Bản tin thời sự sáng 23/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu oan; Cà Mau thuê tư vấn độc lập tìm nguyên nhân sập cầu Cái Vàm Đôi; dời hơn 500 trụ điện giữa đường Sài Gòn trước Tết Nguyên đán 2022; tiếp tục kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2022; Việt Nam triển khai thương mại 5G năm 2022…

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu oan

Cựu chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung kháng cáo cho rằng không ưu ái cho công ty gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho Thành phố như án sơ thẩm quy kết.

Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên xử sơ thẩm vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C
Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên xử sơ thẩm vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C

Ngày 22/12, sau 9 ngày tuyên án sơ thẩm, ông Nguyễn Đức Chung đã gửi đơn kháng cáo đến TAND Hà Nội. Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên buộc ông phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là oan. Chi tiết nội dung kháng cáo, ông Chung cho hay, ông và các luật sư bào chữa sẽ cung cấp bổ sung cho TAND cấp cao tại Hà Nội trong quá trình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm được tuyên ngày 13/12, ông Chung nhận mức án 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Trường Giang - cựu Giám đốc Công ty Arktic - lĩnh 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội - lĩnh 4 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn Hà Nội bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại Thành phố.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 36 tỷ đồng.

Cà Mau thuê tư vấn độc lập tìm nguyên nhân sập cầu Cái Vàm Đôi

Tỉnh Cà Mau thuê tư vấn độc lập tìm nguyên nhân cầu Cái Vàm Đôi ở huyện Phú Tân khi đang xây dựng bị sập nhịp giữa, từ đó đưa ra phương án xử lý.

Vị trí gãy nhịp giữa khi rớt xuống sông

Vị trí gãy nhịp giữa khi rớt xuống sông

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, sau khi cầu bị sập, Sở Giao thông vận tải Cà Mau được giao xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, đơn vị này thấy không đủ năng lực nên thuê đơn vị tư vấn độc lập. Hiện, tổ công tác hai Sở Giao thông vận tải, Xây dựng và các đơn vị liên quan đã tới huyện Phú Tân để kiểm tra, đánh giá sự cố.

Giám đốc Công ty CP Tập đoàn TPM (đơn vị thi công) Sử Thành Phú cho biết, doanh nghiệp này trúng thầu xây cầu năm 2019, nhưng do vướng giải phóng mặt bằng nên dự án kéo dài. Cầu dài hơn 100 m, rộng 6,5 m, nếu không xảy ra sự cố sẽ được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm nay.

Sáng ngày 21/12, cầu Cái Đôi Vàm trong quá trình hoàn thiện (lắp lan can, tay vịn, đường dẫn...) thì trụ giữa bị lún, khiến hai nhịp giữa bị gãy đổ, sập hoàn toàn. Sự cố không gây thương vong do thời điểm đó dưới cầu không có tàu thuyền đi qua.

Dự án cầu Cái Đôi Vàm tổng vốn đầu tư hơn 54 tỷ đồng, khởi công năm 2020, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư. Công ty CP Tư vấn xây dựng 533 phía Nam là cơ quan giám sát.

Cửa khẩu quốc tế ở Lào Cai thông quan trở lại

Sau bốn ngày tạm dừng, cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai) thông quan trở lại.

Hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) trở lại bình thường

Hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) trở lại bình thường

Theo Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai, từ 16/12 đến nay, mỗi ngày trên 300 phương tiện thông quan qua cửa khẩu Kim Thành, trong đó 100 xe xuất và 200 xe nhập.

Trước đó, từ 0h ngày 12/12, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu này để nâng cấp các khu vực bãi kiểm hóa, lắp đặt thêm thiết bị kiểm soát dịch Covid-19 ở cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam). Do được thông báo từ trước, trong bốn ngày tạm dừng, tại cửa khẩu Kim Thành không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Phía Trung Quốc cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không chở hàng hóa bằng các xe bảo ôn, thùng kín qua cửa khẩu Kim Thành từ cuối tháng 9/2021, do đó xe hàng lên đây chủ yếu chở hàng khô như bánh kẹo, gỗ ván bóc, tinh bột sắn, ngô và chuối xanh.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai Phạm Hùng, chính sách phòng chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt (Trung Quốc thực hiện "zero Covid"), nên trong những ngày qua để hàng hóa được xuất nhập khẩu thông suốt, hai bên thường xuyên phải trao đổi trực tuyến và gặp mặt tại đường phân định biên giới.

Ông Hùng cho biết them, nếu người nào ra khỏi khu vực cửa khẩu thì khi quay lại sẽ phải cách ly y tế 21 ngày.

Với các phương tiện vận chuyển hàng vào Trung Quốc, ngoài việc phun khử khuẩn, cơ quan chức năng nước này còn xét nghiệm Covid-19 trên hàng hóa, thành thùng... Hiện tại, cửa khẩu Kim Thành đang có khoảng 50 tài xế tham gia trung chuyển hàng hóa.

Ngày 21/12, chính quyền thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, thông báo tạm dừng thông quan hàng hóa với cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.

Dời hơn 500 trụ điện giữa đường Sài Gòn trước Tết Nguyên đán 2022

Hàng trụ điện ở đoạn dài hơn 5 km Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, sẽ được di dời trước Tết Nguyên đán, để người dân đi lại thuận tiện.

