Bản tin thời sự sáng 24/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là năm 2026, cả nước dự kiến có 242.000 biên chế công chức; Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị thu hồi loạt slot; công ty mẹ HoSE nửa năm lãi nghìn tỷ, bằng cả năm ngoái; Bộ Công an đột kích nhiều “lò” làm giấy tờ giả…

Năm 2026, cả nước dự kiến có 242.000 biên chế công chức

Biên chế của cơ quan, tổ chức hành chính giai đoạn 2022 - 2026 là 242.000, giảm khoảng 7.000 so với hiện nay, theo đề xuất của Bộ Nội vụ.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP.Thủ Đức

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP.Thủ Đức

Bộ Nội vụ vừa trình Thủ tướng biên chế các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022 - 2026 (hưởng lương ngân sách nhà nước).

Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế của cơ quan, tổ chức hành chính hơn 242.000. Trong đó, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hơn 100.000 biên chế. Địa phương (cấp huyện trở lên) có hơn 140.000 biên chế. Số này đã bao gồm hơn 7.000 công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND chuyển thành công chức quận.

Biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hơn 1.000. Biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương là 686.

Các bộ, ngành, địa phương được giao xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và hàng năm để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế so với năm 2021.

Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ có ý kiến về số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương cho cả giai đoạn 2022 - 2026 và đến hết năm 2026 theo số lượng Bộ Chính trị đã phê duyệt. Số này chưa bao gồm gần 66.000 biên chế giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026, do Bộ Chính trị mới quyết định bổ sung.

Tổng biên chế công chức được Thủ tướng phê duyệt giảm dần những năm qua, năm 2021 là hơn 249.000; năm 2020 hơn 253.000 và năm 2019 gần 260.000.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị thu hồi loạt slot

Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 69 slot bị thu hồi, thuộc 25 chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị thu hồi loạt slot

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị thu hồi loạt slot

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố danh sách bổ sung các chuỗi slot (giờ cất, hạ cánh) đủ điều kiện thu hồi theo quy định.

Trong đó, tại sân bay Nội Bài có 5 slot bị thu hồi, thuộc về 3 số hiệu chuyến bay của Vietnam Airlines. Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 69 slot bị thu hồi, thuộc 25 chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 19/7 - 18/8, tổng cộng có 32.727 chuyến bay trên cả nước được thực hiện (giảm 1,5 điểm so với tháng trước). Trong số này có hơn 28.400 chuyến bay đúng giờ (86% OTP); gần 4.300 chuyến bay trễ giờ (13,1% OTP). Tổng số chuyến bay bị hủy là 84, tăng 0,13 điểm so với tháng trước.

Trong tháng 8, sản lượng bay qua các cảng hàng không cả nước là 11,5 triệu khách, giảm 3,5% so với tháng 7. Tuy nhiên, sản lượng bay lại tăng 473% so với năm 2021 và bằng 41% so với cùng kỳ 2019.

Sản lượng vận chuyển tại các hãng bay cũng giảm 3,8% so với tháng 7 (5,7 triệu khách). Con số tăng 471% so với tháng 8/2021 và bằng 118% so với cùng kỳ 2019. So với tháng 7, khách quốc tế tăng 15% (702.000 lượt), khách nội địa giảm 6% (5 triệu lượt).

Theo CN Traveller, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là một trong 7 sân bay có tỷ lệ hủy chuyến thấp nhất, dưới 0,3%.

Công ty mẹ HoSE nửa năm lãi nghìn tỷ, bằng cả năm ngoái

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), đơn vị nắm toàn bộ vốn của HoSE và HNX, nửa đầu năm lãi 1.215 tỷ đồng, gần bằng cả năm ngoái.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nửa năm lãi nghìn tỷ, bằng cả năm ngoái

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nửa năm lãi nghìn tỷ, bằng cả năm ngoái

Đây là kỳ báo cáo tài chính bán niên đầu tiên của VNX bởi công ty mới chính thức hoạt động từ tháng 8/2021 trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Hầu hết số liệu trong báo cáo tài chính này được hợp nhất từ kết quả kinh doanh của hai công ty con.

Doanh thu thuần sáu tháng đầu năm của VNX đạt 1.981 tỷ đồng. Trong đó, 95% đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán. Phần thiểu số là doanh thu dịch vụ niêm yết, đấu giá, quản lý thành viên...

