Bản tin thời sự sáng 27/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ 8/2, các trường tại Hà Nội chỉ dạy trực tiếp 1 buổi, không bán trú; cửa khẩu Chi Ma thực hiện thông quan trở lại; nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến dừng hoạt động vì thiếu tiền…

Từ 8/2, các trường tại Hà Nội chỉ dạy trực tiếp 1 buổi, không bán trú

Các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.

Các trường tại Hà Nội chỉ dạy trực tiếp 1 buổi, không bán trú từ ngày 8/2

Các trường tại Hà Nội chỉ dạy trực tiếp 1 buổi, không bán trú từ ngày 8/2

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, xã; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trường trung cấp, cao đẳng, học viện liên kết dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; các đơn vị trực thuộc về việc tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh từ ngày 8/2/2022.

Theo đó, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng, học viện có liên kết dạy văn hóa kết hợp dạy nghề trên địa bàn thành phố sẽ đi học trực tiếp.

Học sinh cấp tiểu học và học sinh lớp 6 tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí đã quy định tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT - Sở Y tế Hà Nội.

Yêu cầu chung đối với các nhà trường là chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường.

Về nguyên tắc thực hiện, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.

Trường hợp học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, nhà trường tổ chức cho các em học trực tuyến tại nhà.

Cửa khẩu Chi Ma thực hiện thông quan trở lại

Trong ngày đầu thông quan trở lại, số xe chở hàng hóa xuất khẩu thông quan tại Cửa khẩu quốc gia Chi Ma là 40 xe chở nông sản.

Lực lượng Biên phòng cửa khẩu Chi Ma giám sát chặt chẽ phương tiện chở hàng qua cửa khẩu tháng 10/2021.

Lực lượng Biên phòng cửa khẩu Chi Ma giám sát chặt chẽ phương tiện chở hàng qua cửa khẩu tháng 10/2021.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cửa khẩu Quốc gia Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn bắt đầu thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trở lại.

Ngay khi thực hiện thông quan hàng hóa trở lại, lực lượng kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu đã thực hiện khử khuẩn phương tiện chở hàng hóa tại cửa khẩu; đồng thời, thông báo cho lực lượng chức năng Trung Quốc biết, từ đó thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa.

Cùng với đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại hai cửa khẩu Chi Ma tổ chức điều tiết xe chở hàng hóa thông quan hợp lý, không để ùn ứ tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.

Trong ngày đầu thông quan trở lại, số xe chở hàng hóa xuất khẩu thông quan tại Cửa khẩu quốc gia Chi Ma là 40 xe chở nông sản.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến dừng hoạt động vì thiếu tiền

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo dự kiến ngừng hoạt động từ tháng 2 vì khó khăn tài chính. Nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu cho thị trường.

Nguồn cung xăng dầu có nguy cơ thiếu hụt do việc giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nguồn cung xăng dầu có nguy cơ thiếu hụt do việc giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Mới đây, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về việc ngừng hoạt động tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo đó, đơn vị này cho biết đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính, điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Công ty đã phải hủy nhập 2 tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Từ 18/1, NSRP đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%. Nguyên nhân là do PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận RPA và thanh toán sớm FPOA, cả hai đều là nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động.

Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng thông tin dự kiến ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng 13/2 do thiếu nguồn cung cấp dầu thô nếu tình hình hiện tại tiếp tục mà số dư tiền mặt không được cải thiện.

Hiện, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Việc đơn vị này giảm công suất, dự kiến dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp phân phối trong nước.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng có văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương ngay sau văn bản của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu nội địa.

Trong văn bản, Petrolimex cho biết, năm 2022 đơn vị nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu/tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty thuộc PVN. Sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế, khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời.

Xe dán thẻ không dừng gặp sự cố do lỗi ổ cứng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác định hơn 300 xe dán thẻ không dừng (ePass) bị từ chối thu phí tự động do lỗi ổ cứng trên thiết bị lưu trữ.

Xe đi làn thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xe đi làn thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ngày 26/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đánh giá nguyên nhân lỗi thiết bị trên hệ thống Back-End của nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC).

Sau khi xác định nguyên nhân, Công ty VETC đã cam kết hạn chế tối đa lỗi tương tự và hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo quá trình vận hành thu phí không dừng được ổn định.

Cùng với đó, VETC sẽ thông tin kịp thời đến các đơn vị thu phí, chủ phương tiện khi xảy ra sự cố, có biện pháp phòng ngừa, rà soát cấu hình hệ thống và nhân lực ứng trực 24/24h, đáp ứng lưu lượng xe tăng đột biến dịp lễ, Tết.

Theo báo cáo của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), từ 9h15 đến 11h45 ngày 22/1, hơn 350 ôtô dán thẻ thu phí tự động gặp lỗi tại các trạm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Hà Nội - Bắc Giang. Hệ thống thu phí không lưu được đầu vào cho xe dán thẻ, dẫn đến đầu ra không có dữ liệu để tính phí và trừ tiền.

Các xe bị lỗi bao gồm cả xe dán thẻ ePass của Công ty VDTC và thẻ VETC của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.

Sau sự cố, VETC đã phối hợp với VDTC, nhà đầu tư các tuyến cao tốc để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Sau 15 phút, sự cố đã được khắc phục, các xe dán thẻ lưu thông qua trạm thu phí bình thường. Với các xe bị lỗi, nhân viên trạm thu phí căn cứ vào biển số xe để xác định thông tin thu phí.

Kỷ luật Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Petimex

Trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát ông Lê Thanh Mân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, đã thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai phạm.

Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp tọa lạc tại phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp tọa lạc tại phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa quyết định thi hành kỷ luật khiển trách về mặt Đảng đối với ông Lê Thanh Mân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex).

Ông Mân bị kỷ luật do với vai trò, trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy cơ sở, người đại diện phần vốn nhà nước tại Petimex… nhưng trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ, dẫn đến chậm phát hiện Tổng kho xăng dầu Tân Phú Thạnh (TP. Cần Thơ) vi phạm trong quản lý hàng hóa công ty, tự ý xuất ứng trước 2.784.000 lít xăng, dầu cho Công ty CP Thương mại dầu khí Cửu Long khi chưa có lệnh xuất kho của phòng kinh doanh.

Đồng thời, ông Mân chưa kiên quyết chỉ đạo thu tiền nợ lãi bán hàng vượt định mức, lãi nợ cố định từ năm 2015 đến tháng 10/2020 đối với Công ty CP Thương mại dầu khí Cửu Long là vi phạm quy chế làm việc của Ban Điều hành Petimex; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.

Với những vi phạm tương tự như ông Mân, Chủ tịch HĐQT Petimex Trần Quang Sĩ đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Đảng.

Chuyên đề