Bản tin thời sự sáng 22/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hầm đường sắt Chí Thạnh ở Phú Yên sạt lở; đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước; lũ cát ập xuống khu du lịch ở Mũi Né, vùi lấp ô tô; Bình Dương thu hút gần 4.300 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 40,6 tỷ USD…

Hầm đường sắt Chí Thạnh ở Phú Yên sạt lở

Mưa lớn khiến hầm đường sắt Chí Thạnh dài 325 m, ở huyện Tuy An, sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng các chuyến tàu Bắc - Nam chạy qua khu vực.

Hiện trường sạt lở hầm

Hiện trường sạt lở hầm

Trưa 21/5, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, sự cố sạt lở xảy ra lúc 10h30 cùng ngày. Những ngày qua trên địa bàn mưa nhiều, nước ngấm vào hầm, lượng đất đá trên trần hầm rơi xuống khoảng 50 m3.

"Hầm đường sắt Chí Thạnh đang trong quá trình phong tỏa để thi công cải tạo, bất ngờ đất đá trên trần sạt xuống, hiện lực lượng chức năng gấp rút khắc phục sự cố", ông Vinh nói, cho hay vị trí sạt lở ở giữa hầm, dài 16m, cách cửa hầm 160 m.

Để khắc phục sự cố, phần đất đá phía dưới sẽ được giữ để tạo thành chân bịt kín phía trên nóc hầm. Sau đó, các công nhân sẽ khoan tạo neo và phun bêtông trên vỏ hầm tạo khối liên kết vững chắc, rồi mới dọn dẹp đất đá ở dưới. "Chưa dự kiến được thời gian thông tuyến", ông Vinh nói.

Theo đơn vị quản lý, từ vài năm nay hầm đã xuống cấp, thi thoảng sạt lở. Do đó, hầm được phong tỏa vào khung giờ vắng tàu để cơ quan chức năng gia cố, sau đó mở lại để không ảnh hưởng tàu chạy qua. Sau khi xảy ra sự cố, ngành đường sắt đã lên phương án chuyển tải hành khách giữa ga Tuy Hòa và ga La Hai (hai ga cách nhau khoảng 40 km, thuộc tỉnh Phú Yên).

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh cho biết, đơn vị đang huy động toàn bộ lực lượng công nhân và thiết bị từ các đội đường sắt lân cận tới khắc phục.

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có một số hầm yếu, thường xuyên sạt lở. Gần đây nhất là hầm Bãi Gió thuộc tỉnh Khánh Hòa sạt lở hồi đầu tháng 4/2024, giao thông đường sắt qua đây tê liệt trong 10 ngày. Sự cố khiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thiệt hại 50,4 tỷ đồng.

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước

Nội dung trên nêu tại dự thảo tờ trình về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Cụ thể, cơ quan này đề nghị lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2024 sang muộn nhất vào 20/11 năm nay.

3 tháng đầu năm, tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 14.160 xe một tháng. Số tiêu thụ đặc biệt dự kiến bình quân một tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo khoảng 2.140 tỷ đồng. Tương ứng, tổng số tiền thuế thuế được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất nói trên khoảng 8.560 tỷ đồng.

Bộ Tài chính dự đoán, trong năm 2024, thị trường ô tô và toàn nền kinh tế đối mặt với tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế, xung đột địa chính trị. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, riêng sản xuất, lắp ráp ôtô gặp suy thoái kinh tế, khiến doanh số bán hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng.

"Đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay", Bộ Tài chính đánh giá và cho biết thêm rằng, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11 nên chính sách này không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay.

Nếu được Chính phủ thông qua, từ năm 2020, đây sẽ là lần thứ năm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Năm ngoái, chính sách này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, với số thuế giãn nộp trên gần 8.100 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn gần 5.200 tỷ đồng.

Lũ cát ập xuống khu du lịch ở Mũi Né, vùi lấp ô tô

Sau trận mưa lớn, lũ cát đỏ từ trên phía đồi cao ập xuống khu du lịch, vùi lấp ôtô, gây tắc nghẽn tuyến đường du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, sáng 21/5.

Ô tô bị cát vùi lấp

Ô tô bị cát vùi lấp

Khoảng 3h, sau trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ trong đêm, nước lũ từ trên đồi cao phía sau khu dân cư đã ập xuống tuyến đường ven biển 706 nối Hàm Tiến - Mũi Né, nơi có nhiều khu du lịch đang hoạt động.

Lũ cát trên đồi cao của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã ập xuống đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né), lấp kín đường và tràn qua hai nhà hàng Đại Dương Xanh và Viễn Phương kề biển. Một ô tô 16 chỗ bị bùn cát lấp hơn nửa xe, tài xế nhanh chóng thoát ra ngoài.

Giao thông tại khu vực này trong sáng 21/5 bị ảnh hưởng, xe không thể qua lại, phải rẽ qua các đường nhánh lên đường 706B song song ở phía trên để đi tiếp.

Cách đó chừng 8 km, tại đoạn trước Nhà hàng VietnamHome trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến), cát tràn xuống trên một đoạn dài hơn 300 m. Lớp cát dày hơn nửa m, đặc quánh bùn đỏ dính cứng trên đường, gây ách tắc giao thông trong khu vực. Hai xe tải và một ô tô bị cát vùi, dính bánh tại chỗ, không thể di chuyển.

Một nhà dân ven đường bị cát tràn vào, vùi lấp 10 xe máy, song trong nhà vắng người nên không xảy ra thương vong.

UBND TP Phan Thiết, Sở Giao thông vận tải đang điều các phương tiện đến hiện trường dọn dẹp. Hiện địa phương chưa thống kê cụ thể thiệt hại.