Dãy trụ điện ở giữa tuyến đường Đặng Thúc Vịnh

Dãy trụ điện ở giữa tuyến đường Đặng Thúc Vịnh

Giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn Võ Hồng Minh Danh cho biết, đơn vị đang phối hợp các bên liên quan đẩy nhanh trồng trụ điện mới phía hai bên đường để phục vụ di chuyển lưới điện, trước khi thu hồi các trụ cũ nằm giữa tuyến. Trong tổng 642 trụ mới dọc vỉa hè thuộc phạm vi Dự án, hiện nhà thầu đã trồng được 456 trụ, đạt hơn 70% khối lượng.

Trước Tết Nguyên đán, việc thi công trồng các trụ còn lại sẽ hoàn thành. Dãy trụ điện cũ được di dời khỏi tuyến, giúp đồng bộ kế hoạch thông xe kỹ thuật đường Đặng Thúc Vịnh.

Hiện, trong phạm vi Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, dài 5,2 km từ tuyến Tô Ký đến Lê Văn Khương, hơn 500 trụ điện ở giữa tuyến đang phục vụ cấp điện cho các xã Thới Tam Thôn, Đông Thạnh và Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Dãy trụ điện này trước đây ở sát tuyến, nay nằm giữa đường do Dự án mở rộng hai bên lên 30 m.

Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh triển khai từ năm 2018, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Công trình hiện đạt hơn 80% khối lượng, nhiều đoạn đã trải nhựa, lát đá vỉa hè...

Tiếp tục kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022 tại phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia vào quý I/2022.

Công nhân Pouyuen TP.HCM tan ca

Công nhân Pouyuen TP.HCM tan ca

Phó Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, quý I/2022 là thời điểm thích hợp để khởi động lại việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau 2 năm liên tiếp không tăng. Đời sống công nhân, lao động sa sút sau đợt dịch thứ tư kéo dài. Hiện sản xuất dần phục hồi. Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lẫn phương án hợp lý, vì lợi ích hai bên và phù hợp với sức khỏe doanh nghiệp.

Ông Quảng đánh giá việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết, khi chi phí như xăng dầu tăng dẫn tới giá cả các mặt hàng cũng tăng. Phần lương tăng thêm cũng là khoản bù đắp cho các chi phí này.

Điều chỉnh tiền lương tối thiểu còn góp phần giải quyết bài toán an sinh, mở rộng diện bao phủ BHXH và hạn chế rút BHXH một lần.

Tiền lương tối thiểu vùng giữ nguyên từ ngày 1/1/2020, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Hồi đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn cả năm, song chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi.

Đợt dịch thứ tư đã khiến hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 54) thất nghiệp, tính hết quý III/2021. Tỷ lệ lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức lẫn phi chính thức đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Thống kê sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 2 triệu công nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Việt Nam triển khai thương mại 5G năm 2022

Việt Nam đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022, thúc đẩy người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%.

Một hệ thống thiết bị 5G do doanh nghiệp Việt Nam phát triển

Một hệ thống thiết bị 5G do doanh nghiệp Việt Nam phát triển

Việc triển khai 5G nằm trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Viễn thông năm 2022. Theo đó, mạng 5G dự kiến được chính thức thương mại hóa trong năm tới, sử dụng các thiết bị Make in Vietnam. Ngành viễn thông cũng nghiên cứu và thúc đẩy áp dụng các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến như MORAN (Multi Operator Radio Access Network), MOCN (Multi-Operator Core Network). Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào 2025.

Trước đó, cuối 2020, mạng 5G từng được dự định thương mại hóa giữa năm nay nhưng hiện vẫn ở trạng thái thử nghiệm. Bộ TT&TT sẽ quy hoạch các băng tần 6/7 GHz và trên 40 GHz cho thông tin di động 5G. Băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz cũng được phân bổ lại cho mạng 4G và 5G.

Năm nay, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước. Trong khi đó, mạng 5G đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhà mạng Viettel cho biết đã nghiên cứu thành công sản phẩm 5G hoàn chỉnh, gồm mạng lõi 5G Core, mạng truyền dẫn Site Router 100G, mạng vô tuyến gNodeB Micro và Macro. Công ty cũng đã triển khai thử nghiệm một cụm mạng 5G hoàn chỉnh trong tháng 12.

Đà Nẵng đảm bảo tiêm phủ mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong quý 1/2022

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có kế hoạch tiêm mũi 3 cho khoảng 8.000 người đầu tiên; đảm bảo theo đúng tiến độ trong quý I/2022 sẽ tiêm phủ hết mũi 3 cho người dân Thành phố.

Đà Nẵng đảm bảo tiêm phủ mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong quý 1/2022

Đà Nẵng đảm bảo tiêm phủ mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong quý 1/2022

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trương Văn Trình, trong tuần này Sở Y tế sẽ hoàn thiện văn bản, quy trình điều trị F0 tại nhà để triển khai rộng rãi trên địa bàn Thành phố.

Liên quan công tác tiêm chủng, từ ngày 24 - 27/12 tới, Sở Y tế sẽ tổ chức triển khai các điểm tiêm vét mũi 1 cho khoảng 5.000 người, đồng thời bố trí xe lưu động đến tận nhà để tiêm cho trường hợp không đi đến được điểm tiêm. Sau khi tiêm vét xong, Sở có kế hoạch tiêm mũi 3 cho khoảng 8.000 người đầu tiên. Đảm bảo theo đúng tiến độ trong quý I/2022, Đà Nẵng sẽ tiêm phủ hết mũi 3 cho người dân Thành phố.

Cuối tháng 12 này, thành phố Đà Nẵng sẽ tiêm dứt điểm mũi 1 cho những người chưa được tiêm. Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm vaccine cho 1.914.040 liều, trong đó 967.473 người tiêm mũi 1, 946.040 người tiêm mũi 2 và 527 người tiêm mũi 3.

Chuyên đề