Sau khi trừ chi phí, VNX lãi trước thuế 1.518 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.215 tỷ đồng. Báo cáo tài chính thể hiện khoản lãi ghi nhận từ HoSE trong giai đoạn này là 918 tỷ đồng, còn HNX đóng góp 273 tỷ đồng.

VNX trích gần 2% lợi nhuận sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi, còn lại toàn bộ nộp về ngân sách nhà nước.

Tính đến cuối tháng 6, VNX có tổng tài sản xấp xỉ 4.100 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn chiếm đến 2.800 tỷ đồng trong số này.

Bộ Công an đột kích nhiều “lò” làm giấy tờ giả

Các tổ công tác của Bộ Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp 7 địa điểm tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt nhiều nghi can trong đường dây làm giấy tờ giả.

Bằng cấp, giấy tờ giả của nhóm Hiệp bị thu giữ

Bằng cấp, giấy tờ giả của nhóm Hiệp bị thu giữ

Ngày 23/8, Nguyễn Ngọc Hiệp, Nguyễn Ngọc Thuận cùng 4 người khác bị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) bắt giữ về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức.

Lực lượng chức năng thu giữ một lượng lớn tang vật là hơn 600 phôi bằng các loại, hàng chục nghìn tem, 150 loại giấy tờ thành phẩm, nhiều máy tính, máy scan màu, ép nhựa, gần 100 con dấu...

Theo cơ quan điều tra, Hiệp và Thuận cầm đầu đường dây làm giấy tờ giả này. Giúp sức cho họ là nhiều người làm đại lý ở các tỉnh thành.

Những người này tạo Fanpage Chuyên làm cavet để quảng cáo nhận làm các loại bằng cấp, giấy tờ như: hộ chiếu, bằng lái và đăng ký xe, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm ngân hàng... y như thật và "không thể phát hiện bằng mắt thường". Tùy loại giấy tờ có giá từ 500 nghìn đồng đến 6 triệu đồng.

Mỗi thành viên trong đường dây sẽ phụ trách sản xuất một loại giấy tờ giả. Hiệp chuyên làm bằng lái, đăng kiểm ô tô, xe máy và hộ chiếu; Thuận làm đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng...

Khách muốn đặt "hàng" sẽ liên hệ qua Zalo của nhóm, cung cấp thông tin và thỏa thuận giá tiền. Khi giấy tờ giả được làm xong, nhóm Hiệp sẽ gửi cho khách qua đơn vị vận chuyển công nghệ, nhận thanh toán chuyển khoản. Giao dịch xong, chúng xóa tin nhắn trao đổi giữa hai bên.

Đề xuất thêm cầu nối TP.HCM - Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây thêm cầu nhằm tăng nối kết giao thông, kinh tế giữa hai địa phương.

Ba cây cầu kết nối trực tiếp TP.HCM qua Đồng Nai chưa đưa vào khai thác

Ba cây cầu kết nối trực tiếp TP.HCM qua Đồng Nai chưa đưa vào khai thác

Nơi xây cầu được đề xuất trong phạm vi đoạn sông dài 15 km, từ cầu Đồng Nai trên Quốc lộ 1 đến cầu Long Thành thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đầu cầu phía Đồng Nai dự tính nối vào đường ĐT.777B (xã Tam An, huyện Long Thành).

Việc xây thêm cầu nối hai địa phương được đánh giá là cần thiết, giúp người dân đi lại thuận tiện, nhất là khi sân bay Long Thành hoạt động từ năm 2025. Đồng thời, thêm hướng kết nối mới cũng được cho sẽ giúp khai thác hiệu quả các Dự án Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sắp đầu tư.

Tỉnh Đồng Nai và TP.HCM bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện, kết nối đường bộ giữa hai địa phương thông qua 3 trục chính là Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K (qua địa phận tỉnh Bình Dương) và cao tốc Long Thành. Tuy nhiên, hiện các tuyến đường này đều bị quá tải.

Trong đó, Long Thành (thông xe cùng tuyến cao tốc từ 2015) vẫn là cây cầu duy nhất đã hoàn thành kết nối trực tiếp TP.HCM và Đồng Nai. Ngoài ra, có 3 cây cầu khác được đầu tư để liên kết hai tỉnh thành, gồm: Phước Khánh (đang thi công); Nhơn Trạch (chờ mặt bằng) và Cát Lái (đang nghiên cứu vị trí xây dựng).

