm thống nhất xây dựng vùng xanh tại cửa khẩu Tà Lùng trong thời gian tới.

Hiện, các cửa khẩu tại Cao Bằng gồm Cửa khẩu Sóc Giang, Cửa khẩu Trà Lĩnh và Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đều hoạt động xuất khẩu trở lại. Tuy vậy, lượng hàng hóa thông quan còn hạn chế. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản khô như ván bóc, hạt điều, thạch đen…

Việt Nam xuất khẩu thủy sản nhiều nhất sang Mỹ

Sau 3 năm Covid-19, thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày càng nhiều, trở thành thị trường xuất khẩu số 1 với 23% thị phần.

Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu số 1 sang Mỹ

Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu số 1 sang Mỹ

5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm, cá, nhuyễn thể hai mảnh sang thị trường này liên tục tăng ở mức 2 con số và riêng cá tra xuất sang Mỹ tăng 131%.

Với tôm, Việt Nam là một nguồn cung cấp tôm thịt hàng đầu cho Mỹ. Tổng xuất tôm sang Mỹ đạt gần 390 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 21% thị phần.

Về cá ngừ, Việt Nam xuất chủ yếu loại loin/phile đông lạnh sang Mỹ, chiếm 74%. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất cá ngừ sang Mỹ đạt 251 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tôm, cá sang Mỹ tăng đột biến là nhờ sản lượng cá da trơn tại đây giảm, lạm phát cao, kết luận rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 17 có lợi cho doanh nghiệp cá tra. Đồng thời, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất sang Mỹ tăng. Ngoài ra, giá thủy sản nhập khẩu tăng cao cũng là yếu tố giúp giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt.

Chuyên đề