Bản tin thời sự sáng 23/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bác bỏ tin đồn lãnh đạo nghỉ việc; 101/155 dự án bồi thường của năm 2023 tại TP.HCM chưa giải ngân; thêm 1,3 tỷ USD đầu tư vào Hải Phòng; hàng tấn tôm hùm không thể thông quan ở cửa khẩu Móng Cái; giá biển số "siêu đẹp" giảm mạnh sau phiên đấu giá đầu tiên…

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bác bỏ tin đồn lãnh đạo nghỉ việc

Sau phiên sáng chứng khoán giảm mạnh, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức lên tiếng khẳng định tin đồn liên quan đến nhân sự lãnh đạo nghỉ việc là không chính xác.

Dàn lãnh đạo cao cấp của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Dàn lãnh đạo cao cấp của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Gần đây xuất hiện thông tin lan truyền liên quan đến biến động nhân sự lãnh đạo HOSE. HOSE đã chính thức lên tiếng khẳng định thông tin trên là chưa chính xác.

Hiện HOSE, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng các thành viên thị trường đang thực hiện kiểm thử vận hành hệ thống công nghệ thông tin tích hợp (hệ thống KRX) theo kế hoạch.

Đại diện HOSE khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng chọn lọc và tìm hiểu kỹ các thông tin trên cổng thông tin chính thức của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (www.hsx.vn).

Theo mô hình hoạt động, Ban điều hành của HOSE sẽ thuộc phụ trách của Chủ tịch Sở và được giám sát bởi Ban Kiểm soát.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Việt Hà đang giữ chức Quyền Chủ tịch HOSE. Ban điều hành của HOSE gồm 3 thành viên là bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng giám đốc và bà Ngô Viết Hoàng Giao - Phó Tổng giám đốc. Ở Ban Kiểm soát, ông Đậu Khắc Trình giữ cương vị Trưởng ban.

Theo một số môi giới chứng khoán, sự việc này đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, là một phần nguyên nhân khiến thị trường lao dốc trong phiên sáng 22/9.

101/155 dự án bồi thường của năm 2023 tại TP.HCM chưa giải ngân

Trong 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân, 24 dự án chậm tiến độ và có đến 101 dự án chưa giải ngân.

Nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức là một trong những dự án có vốn bồi thường lớn hơn 1.000 tỷ đồng của TP.HCM

Nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức là một trong những dự án có vốn bồi thường lớn hơn 1.000 tỷ đồng của TP.HCM

Đó là nội dung từ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP.HCM về tình hình giải ngân vốn (bồi thường) tính đến ngày 13/9/2023.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, TP.HCM tiếp tục giải ngân đối với 116 dự án của năm 2022 chuyển sang (với tổng số vốn hơn 5.697 tỷ đồng) và giải ngân 155 dự án mới (tổng vốn hơn 21.191 tỷ đồng).

Tính đến ngày 13/9, các địa phương đã giải ngân được 11.625 tỷ đồng, đạt khoảng 43%, cao hơn bình quân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nhưng so với mục tiêu đề ra thì chưa đạt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với tỷ lệ giải ngân hiện nay, các địa phương có khả năng chỉ hoàn thành giải ngân phần vốn của năm 2022 phải tiếp tục thực hiện, riêng các dự án được giao vốn mới trong năm 2023 thì không đạt và phải tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

Trong số 101 dự án chưa giải ngân, TP. Thủ Đức dẫn đầu với 26 dự án, huyện Củ Chi có 11 dự án, Bình Chánh có 10 dự án, Hóc Môn có 9 dự án…

Nguyên nhân chậm giải ngân được chỉ ra gồm lập dự toán chi phí bồi thường chưa chính xác, chậm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cũng như vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Sở này kiến nghị, với những dự án của năm 2022 đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thêm 1,3 tỷ USD đầu tư vào Hải Phòng

14 dự án với tổng trị giá 1,3 tỷ USD được các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rót vốn, mở rộng đầu tư tại TP. Hải Phòng.