Bình Dương thu hút gần 4.300 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 40,6 tỷ USD

Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội.

Khu nhà xưởng công nghiệp tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Khu nhà xưởng công nghiệp tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung tại Bình Dương đạt hơn 341 triệu USD.

Trong số đó, phần lớn nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các khu công nghiệp, đạt hơn 290 triệu USD.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhận cho biết, các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ...

Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội.

Hiện nay, tính riêng các khu công nghiệp tại Bình Dương có 3.128 dự án còn hiệu lực; trong đó có 2.448 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 29,6 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.847 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp đã cho thuê hơn 285.700 m2 đất công nghiệp và hơn 64.200 m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã cho thuê 7.067,49 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%.

Một trong những khu công nghiệp thế hệ mới là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3), thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Gần đây, Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng nhà máy chế tác trang sức cao cấp tại Bình Dương.

Trước đó, Tập đoàn Lego cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em. Hiện nay, khu công nghiệp này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.

VSIP 3 có quy mô 1.000ha và ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp chính: điện tử, sản xuất ôtô, chế tạo cơ khí, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.

Hà Nội thí điểm phân loại rác thành 4 nhóm

Từ tháng 6, 23 phường sẽ thí điểm phân loại rác thành 4 nhóm, sau đó Hà Nội sẽ xem xét triển khai trên toàn thành phố trong năm 2026.

Một điểm thu gom rác công cộng ở quận Nam Từ Liêm

Một điểm thu gom rác công cộng ở quận Nam Từ Liêm

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm) sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn. Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình chọn phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa là phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Thời gian thí điểm giai đoạn 1 là đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025. Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn trên toàn Thành phố trong năm 2026.

Tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, rác được chia thành 4 nhóm gồm: có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại (bao gồm chất thải thực phẩm). Quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức quản lý của phường; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng.

Đối với rác thải có khả năng tái chế ở hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ như giấy thải, sách vở bìa, cốc nhựa, vỏ chai, UBND phường bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định mỗi tuần 2 lần. Trước mắt, loại rác này sẽ đựng vào túi lưu trữ trong suốt do người dân tự chọn, sau đó cơ quan chức năng ban hành mẫu túi để tính khối lượng rác…

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải phân loại rác tại nguồn.

Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM. Từ năm 2005, một số phường ở Hà Nội thí điểm phân loại rác tuy nhiên không thể duy trì do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật.

Lộc Trời trả hơn 470 tỷ đồng tiền nợ mua lúa cho nông dân

Tập đoàn Lộc Trời vừa thanh toán khoản nợ 472 tỷ đồng tiền mua lúa vụ cho nông dân 5 huyện của tỉnh An Giang và một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa vụ tại tỉnh Hậu Giang

Thu hoạch lúa vụ tại tỉnh Hậu Giang

Theo thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Công ty mua hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân, trị giá gần 2.500 tỷ đồng, làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy.

Tuy nhiên, tính tới ngày 1/5, Công ty còn nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân 5 huyện của tỉnh An Giang và một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân do Công ty gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, thu tiền từ đối tác mua gạo.

Hiện, khoản nợ này đã được Công ty thanh toán cho các hộ nông dân, sau thời gian thu xếp dòng tiền với đối tác, bán lúa khô và vay ngân hàng.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang liên tục đôn đốc Công ty đối thoại với bà con nông dân và cam kết thời gian thanh toán, trả lãi tiền nợ mua lúa.

Tập đoàn Lộc Trời cho biết, các khoản chậm trả được cam kết trả lãi suất 0,8% một tháng (9,6% một năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.

Thời gian qua, giá lúa biến động khiến hoạt động thu mua, kinh doanh và xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời và các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn.

Quý I, Công ty ghi nhận lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay tăng cao và rủi ro từ tỷ giá là nguyên nhân khiến Tập đoàn Lộc Trời tăng lỗ.

Tập đoàn Lộc Trời - tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - thường ký kết bao tiêu lúa, gạo cho nông dân với tổng giá trị thu mua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tổng giám đốc phá rừng làm đường dây 110 kV bị bắt

Ông Lê Quang Hào, Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng, bị bắt với cáo buộc hủy hoại 17.000 m2 rừng tự nhiên để làm đường dây điện.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt ông Lê Quang Hào

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt ông Lê Quang Hào

Chiều 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) khởi tố bị can, bắt ông Lê Quang Hào, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Tr’Hy, về tội Hủy hoại rừng, theo điều 243 Bộ luật Hình sự.

Nhà máy Thủy điện Tr’Hy công suất 30MW được khởi công năm 2008 tại xã Tr’Hy, huyện Tây Giang. Dự án được gia hạn tiến độ nhiều lần, hiện đã hoàn thành nhưng chưa phát điện.

Ngoài Nhà máy, Dự án còn bao gồm đường dây 110 kV đấu nối vào điện lưới quốc gia. Giai đoạn 1 dài 18,4 km qua các xã Tr’Hy, Lăng, huyện Tây Giang, đã hoàn thành năm 2017.

Giai đoạn 2 dài gần 30 km với 75 trụ móng đi qua huyện Đông Giang và Tây Giang được triển khai từ đầu năm 2021. Công trình ảnh hưởng đến 8.620 m2 đất lâm nghiệp, bao gồm 2.980 m2 rừng phòng hộ, 5.640 m2 rừng sản xuất và 2.160 m2 rừng tự nhiên.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng ông Hào đã hợp đồng với các đơn vị thi công.

Ông Hào chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công triển khai thực hiện Dự án tại các vị trí thuộc rừng tự nhiên tại các xã Lăng, xã Atiêng, xã Dang (huyện Tây Giang). Hậu quả, hơn 17.000 m2 rừng tự nhiên bị thiệt hại.

Chuyên đề