Bình Dương xây nhà ga metro nối TP.HCM
Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP.HCM.
Phối cảnh Vòng xoay A1 dự kiến xây dựng nhà ga metro nối Suối Tiên |
Tại buổi họp báo công bố quy hoạch Bình Dương, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết, đây là dự án trọng điểm của Bình Dương sẽ khởi công sau một tuần nữa.
Nhà ga metro rộng 5.800 m2 nằm dưới Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1, cạnh Trung tâm hành chính Bình Dương. Trung tâm thương mại có kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng, thi công trong 18 tháng. Khi hoạt động, khu tổ hợp đáp ứng hoạt động cho khoảng 14.700 khách và 1.630 người làm việc.
Đây là khu phức hợp đa chức năng gồm văn hóa, thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, nhà ga trung tâm... Điểm nhấn của dự án là quảng trường có sức chứa từ 4.000 đến 10.000 người. Nhà thi đấu, biểu diễn nghệ thuật trong nhà cho 4.000 người xem.
Thông tin từ UBND Bình Dương, hiện tuyến metro nối dài từ TP.HCM về Bình Dương đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu, nhưng cơ bản điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay 7 ha. Tuyến metro từ Suối Tiên đến Bình Dương dài khoảng 30 km có tổng kinh phí dự kiến hơn 51.700 tỷ đồng.
Việc kết nối metro từ TP.HCM đi Bình Dương và Đồng Nai cũng được các địa phương liên quan lấy ý kiến. Theo phương án, đoạn cuối Metro số 1 ở ga bến xe Suối Tiên (TP.HCM) sẽ tiếp tục chạy dài dọc quốc lộ 1, sau đó rẽ trái nối qua ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn (Bình Dương).
Từ khu vực trên, tuyến metro chia làm hai nhánh. Một nhánh chạy tới Bình Dương xây trên cao. Từ ga S0, tuyến qua nút giao Bình Chuẩn, đến Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương (TP Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một). Nhánh còn lại dài 18,3 km đi trên cao tới Đồng Nai, đến các điểm như ngã ba Vũng Tàu, Chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3, Trảng Bom.
Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến. Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.HCM - Cần Thơ, TP HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Hiệp Phước.
Hơn 1.000 hộ dân ở Quảng Bình ngập sâu
Sau bão Soulik, 1.150 hộ dân ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy bị ngập 0,5-2 m, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Nước lũ bủa vây xã Tân Hóa ngày 20/9 |
Từ đêm 19/9 đến trưa 20/9, Quảng Bình mưa lớn, nhiều điểm có lượng mưa trên 250 mm như ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa. Nước lũ thượng nguồn đổ về kết hợp nước sông Gianh, sông Rào Nan lên cao khiến nhiều khu dân cư ở vùng trũng thấp, thung lũng của hai huyện này bị ngập.
Nằm ở thung lũng được bao quanh bởi núi đá vôi, xã Tân Hóa là rốn lũ của huyện miền núi Minh Hóa. Toàn xã có hơn 400 nhà dân đang bị ngập 0,5-2 m. Các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng ngập, phương tiện không thể di chuyển.
Nhiều ngầm tràn qua huyện Minh Hóa đang bị ngập, gây chia cắt giao thông, như quốc lộ 12A đoạn qua ngầm K Ai ở xã Dân Hóa bị ngập hơn một mét; ngầm Cu Pi, ngầm Tà Cổ ở xã Trọng Hóa ngập 0,5-0,7 m. Cầu Cây Bươu, ngầm cầu tràn bản Lương Năng ở xã Hóa Sơn ngập 0,6 m, nước chảy xiết. Để đảm bảo an toàn, bộ đội biên phòng và chính quyền xã đã rào chắn, không cho người dân qua lại.
Tại huyện Tuyên Hóa, mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cũng khiến nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở xã Thạch Hóa, Lâm Hóa bị ngập. Cầu tràn bản Chuối ở xã Lâm Hóa ngập sâu hơn 2 m chia cắt 18 hộ dân với 91 nhân khẩu.
Thống kê đến chiều 20/9, toàn tỉnh Quảng Bình có 1.150 hộ dân vùng trũng thấp, ven sông ở huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch và Lệ Thủy bị ngập. 38 thôn, bản ở các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch bị cô lập do nước lũ lên cao, tuyến đường dẫn vào bị chia cắt.
Bão Soulik (bão số 4) đổ bộ khu vực giữa Quảng Bình và Quảng Trị vào chiều qua với sức gió cấp 8 (74 km/h) và nhanh chóng suy yếu nên không gây thiệt hại về người và tài sản. Hoàn lưu trước và sau bão gây mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh khiến lũ thượng lưu sông Gianh, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên báo động 1-2.
Giá vàng nhẫn lên sát 80 triệu đồng
Giá vàng nhẫn trơn sáng 20/9 tăng mạnh 500.000 đồng, lên mức kỷ lục 79,7 triệu đồng một lượng.
Giá vàng nhẫn lên sát 80 triệu đồng |
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng nhẫn trơn tại 78,6 - 79,7 triệu đồng, tăng nửa triệu đồng cả hai chiều mua bán. Bảo Tín Minh Châu tăng giá lên gần 78,6 - 79,7 triệu đồng. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niên yết nhẫn trơn quanh 78,4 - 79,7 triệu đồng.
Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của nhẫn trơn 24K trong nước. So với đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn khoảng 16,7 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng hơn 26%. Mức sinh lời của vàng nhẫn trơn năm nay vượt trội so với vàng miếng SJC (8%), sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách vào mặt hàng độc quyền vàng miếng.
Sáng /9, vàng miếng cũng hồi phục lên vùng 82 triệu đồng, sau khi giảm 200.000 đồng mỗi lượng vào hôm qua. SJC công bố giá mua bán vàng miếng tại 80 - 82 triệu đồng, cao hơn 1,6 - 2,3 triệu đồng so với nhẫn trơn.
Giá vàng trong nước đi lên theo đà tăng mạnh của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Hiện giá vàng thế giới giao dịch ở vùng đỉnh, gần 2.600 USD mỗi ounce.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 77,3 triệu đồng một lượng, thấp hơn gần 5 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước và kém vàng nhẫn 2,5 triệu đồng.
TP.HCM nâng cấp sân vận động Thống Nhất
Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới, tổng kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
Sân Thống Nhất chật kín khán giả trong một trận đấu bóng |
Trong kiến nghị của Ban Dân dụng công nghiệp thành phố vừa gửi Sở Xây dựng TP.HCM để đẩy nhanh sửa chữa sân Thống Nhất, các khán đài A, C, D sẽ được cải tạo công trình chức năng như phòng vận động viên, VIP, thử doping, y tế, vệ sinh... Khu vực sân, đường chạy thay mới mặt nhựa, hệ thống thoát nước, mặt cỏ, mở rộng sân cỏ hai đầu cầu môn, mỗi đầu 2,5 m...
Ngoài ra, sân xây thêm khu khán đài B, C1, D1 với quy mô ba tầng, các hạng mục được làm mới như máy lạnh, PCCC, hệ thống chống sét, thảm cỏ. Tổng kinh phí cải tạo, nâng cấp dự án hơn 149 tỷ đồng.
Theo Ban Dân dụng công nghiệp TP.HCM, trong kế hoạch, tháng 1/2025 sân vận động sẽ bàn giao mặt bằng để sửa chữa, hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10.
Thống Nhất là sân vận động lâu đời nhất Việt Nam, xây từ năm 1929 và hoàn thành sau đó hai năm. Ban đầu sân được đặt tên là Renault - Chủ tịch Ủy hội thành phố Chợ Lớn thời bấy giờ. Năm 1960, sân có tên gọi mới là Cộng Hòa sau khi nâng cấp. Công trình được đổi sang tên Thống Nhất vào 2/9/1975.
Với sức chứa có lúc lên tới 18.000 người, Thống Nhất từng là sân lớn nhất nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của thể thao Việt Nam, nhất là các trận đấu bóng của tuyển quốc gia. Tuy nhiên do xuống cấp, cùng với sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) hoàn thành năm 2003, các trận thi đấu của tuyển Việt Nam ở sân Thống Nhất ngày càng thưa thớt.
Xuất khẩu rau quả 9 tháng bằng cả năm ngoái
9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng cả năm ngoái.
Sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây |
Thông tin trên vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, với sầu riêng là sản phẩm chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá, rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường này 9 tháng qua.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng. Nước này không chỉ tăng nhập khẩu mà còn tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của Việt Nam.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm nay có thể đạt kỷ lục mới. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm có thể vượt mức 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đã đề ra.
Đóng cống thủy lợi lớn nhất miền Tây ứng phó triều cường
Cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) đóng tối đa 7 trên 11 cửa van trong 6 ngày để ứng phó triều cường kết hợp lũ đầu nguồn và bão số 4.
Cống thủy lợi Cái Lớn khi đóng cửa van |
Theo thông báo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Kiên Giang, khi thủy triều lên cống Cái Lớn sẽ đóng 3, 5 hoặc 7 van tùy tình hình để ngăn nước vào và mở toàn bộ 11 van khi triều xuống để giúp thoát lũ, trong thời gian từ ngày 19 đến 24/9.
Cống Cái Bé sẽ vận hành cả hai cửa van phối hợp cùng cống Cái Lớn để điều tiết nước. Khi cống Cái Bé đóng hoàn toàn, tàu bè đi qua âu thuyền. Cùng thời gian, cống Xẻo Rô cách đó khoảng 7 km sẽ vận hành theo thực tế và yêu cầu của địa phương.
Từ chiều 19/9 cống Cái Lớn đã đóng 5 cửa van. Trước đó, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang đã thông báo để người dân phía thượng, hạ lưu các công trình cống, theo dõi tình hình, chủ động chống ngập úng trong thời gian cống đóng, mở.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước cao nhất 19/9 trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,66 m, sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 2,81 m, lần lượt tăng 17, 18 cm so hôm trước và 22, 28 cm so ngày 16/9.
Những ngày tới, lũ thượng nguồn đổ về kết hợp kỳ triều cường khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Cơ quan này cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long.
Cống Cái Lớn - Cái Bé nằm trên sông cùng tên, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, vận hành từ tháng 3/2022. Trong đó, cống Cái Lớn rộng 455 m, âu thuyền rộng 15 m, gồm 11 cửa van (cao 6-9 m, rộng 40 m); cống Cái Bé, rộng 85 m, âu thuyền rộng 15 m. Cửa van, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu, đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km, mặt đê 9 m, phần xe chạy 7 m.
Dự án giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Khánh Hòa chi 4.200 tỷ đồng làm dự án giao thông, môi trường
Khánh Hòa lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
Khu vực đường Võ Nguyên Giáp sẽ được kết nối với đường vành đai 3 trong tương lai |
Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về phương án triển khai đầu tư các hạng mục thuộc dự án Phát triển tích hợp thích ứng – Tiểu dự án Khánh Hòa (IRDP).
Ban kiến nghị tách các hạng mục của dự án thành 3 dự án độc lập, triển khai đầu tư theo Luật Đầu tư công, đề xuất tiếp tục thực hiện bằng vốn ngân sách tỉnh.
Dự án thứ nhất xây dựng hệ thống kè sông thoát lũ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực phía tây TP Nha Trang, nhằm tăng khả năng thoát nước, giảm tình trạng ngập úng cho Nha Trang và một phần huyện Diên Khánh do mưa lũ; tạo không gian mặt nước đô thị, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công trình có các hạng mục kè và nạo vét 4 tuyến sông kết nối vào sông Cái; hệ thống thu gom nước thải; các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Công trình thứ hai là xây dựng đường vành đai 3 giúp kết nối đường Võ Nguyên Giáp với đại lộ Nguyễn Tất Thành để phân luồng giao thông vào sân bay Cam Ranh hay đi lên đường cao tốc Bắc - Nam mà không qua trung tâm Nha Trang; giảm bớt lưu lượng cho một số đường; tạo điều kiện phát triển quỹ đất;...
Dự án này dài khoảng 6 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2024-2027.
Cuối cùng là dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm thành phố Cam Ranh, nhằm cải thiện vệ sinh môi trư¬ờng nước. Công trình sẽ có hệ thống các tuyến ống thu gom có tổng chiều dài mạng lưới gần 16,9 km và các trạm bơm nước thải... Tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2024-2028.
Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình)
Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, suy giảm ý chí, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình |
Ngày 20/9, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hòa Bình tiến hành Kỳ họp thứ 31, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình đã xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.
Qua xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Đoàn Kiểm tra, UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình nhận thấy, ông Quách Văn Ngoan thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, suy giảm ý chí, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, vi phạm về những điều đảng viên không được làm.
Những vi phạm nêu trên đã gây dư luận, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan đơn vị công tác, uy tín của cá nhân và hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Quách Văn Ngoan, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.
Bắt tạm giam trùm cát lậu ở Hàm Tân (Bình Thuận)
Trần Văn Thuận, còn gọi là Tú Ác, được biết đến là trùm cát lậu ở huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), bị cáo buộc tổ chức khai thác tài nguyên trái phép.
Cảnh sát đọc lệnh bắt tạm giam, khám xét nhà riêng của Trần Văn Thuận (áo thun trắng, phải) |
Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Long Thái Việt, bị Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam về tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên theo Điều 227 Bộ luật Hình sự, ngày 20/9.
Chiều 20/9, hàng chục cảnh sát vũ trang được điều động đảm bảo an ninh trật tự khi cơ quan điều tra khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bị can tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân.
Theo điều tra ban đầu, hồi tháng 4, Thuận chỉ đạo ông Lê Văn Mai (nhân viên công ty) điều hành xe múc, xe ben và nhân công khai thác trái phép lớp đất dưới độ sâu cho phép của giấy phép khai thác tại mỏ khoáng sản Long Thái Việt. Sau đó những người này dùng đất san, đắp lên phần diện tích khai thác ngoài ranh và đổ vào hố dự trữ - nhằm tiêu thụ khối lượng khoáng sản khai thác trái phép hơn 16.700 m3, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng.
Trước đó, công ty này còn bị phát hiện tàng trữ, mua bán hơn 24.000 m3 cát không rõ nguồn gốc giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng. Lượng khoáng sản bán ra so với đầu vào chênh lệch cao, giúp doanh nghiệp thu lợi bất hợp pháp hơn một tỷ đồng. Công an Bình Thuận đang mở rộng điều tra, xử lý những người có liên quan.