DEEP C Hải Phòng có thêm một dự án trị giá 500 triệu USD

DEEP C Hải Phòng có thêm một dự án trị giá 500 triệu USD

Các dự án được Ban Quản lý các khu kinh tế TP. Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư chiều 22/9 phần lớn thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, thiết bị quang học, linh phụ kiện ô tô.

Dự án có số vốn lớn nhất được trao chứng nhận đầu tư dịp này là Dự án Sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc), vốn đầu tư 500 triệu USD tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng.

Kyocera Document Solutions Inc - nhà đầu tư từ Nhật Bản cũng được nhà chức trách Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư để mở rộng Dự án Sản xuất máy và thiết bị văn phòng thêm 238 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư dự án này lên 425 triệu USD.

Một số dự án khác trong các lĩnh vực phát triển nhà xưởng xây sẵn, pin, sản xuất linh, phụ kiện phụ trợ cho ô tô và thiết bị quang học của các nhà đầu tư Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) cũng được trao chứng nhận đầu tư, tổng vốn gần 230 triệu USD.

Ngoài ra, Ban Quản lý các khu kinh tế Hải Phòng đã chọn được nhà đầu tư cho 2 dự án nhà ở xã hội tại quận Hải An, vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Các dự án này khi vận hành sẽ cung ứng hơn 8.000 căn cho nhu cầu nhà ở của người dân Thành phố.

Hiện, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn gần 28 tỷ USD. Trên 71% các dự án này được đầu tư, xây dựng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Thành phố, với số vốn hơn 38 tỷ USD.

8 tháng đầu năm 2023, 45 dự án FDI với tổng vốn gần 2,1 tỷ USD được cấp mới vào Hải Phòng. Các doanh nghiệp FDI đạt doanh thu gần 20 tỷ USD, đóng góp 14,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách 8.700 tỷ đồng.

Hàng tấn tôm hùm không thể thông quan ở cửa khẩu Móng Cái

Khoảng 6 tấn tôm hùm của các doanh nghiệp xuất qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã chết do phía Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập mặt hàng này.

Lối mở Km34+5 Hải Yên, nơi xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

Lối mở Km34+5 Hải Yên, nơi xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

Lãnh đạo Chi cục Hải quan TP. Móng Cái cho biết, việc phía Trung Quốc hạn chế nhập tôm hùm bắt đầu từ khoảng 3 ngày nay.

Do vậy, khoảng 6 tấn tôm hùm không kịp về các kho đông lạnh đã chết và được bán ra thị trường để thu hồi vốn với giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi kg, bằng một phần ba giá xuất khẩu, để thu hồi vốn.

Tôm hùm được xuất sang Trung Quốc qua lối mở Km34+4 Hải Yến với khoảng 100 xe mỗi ngày. Hải quan Móng Cái đề nghị các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin và có các biện pháp bảo vệ hàng hóa, tránh thiệt hại.

Theo UBND TP. Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 15/9, tại lối mở Km3+4 Hải Yên có hơn 32.000 xe chở hơn 532.000 tấn hàng hóa xuất khẩu, bình quân tăng 128% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, 10% là tôm, cua, cá sống.

Đề xuất TP.HCM lập doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc Thành phố để đầu tư, quản lý nhà ở xã hội.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết quý II năm nay, TP.HCM mới đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết quý II năm nay, TP.HCM mới đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn

Đây là một trong nhiều đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM trong báo cáo việc triển khai các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2025. Cơ quan này đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM thời gian qua.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn, kéo dài khiến tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các căn hộ diện tích nhỏ 25 - 30 m2 và giá 300 - 400 triệu đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

"Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vốn cho các đối tượng hưởng chính sách mua nhà chưa ổn định", Sở Xây dựng nêu. Đồng thời, các bước thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Xây dựng đề xuất Thành phố, Trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc Thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Ngoài đề xuất trên, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp…

Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM hoàn thành 19 dự án với 1,18 triệu m2, quy mô gần 15.000 căn nhà ở xã hội. Con số này đạt xấp xỉ 75% kế hoạch. Giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết quý II năm nay, TP.HCM mới đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn. 7 dự án nhà ở xã hội với gần 5.000 căn đang thi công. 82 dự án đang được thống kê theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Giá biển số "siêu đẹp" giảm mạnh sau phiên đấu giá đầu tiên

Tại hai phiên ngày 21 - 22/9, tiền trúng đấu giá giảm mạnh so với phiên đầu tiên khi mức cao nhất là 4,8 tỷ đồng, thấp nhất 45 triệu đồng.

Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông

Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông

Trong hai ngày 21 - 22/9 tiếp tục diễn ra các phiên đấu giá 32 biển số đẹp của các tỉnh, thành phố. Trong đó, hai biển được trả giá cao nhất là 51K-868.68 với 4,86 tỷ đồng, 51K-777.77 ở mức 3,64 tỷ đồng.

Hai biển số có tiền trúng đấu giá thấp nhất là 66A-233.33 (Đồng Tháp) và 14A-822.88 (Quảng Ninh) với 45 triệu đồng mỗi biển, chỉ chênh một bước giá so với giá khởi điểm 40 triệu đồng.

Những biển được nhận định là đẹp như 38A-555.55 có mức trả cao nhất 1,1 tỷ đồng, biển 51K-888.68 là 750 triệu đồng. Các biển "tam hoa, tứ quý, lộc phát" còn lại mức trúng đấu giá từ 215 triệu đồng đến 3,6 tỷ đồng.

Chốt hai phiên, tổng số 32 biển số được đấu giá thành công với 30,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên đấu giá đầu tiên. Trong phiên ngày 15/9, chỉ với 11 biển số đã thu 82,3 tỷ đồng, trong đó biển 51K-888.88 (TP.HCM) là 32,34 tỷ đồng.

TP.HCM chỉ đạo xử lý vụ hàng loạt sân tập lái xe "mọc" trên đất nông nghiệp

UBND TP.HCM chỉ đạo huyện Bình Chánh kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để xảy ra việc hình thành hàng loạt sân tập lái xe vi phạm quy định. Những nơi này cần chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại.

Sân tập lái của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hùng Vương xây "lụi" trên đất nông nghiệp đã hoàn thành việc tháo dỡ (ảnh chụp ngày 29/8)
Sân tập lái của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hùng Vương xây "lụi" trên đất nông nghiệp đã hoàn thành việc tháo dỡ (ảnh chụp ngày 29/8)

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Bình Chánh nhằm truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, liên quan việc xử lý các trường hợp xây dựng sân tập lái xe vi phạm về đất đai, xây dựng tại huyện Bình Chánh.

Lãnh đạo UBND TP.HCM giao chính quyền huyện Bình Chánh khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, Huyện cần kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để xảy ra nhiều vi phạm với quy mô lớn mà không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý.

Các trường hợp vi phạm cần được rà soát để xử lý, khắc phục dứt điểm. Kết quả thực hiện cần báo cáo lại UBND TP.HCM trước ngày 20/10.

Sở Giao thông vận tải cần rà soát việc cấp phép hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm tại huyện Bình Chánh. Đồng thời, đơn vị cần tham mưu trình Chủ tịch UBND TP.HCM giải pháp chế tài đối với những cơ sở vi phạm đất đai, quy hoạch, xây dựng trước khi thực hiện cấp phép hoạt động.

Theo rà soát của Sở Xây dựng TP.HCM, huyện Bình Chánh đang có 13 sân tập lái xe. Trong đó, 3 trường hợp chưa đầu tư xây dựng; 1 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, đã bị lập hồ sơ xử lý và chấp hành xong quyết định xử phạt; 6 trường hợp xây không phép chưa bị xã lập hồ sơ xử lý; 3 trường hợp xây dựng không phép đã bị xử lý tháo dỡ hoặc tháo dỡ một phần.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư