Bản tin thời sự sáng 24/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Hải Tiến; tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm sâu; 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra vẫn chờ bổ sung quy hoạch; 3 đường bay Việt Nam vào top 10 đông khách nhất Đông Nam Á…

Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Hải Tiến

Ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển ba xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh và Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Bờ kè thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường bị sập

Bờ kè thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường bị sập

Ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn và mưa lũ, hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra rất nhanh, nguy hiểm tại ba xã của huyện Hoằng Hóa. Hiện đất liền bị xâm thực khoảng 25 ha, điểm sâu nhất tại xã Hoằng Phụ, khoảng 100 m.

Chủ tịch UBND Tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá, sạt lở, xâm thực đã làm mất đất sản xuất, kinh doanh, nguy cơ ảnh hưởng đến 205 hộ dân với 630 nhân khẩu. Nhiều công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Hải Tiến, đường ven biển và các công trình khác bị hư hại. Chính quyền dự báo sạt lở, xâm thực còn diễn biến khó lường.

Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch Tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, cắm mốc quan trắc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm không cho người dân và phương tiện đi vào khu vực sạt lở, nhất là lúc triều cường, sóng lớn. Chính quyền huyện, xã cần sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan trong vùng ảnh hưởng khi có tình huống xấu.

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện ngay giải pháp an toàn phù hợp tình hình thực tế.

Huyện Hoằng Hóa có khoảng 12 km đường bờ biển, gần 2/3 số đó đã được kè bê tông chắn sóng nhằm bảo vệ khu dân cư và hạ tầng du lịch, phần còn lại thường xuyên sạt lở. Đầu năm 2023, khoảng 1,5 km bờ biển xã Hoằng Phụ từng sạt lở nặng khiến UBND tỉnh Thanh Hóa phải ban bố tình trạng khẩn cấp, sau đó triển khai dự án đê biển hơn 155 tỷ đồng, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm sâu

Tỷ giá trên thị trường tự do sáng 23/8 giảm hơn 60 đồng, xuống 25.250 đồng/USD, thấp hơn gần 3% so với mức đỉnh cuối tháng 6 và chỉ còn cách giá USD ngân hàng khoảng 60 đồng.

Giao dịch USD tại một ngân hàng ở TP.HCM

Giao dịch USD tại một ngân hàng ở TP.HCM

Sáng 23/8, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tiếp tục hạ giá mua bán đôla Mỹ. Giá USD bán ra tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung (Hà Nội) giảm 50 - 60 đồng so với ngày 22/8, xuống 25.250 - 25.260 đồng. Giá thu mua mỗi USD quanh ngưỡng 25.200 đồng, với biên độ mua bán khoảng 50 - 60 đồng.

Ngược đà giảm mạnh của thị trường tự do, giá bán USD ngân hàng tăng, giúp chênh lệch thu hẹp về dưới ngưỡng 100 đồng - thấp nhất trong nhiều tháng.

Vietcombank sáng 23/8 yết giá bán USD ở mức 25.190 đồng đổi 1 USD, tăng khoảng 70 đồng so với ngày 22/8. Mức này chênh với thị trường tự do chỉ khoảng 60 đồng, tương ứng 0,2%. Trước đây, khi giá đôla Mỹ lập đỉnh 26.000 đồng, mức chênh của hai thị trường này lên đến hơn 500 đồng mỗi USD.

Tại các ngân hàng khác, giá bán đôla Mỹ quanh ngưỡng 25.170 - 25.220 đồng, tăng khoảng 60 - 80 đồng so với ngày 22/8.

154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra vẫn chờ bổ sung quy hoạch

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công Thương rà soát danh sách dự án điện mặt trời do Thanh tra Chính phủ chuyển sang trước khi đề xuất cập nhật vào quy hoạch.

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Nội dung này nêu tại kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo báo cáo của các địa phương, việc thực hiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đang bị chậm, một phần do hơn 154 dự án liên quan đến kết luận thanh tra, điều tra chưa được các địa phương, Bộ Công Thương rà soát kỹ để có hướng xử lý.

Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an rà soát kỹ 154 dự án điện mặt trời trong danh sách do Thanh tra Chính phủ chuyển sang. Cơ quan này phải đưa ra tiêu chí phân loại dự án theo vi phạm. Cụ thể, các dự án không vi phạm hình sự hoặc sai phạm, có thể khắc phục để làm tiếp sẽ được nhà chức trách xem xét, đề xuất hướng xử lý. Việc này nhằm tránh lãng phí tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Nội dung này báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8.

Bộ Công Thương được giao cùng các cơ quan công an rà soát kỹ các dự án trên. Cơ quan này phân loại những dự án thành các nhóm, gồm vướng về pháp lý, vướng pháp lý nhưng có thể khắc phục vi phạm, sai phạm. "Nếu phù hợp với 9 tiêu chí trong điều kiện để được triển khai dự án, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung các dự án này vào kế hoạch thực hiện quy hoạch", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, lưu ý các dự án này vẫn phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn hệ thống, truyền tải, hiệu quả kinh tế.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025. Nhưng thực tế, loại năng lượng này phát triển vượt quy hoạch, cao gấp hơn 17 lần tổng công suất được duyệt. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội.

3 đường bay Việt Nam vào top 10 đông khách nhất Đông Nam Á

Hà Nội - TP.HCM, Đà Nẵng - TP.HCM, Đà Nẵng - Hà Nội vào top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất Đông Nam Á, theo OAG Aviation.

Máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài

Máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài

Ngày 23/8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết OAG Aviation, nhà cung cấp dữ liệu các chuyến bay toàn cầu, vừa công bố trong tháng 8, các chuyến bay khởi hành từ Hà Nội đến TP.HCM lấp đầy hơn 949.200 ghế, dẫn đầu trong top 10 đường bay.

Số ghế đường bay Hà Nội - TP.HCM vượt qua nhiều chặng bay nội địa khác như Jakarta - Makassar (Indonesia) với 569.500 ghế, Jakarta - Bali với 473.200 ghế, Cebu - Manila (Philipppines) với 450.050 ghế.

Đường bay Đà Nẵng - TP.HCM xếp thứ 5 với số ghế cung ứng hơn 427.700. Đường bay Đà Nẵng - Hà Nội xếp thứ 7 với hơn 410.000 ghế. Các năm trước, Hà Nội - TP.HCM thường vào top đường bay nội địa nhộn nhịp nhất thế giới.

Trong top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất Đông Nam Á còn có các chặng nội địa của Indonesia như Surabaya - Makassar, Jakarta - Medan, Jakarta - Surabaya và Davao - Manila tại Philippines.

OAG là nhà cung cấp dữ liệu hàng không, du lịch toàn cầu có uy tín trên thế giới, thành lập từ năm 1929. Công ty có trụ sở chính tại Anh, hoạt động tại Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc.

Hà Nội sắp có thêm hơn 8.300 căn nhà ở xã hội

Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2029, toàn thành phố Hà Nội sẽ có 8.344 căn hộ thuộc 6 dự án nhà ở xã hội hoàn thành.

Các dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2029

Các dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2029

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt cập nhật Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3). Trong danh mục này có 6 dự án nhà ở xã hội, 121 dự án thương mại và khu đô thị mới.

Trong 6 dự án nhà ở xã hội, có 3 dự án thuộc quận Long Biên gồm Khu nhà ở giãn dân quận Hoàn Kiếm ở khu đô thị Việt Hưng, diện tích hơn 5 ha với 3.505 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Bên cạnh đó là dự án nhà ở xã hội tại ô đất CT thuộc ô quy hoạch CT1 Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Long Biên với 290 căn hộ, xây dựng trên diện tích 0,47 ha, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn quý II/2025 - IV/2028.

Dự án thứ 3 tại Long Biên là dự án nhà ở xã hội tại ô quy hoạch C14/NO1 phường Phúc Đồng, diện tích gần 3,7 ha với 1.220 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025 - IV/2029.

3 dự án còn lại nằm tại quận Ba Đình, huyện Thanh Trì và huyện Thạch Thất. Cụ thể, dự án khu nhà ở bán cho đối tượng thu nhập thấp Công an quận Ba Đình ở Xứ đồng Bảo Vân, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) được xây dựng với quy mô 77 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Nhà ở xã hội bán cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) bao gồm 660 căn hộ, dự kiến hoàn thành năm 2028.

Dự án nhà ở xã hội tại khu dân dụng Bắc Phú Cát ở xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) có diện tích khoảng 3 ha, cung cấp 2.592 căn hộ, được đề xuất hoàn thành vào năm 2028…

Hưng Yên có 584 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 7,6 tỷ USD

Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 584 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 7,6 tỷ USD.

Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên

Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng thứ 1 về số dự án đầu tư vào địa bàn Tỉnh với 176 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,8 tỷ USD. Tiếp đó là Trung Quốc với 155 dự án, tổng vốn đăng ký 1,19 tỷ USD; Hàn Quốc là 155 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 0,9 tỷ USD.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 35 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 12.048,63 ha; đã có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích 2.773,38 ha. Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long II quy mô 525,7 ha do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư là điển hình cho việc thu hút FDI của Tỉnh.

Hiện khu công nghiệp này đã tiếp nhận gần 110 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Tỉnh còn có một số dự án vốn đầu tư lớn tại các khu công nghiệp như: Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 385 triệu USD, dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD…

Thanh Hóa công bố hết dịch bạch hầu

UBND tỉnh Thanh Hóa tuyên bố hết dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát sau hai tuần không ghi nhận thêm ca mắc nào, ổ dịch được khoanh vùng.

Thị trấn Mường Lát, nơi xuất hiện ổ dịch bạch hầu vào đầu tháng 8

Thị trấn Mường Lát, nơi xuất hiện ổ dịch bạch hầu vào đầu tháng 8

Quyết định công bố hết dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ký, sáng 23/8. Theo quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn, kể từ 7/8 là ngày phát hiện 2 ca dương tính cuối cùng của ổ dịch tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh nào khác.

UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát hôm 11/8, nhằm triển khai các biện pháp chống dịch lây lan rộng trong cộng đồng và tập trung tiêm vaccine nâng cao miễn dịch.

"Theo quy định, sau 14 ngày kể từ khi công bố dịch, địa phương không ghi nhận thêm ca bệnh nào thì đủ điều kiện công bố hết dịch", ông Cẩn cho hay. Ngành y tế vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát bệnh bạch hầu như theo dõi người khỏi bệnh, người tiếp xúc gần (F1), tiêm vaccine.

Ngày 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa phát hiện ca bạch hầu đầu tiên là thai phụ 17 tuổi. Ba ngày sau, hai người gồm một bé trai 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ cũng dương tính. Khu phố Đoàn Kết là ổ dịch bạch hầu đầu tiên trong năm tại tỉnh Thanh Hóa, với chuỗi lây nhiễm gồm 3 ca, song chưa xác định nguồn lây cho bệnh nhân đầu tiên. Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên của cả nước công bố dịch bạch hầu, sau nhiều năm.

Cả 3 bệnh nhân hiện đã khỏi, về nhà tiếp tục cách ly đủ 21 ngày (tính từ thời gian phát bệnh) và theo dõi thêm hai tháng trước khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường. 34 F1 cũng ổn định sức khỏe, không có diễn biến bất thường. Gần 800 người được uống thuốc kháng sinh dự phòng, chủ yếu là người dân và nhân viên tham gia phòng chống dịch. Khoảng 1.000 liều vaccine Td được tiêm cho người dân vùng nguy cơ cao.

Chuyên đề