Hơn 200 kiốt ven biển Cửa Lò sẽ bị giải tỏa

Chính quyền thị xã Cửa Lò thống nhất kế hoạch giải tỏa hơn 200 kiốt dọc đường Bình Minh để chỉnh trang đô thị, trả lại bờ biển cho du khách.

Dãy kiốt ven biển Cửa Lò thuộc diện giải tỏa

Dãy kiốt ven biển Cửa Lò thuộc diện giải tỏa

UBND thị xã Cửa Lò cho biết, kế hoạch giải tỏa phía đông đường Bình Minh đã được Ban thường vụ Thị ủy thông qua. 209 kiốt thuộc diện giải tỏa nằm trải dài hơn 4 km trên đường Bình Minh, thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương, Thu Thủy.

Số kiốt này do chính quyền thị xã xây dựng và một số của người dân tự xây. Tất cả đã hết hạn kinh doanh từ tháng 9/2020, sau đó thị xã cho gia hạn từng năm. Một số kiốt trong khuôn viên Nhà nghỉ dưỡng 382 (Bộ Công an) cũng thuộc diện giải tỏa.

Ngoài ra, 20 bãi đậu xe do Nhà nước đầu tư đã hết hạn kinh doanh từ tháng 9/2020, được gia hạn từng năm một; một bãi đậu xe ở phường Nghi Hương do người dân đầu tư theo hình thức BOT cũng được xem xét di dời.

Theo kế hoạch, việc giải tỏa được thực hiện theo ba bước. Bước một, thông báo kế hoạch cho các hộ kinh doanh, hoàn thành vào tháng 9. Bước hai là thanh lý hợp đồng với các chủ kiốt, yêu cầu họ tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho thị xã; làm việc với Nhà nghỉ dưỡng 382 để giải tỏa các kiốt trong khuôn viên, hạn hoàn thành cuối tháng 10.

Bước cuối cùng chính quyền sẽ cho san ủi, vận chuyển toàn bộ rác thải xây dựng ra khỏi khu vực, hoàn trả mặt bằng. Việc này dự kiến hoàn thành cuối năm.

Sau khi giải tỏa các kiốt, chính quyền sẽ sửa chữa 10 nhà vệ sinh và tắm nước ngọt công cộng. Các chủ kiốt có nhu cầu sẽ được tham gia đấu giá, bố trí mặt bằng kinh doanh tại trục đường chính phía tây đường Bình Minh.

Buýt điện 12 chỗ ở trung tâm TP.HCM dừng hoạt động

Tuyến buýt điện 12 chỗ đầu tiên chạy ở khu trung tâm Thành phố dừng hoạt động sau 5 năm vận hành do vắng khách.

Tuyến buýt D1 chạy trên đường Hàm Nghi (Quận 1) khi còn khai thác năm 2020.

Tuyến buýt D1 chạy trên đường Hàm Nghi (Quận 1) khi còn khai thác năm 2020.

Tuyến xe số hiệu D1 (Công viên 23/9 - Thảo cầm viên Sài Gòn), vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo dừng khai thác. Đây là một trong ba tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM, hoạt động hồi đầu năm 2017, vé 12.000 đồng mỗi lượt. Tuyến chủ yếu phục vụ khách du lịch, tham quan các địa điểm văn hoá, lịch sử... ở khu trung tâm Thành phố.

Đại diện Tập đoàn Mai Linh (đơn vị khai thác tuyến) cho biết, thời gian đầu, tuyến D1 mỗi ngày gần 70 chuyến hoạt động thu hút nhiều khách. Tuy nhiên, sau hai năm ảnh hưởng Covid-19, khách giảm mạnh nên đơn vị dừng chạy.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), ngoài tuyến xe nêu trên, hai tuyến buýt điện khác loại 12 chỗ gồm D2 và D3 hoạt động ở khu Phú Mỹ Hưng (Quận 7) hiện vẫn khai thác.

TP.HCM đang có hơn 2.000 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến. Hồi tháng 3, Thành phố thí điểm tuyến buýt điện cỡ lớn kết nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP. Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn (Quận 1). Đây là tuyến đầu tiên đưa vào hoạt động trong 5 tuyến buýt điện cỡ lớn ở Thành phố. Bốn tuyến còn lại chuẩn bị đưa vào khai thác.

Trước đó, TP.HCM nhiều lần đề xuất mở các tuyến buýt nhỏ 12 - 17 chỗ để đa dạng loại hình giao thông công cộng, phù hợp với đường hẹp, giúp người dân dễ tiếp cận. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai vì vướng quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư